Giá xăng tăng chóng mặt: Chọn xe đạp để đi làm!

11/03/2022 18:29 GMT+7

Khi giá xăng ngày một tăng cao , các bạn trẻ áp dụng nhiều giải pháp để tiết kiệm như: đạp xe đạp đi làm , đi chung xe với bạn hay hạn chế ra đường…

Chiều nay giá xăng lại tiếp tục đạt đỉnh mới với mức giá RON95 gần 30.000 đồng/lít. Điệp khúc xăng tăng theo chiều thẳng đứng trong thời gian qua gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của giới trẻ. Nhiều bạn trẻ phải tìm cách thích ứng hoặc thay đổi cách sinh hoạt để tiết kiệm chi phí.

Đạp xe đạp đi làm

Gần một tuần nay, Trần Phương Thành (32 tuổi, nhân viên ngân hàng tại Q.5, TP.HCM) đã phải tính toán lại phương án di chuyển từ nhà đến nơi làm việc khi giá xăng tăng cao.

Do sống ở ngoại ô TP.HCM nên Thành thường lái xe hơi đi làm với quãng đường cả đi lẫn về là khoảng 20 km mỗi ngày.

Chiều nay (11.3), Thành một lần nữa thở dài khi biết tin giá xăng tiếp tục tăng cao chót vót. Giờ đây, anh phải tốn khoảng 600.0000 đồng tiền xăng/tuần thay vì 400.000 đồng/tuần như trước đó vài tuần.

Trần Phương Thành đã tính đến chuyện mang xe đạp đến công sở

NVCC

“Nếu tính sơ lượt tổng tiền xăng, tôi có thể mất đến 2,4 triệu đồng/tháng cho tiền xăng đi làm, quá khủng khiếp!”, Thành nói.

Do vậy, chiếc xe đạp dành cho việc tập thể thao ngày nào đã phát huy tác dụng trong thời điểm giá xăng tăng cao. Thành dự tính sẽ đạp xe từ nhà đến ngân hàng và ngược lại để không phải mất tiền đổ xăng và chỉ đi lại bằng xe hơi khi có công việc cần giao tiếp.

Thành nói thêm: “Tôi chịu cực một chút, khó khăn một chút nhưng tiết kiệm được tiền. Dù sao đi xe đạp cũng giúp cơ thể săn chắc, đúng với sở thích nên tôi sẽ chuyển sang đi xe đạp trong thời gian này”.

Tương tự, Đoàn Hải Hải (29 tuổi, nhân viên văn phòng tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho rằng anh không quan tâm nhiều dù giá xăng đã tăng chóng mặt. Bởi lẽ Hải đã chọn xe đạp làm phương tiện đi làm trong suốt nhiều tháng vừa qua. Tính ra, mỗi tháng Hải tiết kiệm được 1,5 triệu tiền xăng nhờ đi xe đạp.

Nhìn vào giá xăng hiện tại, ngoài chuyện đạp xe đi làm, anh nói rằng sẽ đạp xe đi lại nhiều hơn, kể cả đi chợ, cà phê hay đi ăn uống cùng bạn bè. Anh gọi đó là cách tốt nhất để bản thân tiết kiệm tiền xăng hết mức có thể.

Việc đạp xe đạp quãng đường hơn 10 km từ nhà đến công ty đối với Hải giờ đây cũng không quá xa. "Lợi ích của việc đi xe đạp khi xăng tăng giá còn giúp tiết kiệm tiền thay nhớt, chi phí bảo trì xe máy. Bên cạnh đó, tôi có thể tự tập luyện thể thao, giúp tinh thần minh mẫn hơn khi làm việc", Hải chia sẻ.

Hải chọn xe đạp đi làm để tiết kiệm tiền xăng

NVCC

“Nếu tôi tiếp tục đạp xe từ đây đến cuối năm cũng sẽ tiết kiệm được chi phí khá nhiều. Đạp xe đạp có thể làm tôi khắc phục được mọi thứ, linh hoạt trong xoay chuyển và thích ứng với tình thế có thể diễn ra bất ngờ”, Hải nói thêm.

Sẽ hạn chế đi lại nhiều hơn

Cũng vào chiều nay, Phạm Thị Thùy Trang (sinh viên Trường ĐH Công Nghệ TP.HCM) bày tỏ sự lo lắng khi giá xăng lại tăng. “Trường có nhiều cơ sở nằm rất xa nhau. Khi đi học, chúng tôi phải thường xuyên chạy xe máy qua nhiều quận, đến các cơ sở khác nhau mà giá xăng thì tăng, gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh viên”, Trang nói.

Trước đây, cứ mỗi 3 - 4 ngày, nữ sinh viên chỉ tốn 50.000 đồng tiền đổ xăng, nhưng đến nay phải chi 80.000 đồng mà chỉ chạy xe được vài ngày. Như vậy, mỗi tháng Trang phải chi khoảng 500.000 đồng tiền xăng, một con số quá lớn đối với với một sinh viên.

Nhiều bạn trẻ chọn xe đạp đi lại khi giá xăng tăng cao

Huỳnh Ngư

Để tiết kiệm chi phí đi lại, Trang cho biết sẽ đăng ký lại môn học sao cho một ngày lên trường vào buổi sáng và kết thúc vào giờ chiều tại một cơ sở. Cô sẽ hạn chế mọi việc đi chơi và những việc đi lại không cần thiết. Nữ sinh viên này cũng chọn xe buýt để đi các chặng ngắn hoặc đi chung xe máy với bạn bè.

Còn Nguyễn Đức Huy (sinh viên năm 4 Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho biết anh sẽ thay đổi nền nếp sinh hoạt từ hôm nay, cụ thể là sẽ hạn chế tối đa việc đi lại bằng xe máy.

"Đối với việc làm bài tập và họp nhóm, tôi cũng sẽ chuyển sang hình thức trực tuyến để không phải đến trường. Nếu đi, tôi sẽ rủ bạn đi cùng và chia nhau tiền xăng. Đi đến nơi có mục tiêu rõ ràng, tránh lạc đường hoặc để xe nổ máy không cần thiết”, Huy chia sẻ về cách tiết kiệm khi giá xăng tăng cao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.