Nhà phân tích thị trường cấp cao Edward Moya tại Công ty phân tích và dữ liệu Oanda nhận xét, giá dầu thô tăng ngay sau khi có báo cáo hằng tháng của OPEC cho thấy, thị trường dầu mỏ sẽ thắt chặt hơn rất nhiều so với suy nghĩ ban đầu. Trong OPEC+, ngoài Ả Rập Xê Út tuyên bố cắt giảm nguồn cung đến hết năm, Libya mới đây cũng đã đóng cửa 4 kho cảng xuất khẩu dầu ở phía đông do bão. Ngoài ra, một thành viên khác của nhóm là Kazakhstan cũng đang giảm sản lượng dầu hằng ngày để bảo trì.

Theo dự kiến của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu toàn cầu sẽ tăng từ 99,9 triệu thùng/ngày vào năm 2022 lên 101,2 triệu thùng/ngày trong năm nay và 102,9 triệu thùng/ngày vào năm 2024. Nhu cầu dầu thế giới tăng từ 99,2 triệu thùng/ngày vào năm 2022 lên 101,0 triệu thùng/ngày vào năm 2023 và 102,3 triệu thùng/ngày vào năm 2024.

EIA dự kiến tồn kho dầu toàn cầu sẽ giảm gần nửa triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm 2023, đẩy giá dầu tăng với giá dầu Brent đạt mức trung bình là 93 USD/thùng trong quý cuối năm.

Ngoài EIA, ngày 12.9, Viện Dầu khí Mỹ (API) cũng có báo cáo tồn kho dầu của Mỹ trong tuần trước tăng bất ngờ thay vì dự báo giảm của các nhà phân tích trên Reuters. Cụ thể, trên Reuters, các nhà phân tích đưa dự báo tồn kho dầu thô Mỹ tuần qua giảm hơn 5,5 triệu thùng, nhưng thực tế lại tăng hơn 1,17 triệu thùng.

Trong nước, do giá thế giới chốt phiên bất ngờ tăng trở lại, sáng nay (13.9), một số thương nhân phân phối xăng dầu cho hay, chiết khấu bán lẻ xăng dầu giảm khoảng 150 - 200 đồng/lít so với ngày hôm qua (12.9). Một số nhà phân phối phía bắc đưa ra dự báo chiết khấu sẽ giảm dần trong những ngày tiếp theo, khuyến cáo các đại lý lên kế hoạch nhập hàng sớm để tối ưu chi phí.