Giải mã mạng lưới 'biến thể NATO' của Mỹ ở châu Á

06/04/2024 05:46 GMT+7

Không tập trung vào việc xây dựng một mạng lưới lớn như NATO ở Bắc Đại Tây Dương, Mỹ đang thúc đẩy phát triển các biến thể "NATO châu Á" với quy mô nhỏ hơn và phù hợp hơn giữa nhiều thách thức nổi lên ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific).

Dự kiến, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Fumio KishidaTổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh ba bên vào ngày 11.4 đến tại thủ đô Washington D.C (Mỹ).

Giải mã mạng lưới 'biến thể NATO' của Mỹ ở châu Á- Ảnh 1.

Tàu chiến Mỹ, Nhật, Canada, Anh, Philippines tập luyện chung trên biển Philippines vào tháng 10.2023

US Navy

Từ liên minh ba bên Mỹ - Nhật - Philippines

Liên quan hội nghị sắp tới, Reuters dẫn lời quyền Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Hans Mohaimin Siriban cho biết cuộc gặp "không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào". "Chúng tôi có thể mong đợi một sự liên kết về quan điểm giữa ba nước về các sự cố gần đây", ông Siriban thông tin và cho biết thêm 3 nhà lãnh đạo dự kiến đưa ra một "tuyên bố tầm nhìn chung" về quan hệ ngoại giao.

Giữa bối cảnh nhiều căng thẳng xuất hiện ở Indo-Pacific, bóng dáng về một liên minh ba bên Mỹ - Nhật - Philippines đã dần định hình từ năm ngoái với hàng loạt sự kiện ngoại giao cấp cao giữa ba nước kèm theo là các thỏa thuận hợp tác quân sự. Trong đó, Tokyo và Manila đã thỏa thuận cho phép quân đội Nhật Bản tiếp cận nhiều hơn với lãnh thổ Philippines. Tokyo và Manila đẩy mạnh việc hợp tác tăng cường tập trận chung và các hoạt động khác của lực lượng quân sự hai bên, đồng thời tìm cách mở rộng việc chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng của Nhật Bản cho Philippines và tăng cường hợp tác ba bên với Mỹ. Nhật Bản cũng tiến hành chuyển giao nhiều phương tiện quân sự cho Philippines. Cũng vào năm ngoái, Mỹ và Philippines công bố thỏa thuận cho phép binh sĩ Mỹ có thể sử dụng thêm 4 căn cứ quân sự ở Philippines. Đây là Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) mở rộng được hai bên công bố.

Trong khi đó, Mỹ và Nhật Bản là đồng minh thân cận nhiều năm. Chính vì thế, khi Mỹ - Nhật - Philippines dần hoàn thiện đầy đủ các kết nối song phương giúp từng bước hình thành nên một thỏa thuận ba bên.

Đến mở rộng các thỏa thuận

Không những vậy, ngay bên lề Đối thoại Shangri-La diễn ra ở Singapore vào tháng 6.2023, bộ trưởng quốc phòng của Mỹ, Nhật, Philippines và Úc đã có một cuộc hội đàm với những thỏa thuận tăng cường hợp tác về quốc phòng. Đây được xem là tiền đề để hình thành nên một liên minh bốn bên.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng đang thúc đẩy mở rộng thỏa thuận ba bên Mỹ - Úc - Anh (AUKUS) vốn làm nền tảng để Mỹ và Anh chuyển giao công nghệ tàu ngầm hạt nhân cho Úc. Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Nikkei Asia mới đây, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell còn tiết lộ trong cuộc gặp sắp tới, Tổng thống Biden và Thủ tướng Kishida dự kiến sẽ thảo luận về cách thức để Nhật Bản tham gia hợp tác về công nghệ trong thỏa thuận AUKUS. Cũng liên quan đến AUKUS, cả ba bên tham gia đã đồng thuận chào đón thêm sự hợp tác của New Zealand trong thỏa thuận này.

Mặt khác, Mỹ cũng đang thúc đẩy hợp tác ba bên với Nhật Bản và Hàn Quốc. Dự kiến, trong tháng 7 đến, lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc cũng tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO, rồi tiến đến Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Hàn. Từ năm 2022, Tổng thống Joe Biden đã thúc đẩy Nhật - Hàn giải quyết các bất hòa và dần đạt nhiều thỏa thuận hợp tác an ninh, quốc phòng. Tháng 8.2023, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đồng thuận triển khai một loạt các sáng kiến chung về công nghệ và quốc phòng khi Tổng thống Biden, Thủ tướng Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol gặp nhau ở Camp David (bang Maryland, Mỹ).

Một hợp tác đa phương then chốt khác mà Mỹ đang thúc đẩy ở Indo-Pacific là "bộ tứ an ninh" Mỹ - Nhật Bản - Úc - Ấn Độ.

Vai trò của Nhật

Thực tế, trong hầu hết các hợp tác an ninh đa phương mà Mỹ đang thúc đẩy tại khu vực đều có sự hiện diện hoặc sắp hiện diện của Nhật. Đây được xem là cách để Tokyo có thể chia sẻ gánh nặng cùng Washington trong bối cảnh nước Mỹ bị phân chia nguồn lực ở nhiều khu vực trên thế giới.

Mặt khác, sự khác biệt giữa các nước ở Indo-Pacific tạo ra những rào cản để nhiều nước đồng thời đạt nhiều tiêu chí thỏa thuận để hình thành nên một liên minh rộng lớn như NATO. Đó là lý do khiến Mỹ hình thành nên các liên minh, hợp tác đa phương như trên. Bên cạnh đó, các mạng lưới hợp tác này của Mỹ có xu thế củng cố hợp tác dần bằng các thỏa thuận đa phương, điển hình như hợp tác về hỗ trợ hậu cần, hợp tác tình báo của "bộ tứ" được hoàn thiện thông qua từng thỏa thuận song phương giữa các thành viên. Cách thức này còn giúp tránh những chỉ trích về việc xây dựng liên minh.

Từ các thực tế trên, theo giới quan sát, việc phát triển các liên minh đa phương quy mô nhỏ, như biến thể NATO ở châu Á, vẫn sẽ là chiến lược chủ đạo của Mỹ ở Indo-Pacific trong thời gian tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.