Gia tài của ông lão hát bội

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
18/09/2021 06:11 GMT+7

Nghệ sĩ hát bội Lê Hữu Lập sinh năm 1943 ở Bình Dương, trong một gia đình 3 đời làm nghề hát bội, bản thân ông cũng vào đoàn hát từ năm 13 tuổi.

Lo lắng hát bội có thể thất truyền, nhiều năm qua ông đã ghi lại những hiểu biết của mình về hát bội. Những tư liệu mà ông ghi chép sau đó đã được nhóm bạn trẻ Giang Phạm, Bạch Tùng và Lê Dũng ở TP.HCM thu thập và dựng thành video Gia tài của ông lão hát bội, làm sổ tay về mặt nạ tuồng Nam bộ… trong dự án Di sản kết nối do Hội đồng Anh tại VN tài trợ.
Ông Lập cũng cho biết trước đây phần lớn những người gặp ông để tìm hiểu về hát bội thường phục vụ cho công việc riêng của họ, chứ không phải để làm tư liệu cho cộng đồng. “Ai có ý tưởng mà đưa ra cho công chúng và đưa ra nước ngoài là bác quý lắm”, ông Lập chia sẻ. Chính vì thế, càng ngày ông càng viết nhiều về hát bội và giờ là chia sẻ cho công chúng.
Gọi là viết, nhưng thực ra là cả vẽ, cả viết và tô màu. Ông Lập có những tập tư liệu về mặt nạ hát bội. Người xem có thể thấy các vai trung can nghĩa khí được vẽ màu đỏ tươi, vai gian hùng giảo hoạt vẽ màu trắng, vai nóng nảy trung thực vẽ màu đen… Một tập tư liệu như vậy đã được đưa lên mạng để mọi người cùng tham khảo.
Cũng thuộc dự án về hát bội này còn có một video dễ thương có tên Những điều lưu ý cho khán giả khi đi xem hát bội . Chẳng hạn, khán giả không nên mang khúc mía và trái me khi đi xem hát bội, không nên khen nghệ sĩ trước khi đi lên sân khấu vì điều đó làm mất duyên của họ, và cũng không hát theo khi xem hát bội vì nghệ sĩ nghĩ đó là sự chế giễu…
TS Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm phát triển nghệ thuật Vicas Art Studio, đánh giá cao những sản phẩm kết nối hát bội với người trẻ này. Theo bà Hà, việc phát triển những sản phẩm “nhỏ xinh” về hát bội dưới dạng sổ tay, video ngắn là cách làm rất linh hoạt, thông minh để kết nối di sản.
“Tôi nghĩ đây là cách phổ biến và hiệu quả hơn cả trong việc phát huy và làm sống lại di sản. Không có cách nào để hút được sự chú ý của các bạn trẻ nếu những thông tin di sản không được thể hiện mạch lạc bằng ngôn ngữ và màu sắc thiết kế đồ họa đương đại. Nó phải thuận tiện, linh hoạt và đặc biệt phải phù hợp với nền tảng số”, bà Hà nhận xét.
TS Hà cũng cho rằng từ việc thu hút bằng các sản phẩm này có thể dẫn tới việc phát huy di sản trong cộng đồng người trẻ, về lâu dài thậm chí có thể hướng đến việc kinh doanh văn hóa. Chẳng hạn, có thể có các sản phẩm thời trang, những thiết kế đồ gia dụng với họa tiết và câu chuyện từ văn hóa hát bội, bởi theo bà Hà thì “đó là điều khả thi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.