Giải bài toán khai thác dầu khí sụt giảm

28/10/2021 14:00 GMT+7

Từ năm 2015 đến nay, sản lượng khai thác thực tế cũng như kế hoạch khai thác dầu khí trong nước liên tục sụt giảm. Nguyên nhân do đâu? Làm thế nào để giải bài toán sản lượng khai thác sụt giảm từng năm?

Thực trạng tìm kiếm - thăm dò - khai thác

Từ năm 2015 đến nay, sản lượng dầu trong nước liên tục sụt giảm, từ mức 16,9 triệu tấn năm 2015; xuống 15,2 triệu tấn năm 2016; 9,7 triệu tấn năm 2020 và dự báo tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.

Hằng năm, các nhà thầu và Tập đoàn Dầu khí (Petrovietnam) đều nỗ lực tìm kiếm giải pháp khoan bổ sung các giếng khoan đan dày. Tuy nhiên, số lượng giếng khoan đan dày là rất hạn chế và sản lượng thường không cao, thường chỉ đóng góp ở mức dưới 10% sản lượng chung của cả mỏ.

Các công trình dầu khí của PVN trên biển

Vương Thái

Trước đà suy giảm sản lượng của các mỏ hiện hữu và công tác phát triển các mỏ mới gặp nhiều hạn chế, việc duy trì và hoàn thành kế hoạch sản lượng khai thác là thách thức rất lớn. Nhiều năm qua, tập đoàn tập trung đầu tư nghiên cứu, đẩy mạnh hoạt động sáng kiến, với nhiều giải pháp kỹ thuật - công nghệ, áp dụng nhiều giải pháp nâng cao thu hồi dầu. Như tại Vietsovpetro, bằng biện pháp bơm ép nước để bảo tồn áp suất vỉa, đơn vị đã tăng hệ số thu hồi dầu khí từ 18% lên trên 40% đối với thân dầu trong đá móng, đây là hệ số thu hồi cao nhất trên thế giới.

Ngoài ra, do tình hình tiêu thụ khí hết sức khó khăn, đặc biệt là tiêu thụ khí cho điện giảm sút mạnh, như 9 tháng đầu năm 2021, huy động khí cho điện chỉ bằng khoảng 72% so với cùng kỳ và bằng 70% kế hoạch của Petrovietnam.

Với nhiều nguyên nhân, sản lượng khai thác thực tế cũng như kế hoạch khai thác dầu khí trong nước liên tục sụt giảm là tất yếu. Mặc dù kế hoạch sản lượng hằng năm được xây dựng chi tiết và thận trọng. Thực tế, cơ quan quản lý nhà nước về dầu khí cũng cho phép thay đổi giữa kế hoạch được phê duyệt và sản lượng thực tế ở mức 10%.

Giải pháp để duy trì và gia tăng sản lượng khai thác

Để có thể duy trì và nâng cao sản lượng dầu khí, giải pháp duy nhất vẫn là phải phát triển và đưa được các mỏ mới vào khai thác. Để thực hiện được điều này, cần khuyến khích đầu tư hơn nữa vào công tác tìm kiếm - thăm dò - khai thác, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác khai thác thăm dò (TKTD) để tạo nguồn trữ lượng mới.

Do công tác TKTD có nhiều rủi ro, tỷ lệ thành công của các giếng khoan thăm dò chỉ ở mức 20%. Nếu quy trình thủ tục phê duyệt dự án TKTD thực hiện như các dự án đầu tư phát triển khác, như hiện nay, Petrovietnam và PVEP gần như không thể triển khai các dự án TKTD. Vì vậy, cần có cơ chế để căn cứ vào đó xây dựng chiến lược, kế hoạch 5 năm và kế hoạch hằng năm, phù hợp với nhu cầu thực tế mà Petrovietnam có thể phê duyệt các dự án TKTD và không phụ thuộc vào mức vốn đầu tư vào dự án.

Người lao động ngành dầu khí trên giàn khoan

Ông Vũ Quang Nam, nguyên Phó tổng giám đốc Petrovietnam, cho biết, tìm kiếm thăm dò một giếng thông thường mất khoảng 10 - 15 triệu USD. Thế giới có thống kê nếu khoan từ 6 - 10 giếng mà thành công được 1 giếng thì đã là thắng lợi rồi. Do đó, phải chấp nhận có thể mất ở chỗ này, nhưng được ở chỗ khác. Nhưng tóm lại là phải có vốn đầu tư và có cơ chế để dầu khí có thể hoạt động được.

Theo Hội Dầu khí Việt Nam, do thiếu vốn thăm dò nên xảy ra sự mất cân đối trầm trọng giữa gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác, xảy ra hiện tượng “tiêu lạm vào dự trữ”.

Tại Hội nghị thăm dò khai thác Petrovietnam năm 2021, Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, TDKT luôn được chú trọng và ưu tiên hàng đầu tại Petrovietnam. Tập đoàn luôn sẵn sàng về nguồn lực và tiềm lực để thực hiện các kế hoạch TDKT mang tính đột phá và quyết liệt. Tuy nhiên, sự phát triển của tìm kiếm thăm dò dầu khí hiện đang đối mặt với rất nhiều khó khăn chủ quan và khách quan.

Tiềm năng trữ lượng dầu khí Việt Nam còn rất lớn, nên công tác tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác cần được triển khai thuận lợi, thông suốt để làm động lực cho các nhà đầu tư, qua đó tạo ra các nguồn thu mới cho đất nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.