Giai đoạn mới trong chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine

31/03/2022 07:11 GMT+7

Tuyên bố giảm mạnh hoạt động quân sự xung quanh thủ đô Kyiv và thành phố Chernihiv ở Ukraine, nhưng liệu Nga sẽ hạ nhiệt chiến lược quân sự để tiến tới đàm phán hay cần thêm thời gian củng cố lực lượng?

Reuters dẫn lời giới chức Ukraine cho hay đã ghi nhận có vụ nã pháo ở xung quanh thủ đô Kyiv và thành phố Chernihiv vào hôm qua (30.3), sau khi Nga tuyên bố sẽ giảm hoạt động quân sự ở 2 thành phố này.

Trước đó, sau cuộc đàm phán giữa phái đoàn hai bên diễn ra vào ngày 29.3 ở Thổ Nhĩ Kỳ, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin tuyên bố nước này sẽ giảm mạnh các hoạt động quân sự xung quanh thủ đô Kyiv và thành phố Chernihiv. Tuy nhiên, cũng hôm qua, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng kết quả cuộc đàm phán chưa hứa hẹn bất cứ tín hiệu đột phá nào giữa hai bên. Cụ thể, về kết quả đàm phán, AFP dẫn lời ông Peskov cho biết: “Chúng tôi không thể tuyên bố về bất kỳ điều gì đầy hứa hẹn hay đột phá nào”.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 29.3 thông báo Moscow đã hoàn thành mục tiêu chính của giai đoạn 1 của chiến dịch quân sự tại Ukraine và đang chuyển hướng sang vùng Donbass.

Một nhà kho thực phẩm bị hư hại ở thành phố Brovary, tỉnh Kyiv, Ukraine ngày 30.3

Reuters

Moscow cần thời gian tăng viện ?

Trả lời Thanh Niên ngày 30.3, một chuyên gia là cựu sĩ quan tình báo quốc phòng Mỹ nhận định chiến sự Ukraine bước sang một giai đoạn mới vào đầu tháng 4.

“Nga đã mất thế chủ động và Ukraine thiếu những nguồn lực để tận dụng điều đó. Trong bối cảnh như vậy, Điện Kremlin sẽ song song thực hiện 2 biện pháp: tiếp tục khai hỏa pháo binh và tên lửa nhằm vào các vị trí và thành phố quan trọng của Ukraine; điều động quân tiếp viện và lực lượng thay thế vào vùng chiến sự”, vị chuyên gia nói và giải thích việc tiếp tục pháo kích và phóng tên lửa nhằm duy trì sức ép, để Ukraine không điều động các lực lượng trở lại khu vực đông nam nước này.

Về quá trình điều động quân tiếp viện và lực lượng thay thế, ông cho rằng khó có thể hoàn thành trước nửa cuối tháng 5 do các yếu tố thời tiết. Ông chỉ ra các diễn biến cho nhận định vừa nêu: “Hai lữ đoàn bộ binh hải quân thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã được hợp nhất tại Vladivostok vào khoảng ngày 24.3. Từ đó, họ có thể đi bằng đường sắt đến biên giới Ukraine trong khoảng 2 - 3 tuần. Các đơn vị khác được rút khỏi Syria và châu Phi sẽ mất vài tuần để củng cố và chuyển vào vị trí. Thời tiết hiện nay khiến việc không vận lực lượng đến các khu vực chiến đấu trở nên khó khăn”.

Bên cạnh đó, ông nhận xét: “Sau một số diễn biến bất lợi, Moscow có thể cần thay đổi kế hoạch. Như thế, họ cần định hướng, đào tạo lực lượng tăng viện. Nếu không, Nga sẽ bị tốn kém rất nhiều, và nếu có giành chiến thắng thì thiệt hại không ít về nhiều mặt mà có thể phải mất hàng thập kỷ để hồi phục”. Về việc đào tạo lực lượng tăng viện là các cựu binh, theo vị chuyên gia, Nga phải mất từ 4 - 6 tuần, còn nếu vội vã điều động ra chiến trường ngay thì nguy cơ thương vong rất cao.

Lược đồ diễn biến chiến sự tại Ukraine ngày 29.3

BBC

Tạo thế gọng kìm nhằm vào Kyiv ?

Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia trên, nếu Nga giảm bớt lực lượng tại một số khu vực ở Ukraine, trong đó có thủ đô Kyiv, thì có thể mục tiêu tái bố trí lực lượng, đồng thời chờ thời tiết thuận lợi hơn cho việc tấn công. Cách thức này còn giúp Moscow giảm bớt tổn thất của lực lượng quân đội Nga ở xung quanh Kyiv.

Tuy nhiên, vị chuyên gia nhận định: “Nga có thể đang nhắm đến mục tiêu quan trọng là kiểm soát hoàn toàn Mariupol và hình thành vành đai đến Crimea. Khi đạt được mục tiêu, quân đội Nga có thể thuận lợi tấn công để kiểm soát Odessa nhằm tạo thế gọng kìm nhằm vào Kyiv từ hai trục”.

Xem nhanh: Ngày thứ 35 chiến sự Nga-Ukraine, sau dấu hiện đàm phán tích cực là gì?

Quy chế trung lập Ukraine đề xuất là gì ?

Reuters đưa tin trong cuộc đàm phán mới nhất giữa Nga và Ukraine vào ngày 29.3 tại Thổ Nhĩ Kỳ, Kyiv đã đưa ra nhiều đề xuất để đổi lại việc Moscow dừng chiến dịch quân sự. Trong đó, việc Ukraine đề xuất nước này sẽ chấp nhận tình trạng trung lập, nhưng phải được phương Tây đảm bảo an ninh, đã nhận được nhiều sự chú ý.

Theo luật quốc tế, một nước trung lập theo nghĩa rộng sẽ không can thiệp vào xung đột liên quan các bên tham chiến khác. Nước trung lập cũng không thể cho phép bên tham chiến sử dụng lãnh thổ của mình cho hoạt động quân sự, chọn phe hay cung cấp thiết bị quân sự cho bên tham chiến nào. Điều này nghĩa là Ukraine sẽ từ bỏ nguyện vọng gia nhập NATO, vốn được đưa vào hiến pháp Ukraine năm 2019. Nên để trở thành quốc gia trung lập, Ukraine phải sửa hiến pháp hoặc trưng cầu dân ý.

AFP ngày 29.3 dẫn lời các nhà phân tích cảnh báo Ukraine sẽ gặp nhiều khó khăn trong vấn đề này. Bởi Ukraine không thể sửa hiến pháp trong tình trạng thiết quân luật, vốn được ông Zelensky ban bố trên toàn quốc từ ngày 24.2, hay tình trạng khẩn cấp. Hơn nữa, bất kỳ thay đổi nào cũng phải được ít nhất 300/450 nghị sĩ thông qua trong 2 phiên họp quốc hội riêng biệt rồi mới được tòa án hiến pháp xác nhận.

Tổng thống Zelensky cũng tuyên bố thỏa thuận hòa bình với Nga phải được đưa ra trưng cầu dân ý ở Ukraine. Với khảo sát mới nhất vào đầu tháng này cho thấy 44% người Ukraine nghĩ đất nước mình nên gia nhập NATO và nhà nước bắt buộc thực hiện kết quả trưng cầu dân ý, việc để Ukraine trở thành quốc gia trung lập thông qua trưng cầu dân ý được xem là khá rủi ro.

Đông A

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.