Giá xăng dầu ngày 16.5: Tăng 19% trong tuần, dầu WTI sát mốc 30 USD/thùng

Nguyên Nga
Nguyên Nga
16/05/2020 08:51 GMT+7

Giá dầu thế giới có phiên cuối tuần tăng vọt gần 7% với dầu WTI và gần 5% với dầu Brent. Thị trường dầu thô lạc quan nhờ loạt thông báo cắt giảm sản lượng của các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thế giới.

Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6 đầu ngày 16.5 (theo giờ Việt Nam) tăng 2,15 USD, tương ứng 7,8% lên 29,71 USD/thùng; giao tháng 7 cũng tăng mạnh 1,9 USD, tương đương 6,81% lên 29,78 USD/thùng; giao tháng 8 thêm 1,68 USD, lên 30,34 USD/thùng. Dầu Brent giao tháng 7 cũng thêm 0,24 USD, tương đương tăng 0,74%, lên 32,74 USD/thùng; giao tháng 7 lên 33,04 USD/thùng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu (15.5), hợp đồng dầu thô WTI giao tháng 6 tăng 1,87 USD, tương đương 6,8% lên 29,43 USD/thùng. Phiên tăng vọt cuối tuần đã nâng tổng mức tăng trong tuần của hợp đồng tháng 6 lên 19%. Hợp đồng dầu Brent giao tháng 7 thêm 1,37 USD, tương đương 4,4%, lên 32,50 USD/thùng. Như vậy, trong tuần, dầu Brent giao tháng 7 tăng 4,9%.
Trên MarketWatch cho rằng, hợp đồng dầu thô WTI bứt phá ngoạn mục trong tuần do được hỗ trợ từ loạt thông tin cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất dầu lớn thế giới. Ả Rập Xê Út giảm thêm 1 triệu thùng/ngày từ tháng 6, các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Kuwait, Nga… đều có thông tin cắt giảm sản lượng theo cam kết trước đó. Ngoài ra, sản lượng dầu thô tại Mỹ được Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA công bố hôm 14.5 cho thấy, đã có sự sụt giảm 12 triệu thùng mỗi ngày tại nước này khiến nguồn cung dầu toàn cầu trong tháng 5 đã giảm xuống còn 88 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất trong 9 năm qua. Hiện số giàn khoan dầu hoạt động của Mỹ trong tuần giảm tiếp 34 giàn, còn 258 giàn trong tuần này. Ngoài ra, theo chuyên gia phân tích hàng hóa Schneider Electric, ông Balint Balazs, triển vọng của thị trường dầu cũng được đánh giá khởi sắc, tăng nhu cầu nhiên liệu nhờ việc nới lỏng biện pháp phong tỏa trên toàn cầu.
Chiều 15.5, tại buổi họp báo Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, cần cân nhắc thật kỹ việc ngưng nhập khẩu xăng dầu, vì điều này vi phạm cam kết FTA giữa Việt Nam và các nước. Trước đó, ngày 10.4, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có kiến nghị gửi lên Bộ Công thương và Bộ Tài chính về việc ngừng nhập khẩu xăng dầu để tránh tình trạng tồn kho vượt ngưỡng giới hạn tại Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) và Nghi Sơn (Thanh Hóa).
Theo Bộ Công thương, hai nhà máy Nghi Sơn và Bình Sơn không phải xuất khẩu dầu thô mà dùng dầu thô chế biến xăng dầu để bán hoặc xuất khẩu. Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn được liên doanh với nước ngoài, nước ngoài chiếm 75% cổ phần. Còn nhà máy lọc dầu Bình Sơn thì 100% cổ phần là của Nhà nước. Theo tính toán của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, cứ mỗi thùng dầu thô giảm 1 USD, doanh thu của tập đoàn giảm khoảng 22.000 tỉ đồng mỗi năm. Như vậy, với mức giá dầu 30 USD/thùng như hiện nay, doanh thu Tập đoàn giảm 55.000 tỉ đồng/năm. Thời điểm ước tính doanh thu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là lúc giá dầu ở mức 60 USD/thùng.
Cũng trong ngày hôm qua (15.5), báo cáo số tiền tồn dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu hết quý 1/2020 của Bộ Tài chính cho thấy, do giá xăng dầu giảm liên tiếp trong 8 kỳ đầu năm, khiến tồn dư quỹ đạt mức lớn nhất từ trước đến nay, gần 5.000 tỉ đồng. Số dư Quỹ vào cuối năm 2019 khoảng 2.780 tỉ đồng.
Giá bán lẻ xăng dầu ngày 16.5 (theo Petrolimex) với xăng E5 RON 92 là 11.520 đồng/lít và xăng RON 95 là 12.235 đồng/lít, dầu diesel 9.850 đồng/lít.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.