Gia tăng các vụ gây rối an ninh hàng không

Năm 2018, VN có 13 vụ hành khách hoặc người qua đường đánh nhân viên hàng không đang làm nhiệm vụ, hoặc là đánh nhau trong phạm vi khu vực hàng không.

Số vụ vi phạm lĩnh vực an ninh hàng không gia tăng tỷ lệ thuận với tăng trưởng của ngành này những năm gần đây.
Phân tích của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) giai đoạn 2007-2010 cho thấy cứ 1.600 chuyến bay trên toàn cầu mới có 1 chuyến bay có hành vi gây rối. Nhưng từ năm 2011 tới nay, cứ 1.200 chuyến bay lại có 1 hành vi gây rối xảy ra.
Đặc biệt, tại VN năm 2018 có tới 13 vụ hành khách hoặc người qua đường đánh nhân viên hàng không làm nhiệm vụ, hoặc là đánh lẫn nhau trong khu vực hàng không, tăng thêm 3 vụ so với năm 2017. Đó là chưa kể khoảng 5-6 vụ hành khách hoặc người qua đường gây rối, dùng lời nói để cãi lộn, lăng mạ nhân viên làm nhiệm vụ, từ đó dẫn tới đánh nhau.
Các hành vi gây rối gồm sử dụng lời nói bạo lực đe dọa nhân viên hàng không; không tuân thủ chấp hành các quy định về cài dây an toàn của tiếp viên về an toàn hàng không, quấy rối tình dục hay cao điểm nhất là hành hung nhân viên hoặc hành hung hành khách với nhau tại Cảng hàng không.
Theo ông Tô Tử Hùng, Phó trưởng phòng An ninh Hàng không, Cục Hàng không VN, với sự tăng trưởng của ngành hàng không năm 2018 gần 13%, ước tính đạt trên 100 triệu hành khách thông qua cảng hàng không, với con số hàng trăm đường bay và các hãng hàng không VN cũng như quốc tế khai thác, thì việc gia tăng các vụ việc gây rối là tất yếu.
Hiện lực lượng kiểm soát an ninh hàng không tại các cảng hàng không sân bay với mục đích thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh hàng không theo các nhiệm vụ Bộ GTVT giao, trong đó có nhiệm vụ ứng phó ban đầu với hành vi gây rối tại sân bay và cùng Cảng vụ xác minh hành vi gây rối, bàn giao cho cơ quan cần thiết để xử lý.
Theo ông Hùng, tại sân bay có rất nhiều mục tiêu mà lực lượng an ninh sân bay cần bảo vệ cũng như kiểm soát. Theo quy định của luật Hàng không dân dụng VN, có 3 loại nhân viên kiểm soát, bao gồm nhân viên kiểm soát nhằm mục đích bảo vệ, tuần tra canh gác các vị trí khu vực công cộng sân bay, giám sát khu vực đó; nhân viên an ninh cơ động - là lực lượng chuyên nghiệp chuyên đối phó với các tình huống bạo động, bạo lực, được trang bị công cụ hỗ trợ vũ khí để sẵn sàng ứng phó với tình huống, khi có sự việc xảy ra có thể cơ động vị trí; nhân viên an ninh soi chiếu có vai trò dùng kỹ năng kỹ thuật phát hiện đồ vật nguy hiểm nhiệm vụ được giới hạn ở khu vực soi chiếu.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hàng loạt vụ việc vi phạm an ninh hàng không diễn ra gần đây bộc lộ những yếu kém về nghiệp vụ của một số nhân viên an ninh hàng không.
Ngày 23.11 vừa qua, tại Cảng hàng không Thọ Xuân xảy ra vụ việc vụ 3 thanh niên hành hung nhiều nhân viên hàng không với tính chất rất nghiêm trọng, đe dọa sức khỏe, tính mạng của nhân viên hàng không, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, uy hiếp đến an ninh sân bay. Ngay sau đó, ngày 25.11, tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, hành khách H.T.L đi chuyến bay VJ316 đến trễ so với giờ ra máy bay quy định trên vé cũng đã nổi nóng định hành hung nhân viên hàng không.
Đánh giá về việc lực lượng an ninh phản ứng chậm trong vụ côn đồ hành hung nhân viên hàng không tại sân bay Thọ Xuân, ông Tô Tử Hùng cho biết dưới góc độ chuyên môn, Cục đang tiến hành bình giảng tại Thọ Xuân trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.
Để ngăn ngừa các vụ việc tương tự, Cục Hàng không VN vừa yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không VN - ACV, các cảng vụ hàng không chỉ đạo lực lượng kiểm soát an ninh hàng không tăng cường cảnh giác, kịp thời phát hiện và trấn áp các hành vi vi phạm đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của nhân viên ngành này. Các hãng hàng không có các biện pháp tích cực phòng ngừa để bảo vệ sự an toàn của nhân viên đối với các đối tượng manh động, côn đồ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.