'Giải mã' hoa cúc trên tượng Mạc Đăng Dung và mũ tượng Quận công Nguyễn Thế Mỹ

30/08/2021 14:00 GMT+7

Thời Lý - Trần, hoa cúc được tầng lớp quý tộc yêu thích, sử dụng hình tượng của hoa cho nhiều vật dụng như bộ đĩa, hộp vàng, còn là nguồn cảm hứng thơ văn của vua và nhà sư, cho tới thời Nguyễn thì càng... tỏa sáng.

Như đã phản ánh ở bài trước, từ khi phát hiện sự liên quan giữa hoa cúc với vương triều Nguyễn và qua nghiên cứu truy ngược về các triều đại trước cho thấy, hình tượng của loại hoa này được sử dụng rất nhiều và phong phú.
Điển hình như thời Lê Sơ, hình tượng hoa cúc được sử dụng nhiều nơi. Bia tiến sĩ ở Văn Miếu (Hà Nội), hình ảnh của loại hoa này chạm khắc trên diềm bia rất phổ biến, được nhà nghiên cứu Nguyễn Du Chi nêu trong tác phẩm Hoa văn Việt Nam.

Bức tượng nữ quý tộc (thuộc dòng gốm hoa lam thế kỷ 15) hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Ảnh: Nguyễn Thị Thu Hòa

Trên đồ gốm, thì hoa cúc còn được thể hiện rất đa dạng, phong phú ở rất nhiều các loại hình, một tiêu biểu cần được nói đến là bức tượng nữ quý tộc (thuộc dòng gốm hoa lam thế kỷ 15) hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Qua nghiên cứu cho thấy, điểm cần nói ngay là một chim phượng ở trên áo tại phần ngực, đã gửi đến chúng ta một thông điệp bà là người có địa vị cao trong xã hội đương thời.
Tiếp đến ở phần cổ áo được phối một cúc có hình hoa với nhiều cánh nhỏ như hoa cúc trông thật lịch sự và sang trọng. Còn trên búi tóc tại mặt trước là 1 trang sức hình hoa cũng với đặc điểm như ở cúc áo. Xuống đến vùng đầu có 2 trang sức to ở hai bên trông như hình hai áng mây đối xứng, phía dưới hai trang sức hình mây này nhưng chếch về sau là 2 hoa giống như ở búi tóc, còn phía sau đầu thì ở trên có 2 trang sức to, ở dưới là 2 trang sức hình mây.
Cuối cùng là 2 bông tai có hình hoa giống như các hoa đã nêu. Nhìn chung về các trang sức hình hoa trên tượng, khi đối chiếu với hoa thể hiện ở bia tiến sĩ nêu trên cho thấy chúng rất giống nhau và đây có lẽ là hoa cúc. Như vậy, điều đáng nói là chiếc cúc áo (hình hoa cúc) đã chỉ ra rằng đây là một trong những minh chứng cho vấn đề “Cúc hoa và cúc áo chỉ là một”. Đây là cột mốc được biết đến sớm nhất về tục cắt bỏ cúc áo của người chết ở nước ta.
Ở triều Mạc, hiện vật được trang trí hoa cúc hiện tồn còn khá nhiều. Tiêu biểu cần được nêu là bức tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung (trị vì 1527 - 1529), hiện là bảo vật quốc gia. Điều được quan tâm ở đây: một hình hoa có nhiều cánh nhỏ được phối ngay ở chính giữa cổ áo, vị trí trang trọng này giống như cúc hoa ở tượng nữ quý tộc nêu trên. Đặc điểm của hoa cũng có nhiều cánh nhỏ như loài cúc, và cũng giống với hoa cúc ở bia tiến sĩ, tượng triều Lê đã nêu, có lẽ đây cũng là cúc áo có hình hoa cúc. Trên đồ gốm thì phải nói hình ảnh của loại hoa này được sử dụng rất nhiều, điển hình là chiếc chân đèn hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Chân đèn thời Mạc

Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Thời Lê trung hưng là thời kỳ nội chiến nhưng những hiện vật liên quan đến hoa cúc cũng còn khá nhiều, nhất là ở trên các diềm bia ở Văn Miếu Quốc Tử Giám và trên mũ của các tượng nhân vật. Một trong những điển hình là chiếc mũ trên tượng Quận công Nguyễn Thế Mỹ cho thấy có 6 hoa với đặc điểm nhiều cánh nhỏ, rất có thể đây là hoa cúc.
Với các dẫn chứng nêu trên đã cho thấy ngay ở thời Lý - Trần, hoa cúc từng được tầng lớp quý tộc yêu thích, sử dụng hình tượng của hoa cho nhiều vật dụng như bộ đĩa, hộp vàng và còn là nguồn cảm hứng trong thơ văn của vua, nhà sư. Đến triều Lê sơ, triều Mạc, Lê trung hưng thì điển hình là bức tượng nữ quý tộc và bức chân dung vua Mạc Đăng Dung. Cuối cùng là thời Nguyễn thì đã rõ.
Như vậy, hoa cúc có thể nói là vương giả chi hoa (một loại hoa dành cho các bậc vương giả), luôn gắn liền mật thiết với dòng chảy của văn hóa và lịch sử ở nước ta, trong khi hoa sen chủ yếu được sử dụng cho vấn đề tâm linh trong đạo Phật. Nhưng nhìn chung về các loại hoa, thì vượt lên tất cả có lẽ là hoa sen và cúc, bởi hoa sen là biểu tượng cho sự tinh khiết và Phật, còn hoa cúc là sự trường tồn, viên mãn, biểu tượng của mặt trời… Song hành cùng với sen, hoa cúc cũng là biểu tượng văn hóa lâu đời trong tâm thức người Việt.

Quận công Nguyễn Thế Mỹ

Ảnh: Hiếu Trần

Vào năm 2011, Việt Nam từng có một cuộc bầu chọn quốc hoa do Bộ VH-TT-DL chủ trì. Theo kết quả của cuộc bầu chọn này thì hoa sen là loài hoa được nhiều người bầu chọn nhất nhưng sau đó không có văn bản pháp quy nào được ban hành hoa sen là quốc hoa của Việt Nam. Tuy nhiên, với những phát hiện thú vị về hoa cúc trong thời gian gần đây của các nhà nghiên cứu, nên chăng khi có cuộc bầu chọn lần hai thì cùng với hoa sen, hoa cúc cũng nên được đưa vào để lựa chọn quốc hoa của Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.