Giá vàng tăng phi mã, thuế vào cuộc

Thanh Xuân
Thanh Xuân
11/03/2024 06:40 GMT+7

Giá vàng liên tục phá các mức kỷ lục cao nhất từ trước đến nay và với biên độ giữa giá mua và bán từ 1 - 3%, cơ quan thuế đang vào cuộc tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra mua bán vàng.

Giá tăng kỷ lục nhưng không nhiều người "thắng lớn"

Suốt tuần qua, giá vàng nhẫn 4 số 9 không ngừng tăng, liên tục lập rồi lại phá kỷ lục. Đến ngày 10.3, giá vàng nhẫn chính thức vượt qua mức 71 triệu đồng/lượng, cao nhất trong lịch sử của loại vàng này. Cụ thể, Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu tăng giá vàng nhẫn 4 số 9 thêm 40.000 đồng mỗi lượng, mua vào lên 69,82 triệu đồng, bán ra 71,12 triệu đồng.

Tập đoàn Doji tăng thêm 100.000 đồng/lượng, lên 69,8 triệu đồng, bán ra 71,1 triệu đồng. Nhẫn tròn của Công ty Phú Quý tăng lên thêm 100.000 đồng, ở mức 69,7 triệu đồng chiều mua vào, bán ra 71 triệu đồng… Chênh lệch giữa giá mua và bán vàng nhẫn lên 1,3 triệu đồng/lượng, tương ứng khoảng 1,86%.

Trong khi đó, giá vàng miếng SJC đứng ở mức cao từ 81,9 - 82 triệu đồng mỗi lượng bán ra, mua vào từ 79,45 - 79,75 triệu đồng/lượng. Đây cũng là mức giá cao nhất từ trước đến nay. Giá mua và bán vàng của các đơn vị kinh doanh tăng lên 2,5 triệu đồng/lượng (thay vì 2 triệu đồng/lượng trước đó), mức này tương đương khoảng 3,2%.

Giá vàng tăng phi mã, thuế vào cuộc- Ảnh 1.

Cơ quan thuế tăng cường rà soát toàn bộ các đơn vị kinh doanh vàng

Đào Ngọc Thạch

Giá vàng nhẫn tăng liên tục đã giúp những người giữ vàng bỏ túi khoản lợi nhuận lớn trong một thời gian ngắn. Đơn cử trường hợp chị Thanh Hà (Q.7, TP.HCM), với 5 lượng vàng nhẫn mua vào cuối năm 2023, chị nhiều lần "nhấp nhổm" muốn bán khi giá tăng liên tục. Trước đó, khi giá vàng miếng SJC tăng lên mức cao 77,3 triệu đồng/lượng, chị Thanh Hà đã bán chốt lời mỗi lượng 13 triệu đồng, lời 65 triệu đồng và chuyển sang vàng nhẫn vì rẻ hơn.

"Tôi mua vàng nhẫn với giá chưa đến 63 triệu đồng/lượng. Chưa đến 3 tháng sau, mỗi lượng vàng nhẫn lời khoảng 5,5 triệu đồng nếu so với giá mua vào của Công ty SJC là 68,3 triệu đồng (bán ra lên 69,6 - 69,7 triệu đồng/lượng), tương ứng đi lên 8,4%. Nếu bán ra lúc này thì lời thêm 27,5 triệu đồng", chị Hà tính toán. Thế nhưng do giá vàng nhẫn vẫn liên tục tăng nên chị Hà chưa vội bán ra mà tiếp tục chờ thêm.

Biến động vàng ngày 12.3: Giá vàng trong nước đang tiến tới đỉnh mới, 83 triệu đồng/lượng?

So với đầu năm, giá vàng nhẫn 4 số 9 đã tăng từ 5,5 - 8,5 triệu đồng/lượng tùy từng đơn vị. Như vậy, những người nắm giữ vàng nhẫn đã thu về mức tương ứng từ 8,4 - 13,6%. Trong khi đó, vàng miếng SJC có tốc độ tăng giá chậm hơn, vào khoảng 10,8%, đi lên 8 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội mỹ nghệ kim hoàn TP.HCM, không quá nhiều người "hốt bạc" từ giá vàng tăng vì thị trường nữ trang thời gian qua hầu như không có ai mua. Doanh số của các đơn vị kinh doanh vàng giảm khoảng 70%. "Gần đây, người dân có xu hướng đầu tư vào vàng nhẫn 4 số 9 nên sản phẩm này có sôi động hơn. Nhưng so với trước kia cũng không ăn thua gì", ông Dưng cho biết.

Thất thu thuế

Không chỉ về giá, thị trường vàng còn "nóng" hơn khi có sự vào cuộc của cơ quan chức năng. Mới đây, Tổng cục Thuế có công văn yêu cầu các Cục thuế địa phương tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động mua bán vàng, bạc, đá quý. Tổng cục Thuế chỉ đạo các Cục thuế, Chi cục thuế thực hiện rà soát toàn bộ các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh, gia công vàng, bạc, đá quý trên địa bàn quản lý, đặc biệt là các hoạt động kinh doanh mua bán vàng nguyên liệu và vàng miếng. Kịp thời phát hiện các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh có phát sinh mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý nhưng không kê khai thuế, có sự chênh lệch giữa giá vốn, doanh thu thực tế với giá vốn, doanh thu kê khai thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Nhìn lại hiện nay, cách tính thuế GTGT đối với doanh nghiệp mua bán, chế tác vàng, đá quý là phương pháp trực tiếp. Tức là thuế GTGT bằng giá trị tăng thêm (giá bán - mua vào) nhân với thuế suất. Chính vì vậy, doanh nghiệp phải có giá mua và bán mới có thể tính được số thuế phải nộp. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải thực hiện xuất hóa đơn mới có thể thực hiện đúng quy định về thuế.

Ông Nguyễn Văn Dưng cho biết vừa qua một số doanh nghiệp đã triển khai thực hiện kết nối máy tính tiền với cơ quan thuế, đây là một trong những bước tiếp theo khi thực hiện xuất hóa đơn điện tử đối với khách hàng. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp kết nối máy tính tiền với cơ quan thuế chưa nhiều và họ chỉ xuất hóa đơn khi có yêu cầu của người tiêu dùng.

Thực tế, tình trạng người tiêu dùng không lấy hóa đơn khi mua vàng, bạc, đá quý là tương đối phổ biến. Đây là lỗ hổng khiến thất thu thuế trong lĩnh vực này khá lớn. Trong thời gian qua, nhiều vụ việc tiệm vàng không xuất hóa đơn, không kê khai nộp thuế hàng tỉ đồng đã bị cơ quan công an phát hiện. Cụ thể như tiệm vàng Phước Nguyên (TP.Long Xuyên, An Giang) có dấu hiệu trốn thuế vì không xuất hóa đơn, kê khai nộp thuế đối với số vàng giao dịch trị giá hơn 10.000 tỉ đồng. Chênh lệch giữa giá mua và bán vàng dao động khoảng 1 - 2% trên doanh thu bán ra, do đó số thuế trốn ước tính khoảng 90 tỉ đồng.

Tại dự thảo luật Thuế GTGT, Bộ Tài chính đề xuất giữ nguyên cách tính thuế GTGT trực tiếp như hiện nay. Tuy nhiên, với phương pháp này, theo tỉnh Quảng Nam, hiện nay mặt hàng vàng, bạc, đá quý là loại hàng hóa đặc biệt, vừa là hàng hóa, vừa là phương tiện thanh toán; rất khó kiểm soát giá. Các giao dịch mua bán vàng, bạc, đá quý thường là giao dịch nhỏ lẻ, không có đủ hóa đơn, chứng từ đầu vào. Đồng thời GTGT của vàng, bạc, đá quý giữa giá thanh toán bán ra với giá thanh toán mua vào tại một thời điểm mức chênh lệch không cao. Vì vậy, áp dụng phương pháp trực tiếp trên GTGT thì khó quản lý, dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước. Góp ý cho dự thảo luật Thuế GTGT, tỉnh Quảng Nam đề nghị áp dụng phương pháp tính thuế GTGT theo tỷ lệ % trên doanh thu đối với doanh nghiệp có hoạt động mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý. Đồng thời quy định mức tỷ lệ (%) trên doanh thu riêng đối với hoạt động kinh doanh mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý (không áp dụng tỷ lệ của các hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ).

Tương tự, Cần Thơ cũng có kiến nghị nên quy định tính thuế đối với lĩnh vực này theo phương pháp trực tiếp theo doanh thu, hoặc theo phương pháp khoán thuế quy định tại luật Quản lý thuế. Lý do là thực tế trong quản lý thuế đối với doanh nghiệp kinh doanh vàng, bạc, đá quý (gọi tắt là vàng) cơ quan thuế chưa có biện pháp quản lý giá vốn mua vào vì người dân đến bán vàng thường không có hóa đơn, doanh nghiệp tự lập bảng kê theo giá thị trường để tính giá vốn mua vào tương ứng. Giá mua vào này thường tiệm cận giá bán, dẫn đến giá trị tăng thêm thấp, thuế GTGT phải nộp trong trường hợp này không đúng thực tế, dẫn đến thất thu thuế và sai quy định về hóa đơn chứng từ để làm căn cứ ghi vào sổ sách kế toán.

Thêm vào đó, Cần Thơ kiến nghị quy định bắt buộc đối tượng này phải thực hiện hóa đơn điện tử từ máy tính tiền. Thế nhưng, với các kiến nghị trên, Bộ Tài chính cho rằng không có cơ sở để đưa ra mức tỷ lệ đối với hoạt động kinh doanh mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý. Ngoài ra, doanh thu của hoạt động này rất lớn, nên theo đó, đề nghị giữ như dự thảo.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện các tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng, bạc, đá quý có vi phạm pháp luật về thuế và có dấu hiệu tội phạm thì chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để tiến hành điều tra và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Tổng cục Thuế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.