Hàng trăm chợ truyền thống đóng cửa, áp lực tăng giá rau củ

02/07/2021 06:23 GMT+7

Gần 100 chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM phải tạm ngưng hoạt động để kiểm tra, đánh giá lại điều kiện hoạt động trong tình hình vừa duy trì kinh doanh vừa đảm bảo phòng, chống dịch.

Dù không khan hiếm nhưng một số mặt hàng rau củ tăng giá khá mạnh.

Giá tăng do chi phí phòng dịch?

Trưa 1.7, đối diện cổng chợ Tân Hưng (còn gọi là chợ ông Hoàng - Q.Tân Bình, TP.HCM), chị Hoa bán rau quả còn hơn 1 kg cải ngọt. Gặp khách hỏi mua trái vải và dưa hấu, chị ấn luôn vào tay khách bó cải, giọng khẩn thiết: “Mua giúp luôn để về kẻo trưa quá rồi. Sáng giờ lấy 6 kg cải nhưng bán còn hơn 1 kg thế này đây. Lấy đi, tôi bán lỗ, chỉ lấy 20.000 đồng cho 1,2 kg này thôi”, vừa nói, chị Hoa vừa bỏ hết mớ cải ngọt vào bịch ni lông cho khách mà không cần biết khách đồng ý hay không. Chị cho biết cải ngọt này lấy tại chợ Bà Quẹo giá 20.000 đồng/kg, về bán lẻ 25.000 đồng/kg. Túi rau giúi vào tay khách, chị bán lỗ vì ngồi thêm cũng không ai hỏi mua. Chị Hoa cho biết giá nhiều mặt hàng rau củ tăng một phần do giảm đi lấy hàng trực tiếp tại chợ đầu mối, mua qua chợ sỉ trong khu vực, giá cao hơn nên giá bán lẻ nhích hơn một chút.

Sáng 2.7: TP.HCM thêm 118 ca Covid-19, ghi nhận tổng cộng 4.739

Chợ Tân Hưng là một trong những chợ dân sinh truyền thống sầm uất khu vực Q.Tân Bình và Q.11 vì có vị trí giao nhau giữa 2 quận này, luôn cung cấp nguồn thực phẩm xanh dồi dào phong phú. Những ngày chợ bị “giăng dây”, lượng rau củ về giảm khoảng 70%. Tương tự, khu vực chợ thực phẩm sau chợ Tân Bình, các mặt hàng nhu yếu phẩm cũng được bó gọn bên trong lòng chợ, khách vào phải khai báo y tế đầy đủ, vào một lối, mua và đi thẳng ra lối khác. Bà Xuân, bán hàng tại chợ này, cho hay bí xanh giá tiếp tục tăng 6.000 đồng/kg, dưa leo và cải xanh cao hơn 10.000 đồng/kg, bí và bầu tăng 5.000 - 8.000 đồng/kg, sả cây tăng 10.000 đồng/kg. “Hàng không thấy khan hiếm, nhưng giá nhiều mặt hàng cao hơn từ 5.000 - 15.000 đồng/kg so với vài ngày trước. Đầu mối nói là hàng từ tỉnh về Sài Gòn khó khăn hơn vì phải thêm chi phí khử khuẩn, cách ly, khai báo y tế, thuê nhân công...”.
Hiện tại các chợ dân sinh truyền thống, muốn mua rau hay thịt, người tiêu dùng chỉ có thể vào bên trong lồng chợ mua với vài ba quầy sạp khiêm tốn. Hạn chế mua hàng từ chợ sỉ nên tiểu thương phải lấy hàng qua khâu trung gian khiến giá cao hơn, đẩy giá bán lẻ các loại rau củ ở chợ cao hơn ngày thường.
Trong khi một số mặt hàng rau biến động thì các loại thực phẩm giá khá ổn định. Theo ghi nhận của Thanh Niên tại một số chợ dân sinh, thịt vịt bán lẻ giá khoảng 90.000 đồng/kg, gà ta 100.000 đồng/kg, gà công nghiệp 55.000 đồng/kg, trứng gà từ 27.000 - 30.000 đồng/vỉ 10 trứng, trứng vịt 32.000 - 35.000 đồng/vỉ 10 trứng... Mức này bằng giá bán vào ngày thường.
Theo Sở Công thương, do tình hình dịch bệnh tiếp tục có xu hướng diễn biến phức tạp, đến nay đã có 93/234 chợ truyền thống trên địa bàn TP phải tạm ngưng hoạt động để kiểm tra, đánh giá lại điều kiện hoạt động trong tình hình vừa duy trì kinh doanh vừa đảm bảo phòng, chống dịch. Trong đó, chợ đầu mối Hóc Môn đã bị tạm ngưng hoạt động trong thời gian 7 ngày để phục vụ công tác phòng chống dịch.

Hàng tới người tiêu dùng khó hơn

Trả lời Thanh Niên chiều 1.7, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết nhờ có sự chuẩn bị, nhìn chung nguồn hàng hiện nay dồi dào, giá cả ổn định, chỉ phương thức đưa hàng tới người tiêu dùng gặp nhiều rào cản, khó khăn. “Với số lượng lớn các chợ lẻ phải tạm dừng và cả chợ đầu mối cũng tạm ngưng hoạt động, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới công tác cung ứng hàng hóa, đặc biệt là hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ phân khúc thị trường là đối tượng người lao động có thu nhập trung bình và thấp”, ông Phương nói.

Bản tin Covid-19 ngày 1.7: Ngày kỷ lục 713 ca mắc, số bệnh nhân ở TP.HCM 'leo thang' chóng mặt

Hàng hóa dự trữ tăng đến 500% trong giai đoạn phòng chống dịch

Hôm qua 1.7, Bộ Công thương cho biết tại các hệ thống phân phối lớn, công tác chuẩn bị nguồn hàng dự trữ vẫn được duy trì trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19 với lượng hàng hóa tăng từ 150 - 500% so với tháng thường và giá cả ổn định, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tăng lên của người dân. Đồng thời, hệ thống phân phối cũng đã sớm làm việc với các địa phương sản xuất nông sản tập trung, có sản lượng lớn để xây dựng kế hoạch, phương án chế biến, dự trữ, vận chuyển, lưu thông tiêu thụ nông sản trong hệ thống và phấn đấu tăng lượng tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh từ 2 lần trở lên so với năm trước. Bên cạnh đó, để việc lưu thông, tiêu thụ nông sản kịp thời hiệu quả, đặc biệt trong yêu cầu, điều kiện phòng chống dịch, Bộ Công thương đề nghị ngành y tế nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn về các thủ tục xét nghiệm; tạo điều kiện cho đội ngũ lái xe và người áp tải hàng được tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19. Đồng thời, ngành giao thông nghiên cứu hướng dẫn để thực hiện việc phương tiện vận chuyển hàng hóa khi có đầy đủ giấy xác nhận phòng chống dịch được ưu tiên “luồng xanh” để lưu thông trong thời gian ngắn nhất...  
M.Phương
Trước tình hình này, Sở Công thương đang nhanh chóng triển khai các giải pháp để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho tiểu thương và duy trì việc cung ứng lương thực thực phẩm thiết yếu cho số đông người dân có thu nhập trung bình và thấp được liên tục, xuyên suốt, không bị gián đoạn, không để xảy ra tình trạng lợi dụng số lượng điểm bán giảm để găm hàng, trục lợi, tăng giá. Theo đó, lãnh đạo Sở Công thương TP yêu cầu UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện nhanh chóng báo cáo tình hình hoạt động các chợ trên địa bàn. Đối với chợ tạm ngưng hoạt động, cần thống kê, nêu rõ tên chợ, địa chỉ, số lượng tiểu thương kinh doanh thực phẩm tươi sống, thời điểm ngưng hoạt động, lý do ngưng hoạt động và dự kiến thời gian hoạt động trở lại. Đối với các chợ tạm đóng cửa do có liên quan các ca lây nhiễm: lãnh đạo địa phương cần chỉ đạo thực hiện ngay việc cách ly, khoanh vùng, khử khuẩn, xét nghiệm... và các biện pháp khắc phục khác theo quy định của cơ quan y tế; Chủ động xem xét, đánh giá, nhanh chóng triển khai thực hiện các biện pháp cần thiết để đưa chợ hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất.
Với các khu vực chợ chưa thể khôi phục hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất, Sở Công thương yêu cầu lãnh đạo TP.Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo, giao cụ thể cá nhân, cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm theo dõi tình hình cung ứng hàng hóa, giá cả thị trường trên địa bàn; liên hệ các đầu mối cung ứng hàng hóa, chủ động thảo luận cách thức tổ chức, phương thức bán hàng, chuẩn bị nhân lực (Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, tiểu thương tại chợ...) và bố trí điểm bán hàng để triển khai thực hiện theo hướng bán hàng đồng giá hoặc bán hàng đăng ký trước... để đảm bảo nguồn cung hàng hóa tại địa phương được thông suốt, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.