Giá thực phẩm 'rẻ đồng, đắt chợ'

05/05/2022 06:29 GMT+7

Trong khi giá hàng hóa tại trang trại phập phồng rớt giá thê thảm thì giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng vẫn liên tục tăng theo đà tăng giá xăng dầu.

Đàn heo, đàn gà trong dân teo tóp

Đầu tháng 5, nhiều công ty sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi (TACN) đã gửi thông báo đến khách hàng để điều chỉnh biểu giá bán mới. Theo đó, Công ty MNS Feed cho biết tăng 300 - 500 đồng/kg cám kể từ ngày 1.5, áp dụng cho khu vực miền Nam. Tương tự, Công ty De Heus tăng 300 - 400 đồng/kg đối với hầu hết mặt hàng cám từ đầu tháng 5, áp dụng từ Quảng Trị đến Cà Mau. Hàng loạt doanh nghiệp (DN) khác như Emivest Feedmill (Tiền Giang), Công ty chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty Greenfeed Việt Nam (chi nhánh Vĩnh Long), Công ty CJ Vina Agri... cũng thông báo tăng 300 - 400 đồng/kg từ cuối tháng 4 và đầu tháng 5 này.

Giá nhiên liệu tăng đã kéo giá hàng hóa tăng theo

Ngọc Dương

Sau hơn 13 lần điều chỉnh, giá TACN hiện nay đang ở mức cao nhất từ trước đến nay. Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, để nuôi heo thịt đạt trên dưới 100 kg/con, người nuôi phải tốn trung bình 10 bao cám, giống 1,6 triệu đồng/con và nhiều chi phí khác...

Trong khi đó, giá heo hơi ở mức thấp kéo dài với hiện chỉ 54.000 - 57.000 đồng/kg. Với mức giá này người chăn nuôi thua lỗ và thậm chí ngay cả người thương lái thu mua giết mổ cũng thua lỗ. Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết: “Sức mua trên thị trường còn thấp, nên dù chi phí đầu vào tăng thì giá bán đầu ra chưa thể tăng lên được. Hiện nay đàn heo trong dân còn rất ít, chủ yếu nguồn cung cấp là từ các DN, các trang trại lớn”.

Tương tự, nhiều hộ nuôi gà cho biết giá cám tăng liên tục đã đẩy giá thành chăn nuôi gà công nghiệp (lông trắng) lên đến 27.000 - 28.000 đồng/kg, thậm chí cao hơn nếu gặp rủi ro dịch bệnh. Thế nhưng giá bán ra nếu không có hợp đồng ký từ trước thì tăng giảm vô chừng. Ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, cho biết rất nhiều người nuôi gà công nghiệp đang có nguy cơ thua lỗ lớn khi giá thành chăn nuôi tăng liên tục nhưng giá gà bán ra thường thiếu ổn định, dưới giá thành sản xuất. “Thường xuyên bị thua lỗ nên ngày càng nhiều người nuôi nhỏ lẻ đã ngưng tái đàn. Do đó, hiện nguồn cung gà công nghiệp đến từ cơ sở nhỏ lẻ chỉ chiếm khoảng 10 - 15%, còn lại chủ yếu từ các DN lớn”, ông Quyết cho biết.

Ghi nhận tại các chợ đầu mối nông sản và chợ lẻ trên địa bàn TP.HCM cho thấy, giá các loại trái cây, nông sản mặc dù xuống thấp ở vườn nhưng khi thương lái thu gom, vận chuyển về đến TP.HCM và đến tay người tiêu dùng lại tăng gấp đôi. Cụ thể, giá mít Thái (hàng chợ) mua tại vườn chỉ khoảng 3.000 - 4.000 đồng/kg nhưng giá bán lẻ ở chợ từ 8.000 - 10.000 đồng/kg. Giá dưa hấu loại 2 (dưới 2,5 kg) khoảng 7.000 - 8.000 đồng/kg, bán lẻ ở mức 19.000 - 20.000 đồng/kg… Tương tự, giá heo hơi trung bình 55.000 đồng/kg, nhưng giá thịt bán lẻ từ 110.000 - 230.000 đồng/kg.

Phải kiểm soát giá bằng mọi cách

Chị Trương Thị Yến, ngụ P.Cát Lái, TP.Thủ Đức (TP.HCM), than thở: Thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu đều âm thầm tăng giá. Giá thịt heo bán tại chợ vẫn còn quá cao, tô hủ tiếu từ 45.000 đồng năm ngoái nay lên 60.000 đồng lúc nào không hay. Ăn hủ tiếu gõ lề đường cũng 30.000 đồng/tô. Sữa tươi từ 38.000 đồng/hộp nay tăng lên 42.000 đồng/hộp; sữa chua Yakul từ 25.000 đồng/lốc nay lên 26.500 đồng/lốc; bó rau mồng tơi đủ ăn một bữa cho gia đình 4 người từ 15.000 đồng bây giờ phải mua từ 25.000 - 30.000 đồng mới đủ. Chị Yến kết luận: “Các mặt hàng như mì gói, sữa tắm, dầu gội, dầu ăn… không thứ gì là không tăng giá. Chỉ có thu nhập là không tăng thôi”.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho rằng thách thức lớn trong thời gian tới là kiểm soát giá. Nếu không kiểm soát được giá, nguy cơ lạm phát là “trong tầm tay” và khiến đà phục hồi kinh tế càng khó khăn hơn. Hiện nhà nước chỉ có mười mấy mặt hàng đang được kiểm soát giá, trong khi cuộc sống có mấy nghìn mặt hàng. Không ai có thể bắt bà bán rau muống, bán cơm sườn giảm giá bán đi. Nhưng nếu chúng ta quản lý được giá hàng hóa đầu vào thì sẽ quản lý được giá đầu ra. Chẳng hạn, tại sao giá heo hơi chỉ 55.000 đồng/kg, giá thịt của các công ty bán trong siêu thị vẫn trên 200.000 đồng/kg sườn? Một khảo sát cho thấy, trong chuỗi giá trị, nhà sản xuất đầu vào là nông dân chỉ hưởng 19,6%, hơn 80% còn lại là rơi vào tay khâu trung gian, bán lẻ, logistics, dịch vụ xuất khẩu… Trước mắt, phải quản lý cho được giá cả hàng hóa thiết yếu như ký thịt, mớ rau, quả trứng, con cá, tô phở... Thứ hai là tâm lý tát nước theo mưa cũng xuất hiện. Chẳng hạn, giá mở cửa xe taxi trước đây bắt đầu từ 7.000 - 8.000 đồng, nay hãng xe G. “bấm một phát” mở cửa đóng cửa là lên ngay 20.000 đồng trong ki lô mét đầu tiên. Nên đi một đoạn đường chưa tới 1 km vẫn phải trả 20.000 đồng là quá vô lý. “Đó là hành vi thu tiền vô lý từ hãng xe nhưng không thấy cơ quan quản lý thị trường có ý kiến”, ông Phú nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.