Giá nông sản lên xuống vì cửa khẩu đóng, mở

04/05/2022 06:31 GMT+7

Nhiều loại Trung Quốc kẹt ở cảng biển, SPS Việt Nam kiến nghị khẩn">nông sản xuất khẩu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc chịu cảnh bị ép giá thấp và luôn bị động về đầu ra khi Trung Quốc đóng cửa khẩu.

Sang vườn, bỏ đất trống vì thua lỗ

Những ngày đầu tháng 5, tình hình cửa khẩu phía bắc có tín hiệu khởi sắc khi lượng xe thông quan tăng lên, kéo theo giá mua nông sản cũng có động thái “nhúc nhích” sau thời gian dài nằm ở đáy.

Giá ớt ngày 3.5 đã có sự phục hồi khá cao. Một số chủ vườn ớt tại Bình Định, Đắk Lắk cho biết giá ớt chỉ thiên vài ngày gần đây đã tăng lên mức trên 30.000 đồng/kg. Khoảng 1 tháng trước có thời điểm giá ớt đã vọt lên 50.000 đồng/kg nhưng sau đó rớt lại về mức dưới 20.000 đồng/kg và duy trì từ đó đến nay. Sau khi tình hình cửa khẩu phía bắc có sự khai thông, ớt được thu mua xuất khẩu nhiều hơn, kéo theo giá tăng lên. Tuy nhiên, việc tăng giảm giá hết sức thất thường.

Nhiều loại nông sản xuất khẩu của VN như thanh long do lệ thuộc thị trường Trung Quốc nên thường lâm vào cảnh “được mùa mất giá”

Quang Thuần

Anh Bùi Minh Quân, chủ một vườn ớt tại Bình Định, nói: “Giá ớt tăng nhưng vườn tôi lại chưa đến ngày thu hoạch. 2 năm nay tôi chưa bao giờ bán được giá cao hơn 15.000 đồng/kg vì lúc giá tăng thì tôi không có ớt, đến lúc thu hoạch thì giá ớt giảm”. Một số chủ vựa cho biết ớt chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường mậu biên. Khi phía Trung Quốc đặt hàng nhiều thì giá tăng, còn khi đóng biên thì giá rất thấp.

Đó cũng là tình trạng của mít Thái. Từ đầu tháng 5 đến nay, giá mít thu mua tại các vựa ở Tiền Giang đã tăng 1.000 đồng/ngày. Sáng 3.5, giá mít xuất khẩu loại 1 được thương lái thu mua giá 8.000 đồng/kg, mít chợ cũng tăng lên mức 5.000 đồng/kg. Thế nhưng chị Nguyễn Minh Thy (ngụ xã Thạnh Hòa, H.Tân Phước, Tiền Giang) cho hay: “Giá mít hiện nay chán nản quá. Vườn của tôi hơn 600 cây mít nhưng giá phân bón quá cao, xăng dầu cũng tăng giá liên tục. Mít trồng tốn bao nhiêu công sức mà giá bán chỉ vài ngàn đồng. Đứng trước nguy cơ thua lỗ vì không gồng nổi chi phí nên tôi quyết định bán vườn dù đã đầu tư rất nhiều tiền bạc suốt 5 năm nay”. Anh Lê Văn Châu, chủ vườn mít tại Tây Ninh, thừa nhận: “Giá mít Thái mấy ngày nay dù nhích lên khi cửa khẩu thông quan nhưng vẫn còn quá rẻ. Tôi vừa rao cho thuê vườn hoặc bán luôn vì chi phí cao quá mà giá bán nằm dưới đáy suốt 2 tháng nay”.

Ông Đặng Bá Long, Giám đốc Công ty phân bón Điền Trang, nhận định: “Thị trường Trung Quốc đang điều tiết hoạt động sản xuất một số nông sản VN. Họ có nhu cầu nhưng lại thu mua thất thường. Khi nông dân VN chán nản muốn chặt bỏ cây trồng thì họ lại tăng giá để giữ chân người trồng. Tình hình này đã lặp đi lặp lại nhiều năm nay nhưng không có cách khắc phục vì nông dân chỉ bán được qua thương lái, và thương lái lại phụ thuộc vào cửa khẩu Trung Quốc. Dễ nhận thấy nhất là trái thanh long, khi dân thua lỗ chặt cây, bán đất, ngưng sản xuất thì giá thanh long tăng lên”.

Phụ thuộc mậu biên đến bao giờ ?

Theo Bộ Công thương, mặc dù VN đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với Trung Quốc, rất nhiều nông sản đã được hưởng thuế suất nhập khẩu 0% nhưng đàm phán về quản lý chất lượng hàng hóa vẫn còn chậm nên tới nay mới có 9 loại trái cây được phép xuất khẩu vào nước này. Các loại còn lại chỉ có thể xuất khẩu vào Trung Quốc theo hình thức trao đổi cư dân, dẫn đến phụ thuộc gần như 100% vào các cửa khẩu phụ, lối mở, nơi thường bị đóng đầu tiên khi dịch bệnh xảy ra.

Thị trường Trung Quốc đang điều tiết hoạt động sản xuất một số nông sản VN. Họ có nhu cầu nhưng lại thu mua thất thường.

Ông ĐẶNG BÁ LONG, Giám đốc Công ty phân bón Điền Trang

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), phân tích: “Mậu biên đường bộ là phương thức được nhiều doanh nghiệp (DN) lựa chọn vì hàng nông sản từ nhà vườn có thể chạy thẳng một mạch ra đến biên giới sau 2 - 3 ngày, không phải chuyển tải, sang mạn. Vận chuyển bằng xe tải cũng phù hợp với khối lượng nhỏ, khoảng 20 tấn/xe, phù hợp với quy mô và nhu cầu của các chủ vựa, nhà vườn. Tuy nhiên, nhược điểm của xuất khẩu qua đường bộ là năng lực giới hạn, dễ bị ùn tắc. Hơn nữa, việc xuất khẩu qua cửa khẩu phụ lại càng rủi ro hơn vì đây chỉ là hình thức thương mại do chính quyền địa phương bên kia biên giới quản lý, không phải do cấp Trung ương quản lý như cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính nên chính sách có thể thay đổi bất thường. Trong bối cảnh trên, nhiều chuyên gia khuyến nghị các DN VN cần đa dạng thị trường nhập khẩu nguyên liệu lẫn thị trường xuất khẩu hàng hóa để tránh phụ thuộc. Thị trường EU là điểm đến tiềm năng bởi nhu cầu nhập khẩu sản phẩm rau quả nhiệt đới của EU rất lớn và đang có tốc độ tăng trưởng cao. Khi FTA giữa VN và EU (EVFTA) có hiệu lực, thuế suất một số loại rau quả của VN vào EU được giảm về 0%, đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các nước trong khu vực”.

“Chuyển đổi từ xuất hàng bằng đường bộ sang đường biển không phải chỉ là thay đổi phương thức vận tải mà trước hết phải là thay đổi tư duy, thay đổi thói quen cố hữu. Các DN, thương lái đều nhận thấy những rủi ro của xuất khẩu tiểu ngạch nhưng ngại thay đổi, họ quen với việc bán hàng trong thời gian ngắn và có thể họ muốn thay đổi nhưng không biết phải làm gì, bắt đầu từ đâu...”.

Ông Trần Thanh Hải (Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương)

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group, cho biết DN đã và đang đẩy mạnh xuất khẩu rau quả tươi, rau quả chế biến sang thị trường EU. Đây là thị trường chấp nhận tất cả rau quả VN được xuất khẩu vào mà không cần qua đàm phán. Tuy nhiên, EU có rất nhiều quy định và các hàng rào kỹ thuật nên sản phẩm xuất khẩu sang thị trường này phải bảo đảm chất lượng cao. EU cũng là thị trường mà các DN đang rất đợi chờ. Nhưng do dịch Covid-19, căng thẳng Nga - Ukraine nên các DN chưa phát huy hết cơ hội ở thị trường tiềm năng này. Với sự tăng trưởng xuất khẩu hằng năm vào các thị trường có giá trị cao như Mỹ, Úc, Canada, EU, Hàn Quốc… cho thấy việc sản xuất, vùng nguyên liệu của VN cũng đang có sự chuyển dịch đáp ứng yêu cầu các thị trường ngày càng tốt hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.