Giấc mơ hát với dàn nhạc giao hưởng

Ngọc An
Ngọc An
05/10/2019 06:26 GMT+7

Được hát với dàn nhạc giao hưởng vẫn là giấc mơ của không ít nghệ sĩ theo dòng nhạc cổ điển, bán cổ điển.

“Con nhà nghèo mơ sang”

“Nói chuyện ca sĩ thính phòng, nhạc kịch hát với dàn nhạc giao hưởng ở ta có lẽ như kiểu con nhà nghèo mơ sang. Nghe có vẻ hơi bi quan nhưng đó là thực tế”, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhìn nhận.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là kinh phí thực hiện chương trình với dàn nhạc giao hưởng rất tốn kém. “Nếu thuê một ban nhạc gồm khoảng 5 - 7 người, hay dàn nhạc cùng lắm là khoảng 20 người, thì một dàn nhạc giao hưởng phải gồm khoảng 60 người trở lên. Cùng với số lượng nhạc công, số lượng thiết bị âm thanh đi theo cũng nhiều hơn. Bởi vậy, kinh phí bỏ ra tốn kém hơn rất nhiều”, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng lý giải. Nhạc sĩ nói thêm: “Ở đây không phải muốn đông người lên chơi là được. Càng đông người chơi việc phối hợp với nhau càng khó chặt chẽ. Ban nhạc nhỏ dễ kết hợp cùng nhau, còn dàn nhạc càng lớn khả năng thành công càng thấp, vì thế việc dàn dựng tốn nhiều công sức. Bên cạnh đó, hiện có rất ít kỹ sư âm thanh người Việt có thể đảm đương được một chương trình lớn với dàn nhạc giao hưởng”.

Nói chuyện ca sĩ thính phòng, nhạc kịch hát với dàn nhạc giao hưởng ở ta có lẽ như kiểu con nhà nghèo mơ sang. Nghe có vẻ hơi bi quan nhưng đó là thực tế

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long

Đầu tư cho một chương trình với dàn nhạc giao hưởng tốn kém là vậy, nhưng thường khó có thể thu lại vốn từ việc bán vé. “Nhiều khi nói chương trình có dàn nhạc giao hưởng là nhiều khán giả đã “chạy” rồi. Họ vẫn nghĩ dàn nhạc giao hưởng là cái gì đấy cao xa và không hào hứng lắm”, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng nói. Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, những chương trình hòa nhạc giao hưởng, thính phòng chưa nhiều, trong đó số chương trình có thanh nhạc biểu diễn lại càng ít ỏi hơn. “Không phải ai cũng hát được với dàn nhạc giao hưởng dù có giọng hay, kỹ thuật tốt. Bởi ca sĩ khi hát với dàn nhạc giao hưởng phải cảm thụ âm nhạc tốt, chắc nhịp, phải có “bản lĩnh thép” để không bị cuốn vào “người khổng lồ” một cách thụ động”, ông Long nói.
Giấc mơ hát với dàn nhạc giao hưởng1

Liveshow Mặt trời của tôi của ca sĩ Đăng Dương đã truyền cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ

Cần sự hưởng ứng của khán giả

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng cho rằng ca sĩ theo dòng nhạc cổ điển, bán cổ điển nếu không có điều kiện hát với dàn nhạc giao hưởng mà buộc phải hát với ban nhạc pop hay rock, hoặc hát với nhạc beat được làm trên máy tính sẽ không thể hiện được hết năng lực hát, tính chất âm nhạc, phong cách âm nhạc của họ. Điều đó không chỉ thiệt cho nghệ sĩ mà cả... khán giả. “Âm nhạc giao hưởng, thính phòng, opera có những đặc trưng mà những ban nhạc nhẹ không đáp ứng được. Nói đơn giản, trong âm nhạc, nhịp lúc nhanh lúc chậm, hoặc lúc chơi lớn lúc lại rất nhỏ trong cùng một bài hát, thì ban nhạc nhẹ hay nhạc beat không thể đáp ứng được”, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng chia sẻ.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho hay: “Để có được cơ hội hát với dàn nhạc giao hưởng thì ca sĩ phải lọt vào tầm ngắm của ban tổ chức một chương trình hòa nhạc. Nhưng dù có đủ các tố chất, điều kiện hát với dàn nhạc thì cơ hội đến với ca sĩ không nhiều bởi những chương trình nghệ thuật lớn như hòa nhạc không phải lúc nào cũng có thể tổ chức được”. Bởi vậy, nhiều nghệ sĩ đã tự thân vận động, hoặc tìm nhà tài trợ cho “cuộc chơi” của riêng mình.
Còn nhớ năm 2017, sau 22 năm ca hát, ca sĩ Đăng Dương mới thực hiện live show đầu tiên Mặt trời của tôi và quyết đưa dàn nhạc giao hưởng lên sân khấu. Khi ấy, vợ nam ca sĩ đã chia sẻ, nếu cần bán nhà chị cũng sẵn sàng để làm chương trình cho chồng được thăng hoa, thỏa mãn với âm nhạc.
Live show của Đăng Dương sau đó đã truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ đi theo dòng nhạc chính thống, trong đó có ca sĩ Lan Anh. Khoảng 1 năm sau, ca sĩ Lan Anh cũng thực hiện live show đầu tiên Ánh trăng tình yêu cùng dàn nhạc giao hưởng. Cuối tháng 9 vừa qua, live show đầu tiên Trăng hát của ca sĩ Phạm Thùy Dung cũng diễn ra với sự xuất hiện của dàn nhạc giao hưởng.
Bên cạnh nghệ sĩ dòng nhạc chính thống, nghệ sĩ theo dòng nhạc dân gian như Tân Nhàn đã đưa dàn nhạc giao hưởng lên sân khấu trong live show Trở về vào đầu năm nay. “Nếu bán hết vé cũng chỉ thu được khoảng 2 tỉ đồng, trong khi tôi đầu tư cho show gấp đôi số tiền đó. Nhưng đây là cuộc chơi âm nhạc mà tôi muốn đầu tư về tiền bạc và công sức”, ca sĩ Tân Nhàn cho hay.
Mặc dù vậy, số lượng chương trình mà các nghệ sĩ hát với dàn nhạc giao hưởng vẫn còn rất ít ỏi. Theo nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, để hiện thực hóa giấc mơ hát với dàn nhạc giao hưởng có lẽ không thể trông chờ vào chính sách hỗ trợ nào ngoài khán giả. “Sự hỗ trợ lớn nhất mà nghệ sĩ VN chưa có chính là sự hưởng ứng của khán giả. Trong khi khán giả ở nhiều quốc gia có nhu cầu hằng tuần, hằng tháng đến các chương trình opera, nhạc kịch, thính phòng, hợp xướng… thì ở VN số lượng khán giả với những chương trình như vậy còn quá ít. Chính nhu cầu của khán giả mới là nguồn hỗ trợ cho sự phát triển của những thể loại âm nhạc đó”, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.