Giá thịt heo cao ngất, vì sao 'thủ phủ heo' Đồng Nai vẫn chưa dám tái đàn?

Lê Lâm
Lê Lâm
20/12/2019 11:34 GMT+7

Dù giá thịt heo đang cao ngất ngưỡng nhưng người dân ở Đồng Nai, thủ phủ nuôi heo, vẫn chưa dám tái đàn.

Nuôi nhỏ lẻ vài chục con heo, hay có trang trại vài trăm, vài ngàn con, hầu hết người chăn nuôi ở "thủ phủ heo" Đồng Nai đều chưa dám tái đàn, dù giá thịt heo đang cao ngất ngưỡng.

Tiểu thương sợ… “chết” vì giá thịt heo tăng phi mã mỗi ngày

Nỗi sợ mang tên dịch tả lợn châu Phi

Anh Ngũ (ngụ xã Xuân Tâm, H.Xuân Lộc, Đồng Nai) có đàn heo 25 con. Vừa rồi, đàn heo của anh gặp phải “lưỡi hái tử thần” từ dịch tả lợn châu Phi, phải tiêu hủy hết. Giờ đây, mặc dù thấy giá heo cao như vậy, anh Ngũ vẫn cho biết chưa dám tái đàn vì...  "vẫn thấy ớn ớn".

Chuồng trại bỏ hoang sau khi dịch tả lợn châu Phi càn quét qua

Ảnh: Lê Lâm

Tương tự, khu chuồng trại của anh Nguyễn Văn Thu (ngụ xã Gia Kiệm, H.Thống Nhất, Đồng Nai) đang bỏ hoang nhiều tháng nay. Đây là hậu quả sau khi dịch tả lợn châu Phi càn quét qua. Anh Thu cho biết đàn heo hàng ngàn con chết sạch, anh thiệt hại khoảng 10 tỉ đồng.
Hỏi anh "sao không tái đàn, để chuồng trại bỏ hoang?", anh Thu bảo: “Giá heo cao, nhưng giá heo giống cũng cao, mà chắc gì nuôi đã thắng. Tôi nghĩ dịch bệnh vẫn còn, không đùa với lửa được. Nếu có vắc xin đặc trị thì may ra...”. Anh Thu cũng kể chuyện vài người ở gần nhà anh có nhập vài chục con heo giống nuôi thử, nhưng đã chết hết.
Ngay cả những hộ chăn nuôi heo may mắn chưa bị thiệt hại vì dịch tả, cũng e dè, lo lắng.
Anh Đoàn Duy Thú (ngụ xã Suối Cao, H.Xuân Lộc, Đồng Nai) là một trong trường hợp như vậy. Mặc dù đàn heo hơn 100 con của anh không dính dịch, nhưng sau khi xuất chuồng, anh cũng ngưng luôn. Anh Thú nói: “Muốn tái đàn nhưng lại sợ nên không dám, chưa kể heo giống giờ giá cao mà lỡ mua trúng heo ở vùng dịch thì coi như xong”.

Đàn heo dính dịch tả lợn châu Phi của một trang trại ở Đồng Nai

Ảnh: Lê Lâm

Chuyển hướng sang gà, vịt

Người chăn nuôi heo ngưng tái đàn, chờ đợi, một số người khác thì chuyển hướng sang nuôi gà, vịt...
Anh Trần Hoài Nam (ngụ xã Sông Ray, H.Cẩm Mỹ) sau khi nhận được 680 triệu đồng nhà nước hỗ trợ cho đàn lợn 480 con bị tiêu hủy, anh đầu tư nuôi 2.000 con gà, 2.000 con vịt. Anh cho hay vịt thì đã bán được 1 lứa, nhưng lại lỗ, vì giá chỉ 22.000 đồng/ký. Theo anh Nam, vịt phải từ 35.000 đồng/ký mới có lời. Còn gà vẫn đang nuôi, chưa xuất bán được.

Một số hộ chăn nuôi chuyển qua nuôi gà, vịt

Ảnh: Lê Lâm

Cũng chuyển hướng sang gà, vịt, nhưng anh Hà Văn Thẩm (xã Long Giao, H.Cẩm Mỹ) chọn cách tiếp cận an toàn hơn. Đó là nuôi gà, vịt đẻ trứng. Nếu như trước đây gia đình anh phải chăm sóc hơn 3.000 con lợn thì bây giờ chăm sóc 2.000 vịt và 5.000 gà.
Với số tiền hơn 3 tỉ đồng được nhà nước hỗ trợ, anh đầu tư cải tạo lại chuồng trại, nhập giống về nuôi, cũng tốn ngót nghét trên 1 tỉ đồng.
Anh Thẩm cho biết: “Tôi cắt tường ngăn giữa các chuồng heo cũ, rải trấu, làm hồ tắm, là nuôi được. Còn gà phải làm khu lồng nhốt nên chi phí cũng cao. Hiện tại đàn vịt đã bắt đầu đẻ trứng, cho thu nhập, hy vọng nghề mới này sẽ ổn”.

"Chưa nên đổ xô tái đàn dù giá heo lên cao"

Trao đổi với PV Thanh Niên trong ngày 18.12, ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai, nếu như trước đây tổng đàn heo của Đồng Nai trên 2,5 triệu con, thì đến nay chỉ còn khoảng 1,5 triệu con, giảm 40%. Số lượng heo xuất bán ra thị trường cũng giảm từ khoảng 9.000 con/ngày xuống còn khoảng 5.000 con/ngày.
Về tình hình dịch tả lợn châu Phi, ông Quang cho biết đã giảm nhiều. Cụ thể trong số 137 xã xuất hiện dịch, thì có 119 xã qua 30 ngày chưa xuất hiện dịch mới.
Tổng số tiền Đồng Nai hỗ trợ cho người dân thiệt hại vì heo bị tiêu hủy là gần 700 tỉ đồng, hiện chi trả được hơn 70%, số còn lại sẽ hoàn tất ngay trong năm 2019.
Ông Trần Văn Quang cũng khuyến cáo: Dù giá thịt heo đang cao, nhưng người dân cũng không nên đổ xô tái đàn khi chưa đảm bảo an toàn sinh học, vì nguy cơ dịch xuất hiện lại rất cao. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.