Giá rau, thịt, cá... đã về 'trạng thái bình thường'

Nguyên Nga
Nguyên Nga
20/02/2021 06:27 GMT+7

Một tiểu thương tại chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) đã ví von như trên khi được hỏi về tình hình hàng hóa, giá cả các mặt hàng thiết yếu vào sáng mùng 8 tháng giêng (19.2).

Chỉ rổ cải bẹ lớn dùng để làm dưa cải chua chất cao ngất ngưởng trước mặt, bà Lan, tiểu thương tại chợ Phạm Văn Hai, nói: “Mấy ngày trước “bói” cũng không ra được một cây cải này, hàng “đứt” từ mấy ngày tết do trước đó người ta mua nhiều để làm dưa ăn tết. Sáng nay mới thấy về lại mà giá cũng không cao, như ngày thường, 20.000 đồng/kg, trước tết phải 24.000 - 25.000 đồng/kg”.

Dồi dào hàng hóa từ chợ đến siêu thị

Không chỉ có rau củ quả, theo ghi nhận của Thanh Niên, ngày 19.2, tại các chợ dân sinh TP.HCM, các mặt hàng tươi sống như cá, thịt… cũng về chợ dồi dào hơn nhiều so với 2 ngày trước đó. Đặc biệt, các loại rau củ từ Đà Lạt về phong phú hơn: cà rốt, khoai tây, hành tây, bông cải tươi xanh đầy ắp chợ. Theo đó, giá các mặt hàng cũng thấp hơn dịp tết khoảng 5 - 10%. Khoai tây, cà rốt loại 1 của Đà Lạt, cải xanh... đồng giá 22.000 đồng/kg. Các loại rau muống, cải thìa, rau mồng tơi giá 18.000 - 23.000 đồng/kg.
Tương tự, các mặt hàng thịt heo, thịt bò về chợ cũng nhiều hơn, giá bán lẻ đã giảm mạnh so với những ngày trước Tết Nguyên đán và trong 3 ngày tết. Cụ thể, thịt đùi heo 170.000 đồng/kg, ba rọi giá từ 170.000 - 185.000 đồng/kg, thấp hơn những ngày giáp tết từ 10.000 - 15.000 đồng/kg; ba rọi rút sườn 220.000 đồng/kg; sườn non 260.000 đồng/kg… Gà ta sống chưa làm giá 120.000 - 130.000 đồng/kg, mức giá này thấp hơn ngày tết khoảng 10.000 đồng/kg.
Trong siêu thị Co.op Mart, các loại rau củ phong phú không kém. Mặt hàng cải ngồng tìm mua ngoài chợ dân sinh không có thì trong siêu thị có nguyên rổ lớn với giá 28.000 đồng/kg, rau bồ ngót 35.000 đồng/kg, rau dền 25.000 đồng/kg, cải bó xôi 28.000 đồng/kg, cải ngọt 9.000 đồng/bó, rau muống baby 17.500 đồng/bó 300 gr... Đặc biệt, mặt hàng thịt heo trong siêu thị hôm qua (19.2) cũng phong phú hơn nhiều so với vài ngày trước. Thịt giò heo rút xương 155.000 đồng/kg, cốt lết 153.000 đồng/kg, ba rọi 208.000 đồng/kg, thịt đùi heo 169.000 đồng/kg, sườn non 278.000 đồng/kg, nạc đùi bò Úc 330.000 đồng/kg, thăn ngoại bò Úc 415.000 đồng/kg, gân bò và thịt cổ bò Úc 240.000 đồng/kg (giá bán tại chợ là 250.000 đồng/kg)... Trứng gà giá từ 26.000 - 31.000 đồng/vỉ 10 trứng, vỉ 6 trứng có giá 15.600 - 18.600 đồng/kg.

Chợ hy vọng ngày vía Thần vào cuối tuần

Tuy nhiên, hàng hóa phong phú hơn, giá cả đã trở lại bình thường nhưng lượng người mua tại chợ lẫn siêu thị vô cùng khiêm tốn. Lúc cao điểm từ 9 - 10 giờ sáng, tại một số chợ dân sinh như chợ Bình Thới (Q.11), chợ Tân Phước, chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình)... theo phản ánh của một số tiểu thương, người đi chợ mua sắm bằng một nửa ngày thường. Bà Châu (tiểu thương bán thịt tại chợ Tân Phước) nói: “Hôm nay (19.2) lấy hàng về nhiều hơn nhưng sáng giờ lượng người đi chợ mua thịt vẫn “èo uột”. Hy vọng mấy ngày vía Thần Hoàng (mùng 9, ngày 20.2), vía Thần Tài (mùng 10, ngày 21.2), người ta mua thịt heo về cúng nhiều hơn, chợ sẽ chạy hơn”.
Giá rau, thịt, cá... đã về 'trạng thái bình thường'1

Hàng hóa ở chợ phong phú nhưng lượng người mua chỉ bằng một nửa so với ngày thường

Trước mặt quầy thịt của bà Châu, vợ chồng ông bà Chín cũng cho biết, các loại rau cải, cá, gà đã làm... được hai vợ chồng mua từ Cần Giuộc (Long An) lên chợ này bán từ 6 giờ sáng, bán mở hàng đầu năm sau tuần nghỉ tết. “Chợ búa kiểu này là thua rồi. Hôm 30 tết cũng chở gà về, giờ đầu năm bán gần hết buổi sáng chưa hết nửa số hàng mua mang lên. Rau cải, cà chua vườn, cá sông mà còn ế kiểu này, chắc trưa lại chở về thôi. Mở hàng đầu năm chợ “yếu” quá cũng nản”, bà Chín nói.
Tương tự, tại siêu thị Co.op Mart Lữ Gia, lượng người mua hàng tại các quầy thịt cá, rau quả vào giờ cao điểm (10 - 11 giờ) ngày 19.2 cũng khá thưa thớt. Các loại rau xanh chất đầy ắp quầy kệ. Tuy nhiên, tại quầy tính tiền, cả nhân viên và người mua khá thong dong, hoàn toàn không có cảnh xếp hàng chờ đến lượt để thanh toán.
Theo một số nhân viên bán hàng tại siêu thị, lượng người tới mua sắm thưa thớt do đồ tích trữ ăn tết còn. Ngoài ra, ngại dịch Covid-19 nên việc đi chợ mua thức ăn hằng ngày hầu như giảm hẳn. Đa số các siêu thị đều đưa ra dự báo trong 2 ngày cuối tuần (thứ bảy và chủ nhật, ngày 20 - 21.2), lượng khách mua sẽ tăng mạnh do thực phẩm trữ đã hết và nhu cầu mua sắm cúng đầu năm cũng bắt đầu rôm rả.

Nhiều mặt hàng thiết yếu có xu hướng giảm nhẹ

Báo cáo của Bộ Công thương cập nhật đến ngày 16.2, sức mua trong cả dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 chỉ tăng từ 3 - 5% so với tháng thường và tăng 7 - 10% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên phương thức mua hàng hóa tiêu dùng thiết yếu phục vụ tết cũng có nhiều thay đổi. Việc mua bán trực tuyến được nhiều người tiêu dùng lựa chọn nhằm tránh đến những nơi đông người.
Đặc biệt, với mặt hàng thịt, từ tháng 1.2021 tăng nhẹ, song đến Tết Nguyên đán, do các siêu thị tham gia chương trình bình ổn nên thị trường vẫn giữ giá ổn định và một số siêu thị có chương trình giảm giá bán thực phẩm tươi sống, thịt heo đông lạnh vào những ngày gần tết nên giá thịt gà, thịt bò chỉ tăng vào những ngày sát tết tại các chợ truyền thống do sức mua tăng. Các mặt hàng nông sản thực phẩm khô tăng nhẹ vào khoảng 3 tuần trước tết, đến nay đã “quay về” mức giá cũ. Thậm chí, các loại rau củ quả, theo đánh giá của Bộ Công thương, sau tết đang có xu hướng giảm so với cùng thời điểm này năm trước. Còn giá thịt heo tăng nhẹ khoảng 10.000 - 20.000 đồng/kg so với cuối năm 2020 nhưng thấp hơn cùng kỳ năm trước khoảng 5 -7%. Giá thịt bò, thịt gà, thủy hải sản tăng khoảng 10 - 15% so với các tháng thường trước tết nhưng chỉ tăng nhẹ hoặc tương đương với Tết Canh Tý 2020.
Giá cả sẽ tiếp tục ổn định, giảm nhẹ
Theo đại diện Bộ Công thương, tâm lý tích trữ thực phẩm trong dịp tết hầu như không còn nữa, thay vào đó vào 10 ngày trước tết người dân đã tập trung mua sắm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong tết và tiếp tục kéo dài đến sát tết. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 đã xuất hiện trở lại vào 2 tuần trước tết nên thị trường có phần trầm lắng hơn so với mọi năm, do các buổi liên hoan tất niên, tổng kết dịp cuối năm bị hoãn, hoạt động của các nhà hàng, quán ăn đình trệ. Nhu cầu mua sắm của người dân có phần giảm sút, nhất là tại các địa phương có dịch, phương thức mua hàng trực tuyến tiếp tục được ưa chuộng. Dự báo trong những ngày sắp tới, giá cả các mặt hàng nhu yếu phẩm sẽ tiếp tục ổn định, giảm nhẹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.