Gia tăng ngừng việc tập thể do công nhân bị giảm thu nhập

Thu Hằng
Thu Hằng
14/07/2022 16:31 GMT+7

Trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước xảy ra 107 cuộc ngừng việc tập thể , tăng 19 cuộc so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có một số cuộc ngừng việc kéo dài.

Theo báo cáo của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, thời gian qua số vụ ngừng việc tập thể trên địa bàn cả nước tiếp tục có xu hướng gia tăng.

Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước xảy ra 107 cuộc ngừng việc tập thể, tăng 19 cuộc so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có một số cuộc ngừng việc kéo dài.

Hàng nghìn công nhân Công ty TNHH Vienergy tại Ninh Bình đình công ngày 11.2

gia Ngư

Nguyên nhân chủ yếu do người lao động khó khăn, giảm thu nhập; các mặt hàng thiết yếu tăng cao, trong khi năm 2020, 2021 chưa điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng…

Bên cạnh đó, một số cuộc ngừng việc tập thể còn có nguyên nhân do chậm chi trả chế độ hỗ trợ Covid-19 theo quy định của Chính phủ.

Gia tăng ngừng việc tập thể do công nhân bị giảm thu nhập

Trước tình hình trên, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện tăng lương tối thiểu cho người lao động từ 1.7, theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ, quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, lương tối thiểu tăng bình quân 6%. Tuy nhiên, vẫn còn có doanh nghiệp mặc dù sản xuất kinh doanh tăng trường nhưng vẫn lợi dụng tình hình dịch bệnh không tăng lương hoặc cắt giảm các phúc lợi đã thỏa thuận, dẫn đến những bức xúc.

Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, các cấp công đoàn đã tích cực tham gia ổn định tình hình quan hệ lao động, các kiến nghị chính đáng của người lao động được doanh nghiệp cam kết thực hiện.

Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cũng đã có văn bản đề nghị Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, công đoàn các cấp chủ động tham gia với người sử dụng lao động trong quá trình xây dựng thang, bảng lương của doanh nghiệp theo quy định mới về tăng lương tối thiểu vùng để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Các cấp công đoàn tiếp tục chú trọng thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, tập trung tuyên truyền tới người lao động, người sử dụng lao động đồng hành, chia sẻ khó khăn; đồng thời, theo dõi, bám sát tình hình quan hệ lao động trong các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất. Khi có tranh chấp lao động tập thể, ngừng việc tập thể, đình công tự phát, cần chủ động phối hợp với UBND và các cơ quan chức năng trên địa bàn kịp thời giải quyết, đảm bảo quyền lợi của tập thể người lao động, không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.