Gọi điện cho bố, 'tố' con gái nợ 500 triệu đồng hòng lừa đảo

17/08/2021 14:41 GMT+7

Đối tượng lừa đảo sử dụng đầu số điện thoại từ hội sở ngân hàng để gọi điện cho người thân khách hàng, đòi nợ.

Gọi người thân đòi trả nợ cho con 

Sáng 17.8, chị Trâm Anh (ngụ quận 10, TP.HCM) hớt hải nhắn tin cho tất cả bạn bè, người thân cảnh báo về đối tượng lừa đảo mạo danh ngân hàng đòi tiền nợ của chị.
Số là, từ sáng sớm, chị Trâm Anh nhận được điện thoại của người bố từ Phú Yên, hỏi về khoản nợ 500 triệu đồng vay của VPBank (Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng). Trước đó, sáng cùng ngày, có một số điện thoại lạ gọi tới, tự xưng là nhân viên của VPBank, hỏi bác có phải bố của chị Trâm Anh không.
Sau khi xác nhận, người này (giọng nam) thông báo Trâm Anh đang nợ ngân hàng VPBank số tiền 500 triệu đồng nhưng phía ngân hàng liên hệ nhiều lần, chị Trâm Anh không bắt máy nên phải gọi cho người thân, yêu cầu trả tiền cho con gái. Do nợ quá hạn lâu, phía ngân hàng đã đâm đơn kiện lên tòa án, tòa án gửi giấy mời về nhưng chị Trâm Anh vẫn cố tình không chấp hành. Khi bố chị Trâm Anh hỏi trả tiền như thế nào, người này hẹn tới tòa án để giải quyết.
Nghi ngờ đây là đối tượng lừa đảo vì trước giờ chưa từng nghe con gái nói đến khoản tiền này, bố chị Trâm Anh bảo : "Nó nợ thì đi gọi nó đòi, gọi tôi làm chi. Nợ nhiều thế này tôi không nhận con gái nữa". Lập tức đối tượng này trở mặt, thay đổi thái độ, mắng bố chị Trầm Anh "vô lương tâm, để con mình nợ nần mà không chịu trả". Tức giận, bố chị nói thẳng đây là lừa đảo và dọa báo công an. Đầu dây bên kia đáp lại "Thách đó" rồi cúp máy.
Trước đó, cô của chị Trâm Anh cũng nhận được cuộc điện thoại tương tự. Tuy không bị lừa chuyển tiền nhưng do nhẹ dạ cả tin, người cô này đã tiết lộ hết thông tin cá nhân, bao gồm cả hoàn cảnh gia đình, công việc, tình trạng hôn nhân, cả công việc của chồng chị cho đối tượng lừa đảo. Một số người bạn của chị tại TP.HCM cũng nằm trong danh sách "con mồi" và đã thông báo lại ngay cho bạn sau khi bị gọi điện đòi nợ. 
"Liên hệ tới VPBank, nhân viên thông báo tôi không có khoản vay nào và từ sáng tới giờ hệ thống không ghi nhận cuộc gọi nào tới số điện thoại của tôi. Tuy nhiên, vị này cũng xác nhận số điện thoại từ những cuộc gọi mạo danh kia đúng là đầu số hội sở chính của VPBank. Phía ngân hàng ghi nhận sự việc và xin 2 ngày để giải quyết, sau đó sẽ thông báo lại" - chị Trâm Anh thông tin.

"Thả" món tiền nhỏ hòng chiếm cả tài khoản

Trước sự việc của chị Trâm Anh, trên trang web chính thức của ngân hàng VPBank cũng đăng tải khuyến cáo khách hàng nâng cao cảnh giác vì đã xuất hiện chiêu thức lừa đảo tinh vi.
Theo đó, VPBank vừa phát hiện một thủ đoạn tinh vi mới của kẻ lừa đảo. Đối tượng lừa đảo sẽ chuyển một khoản tiền nhỏ vào tài khoản của khách hàng và giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện cho khách hàng báo có giao dịch đang treo, yêu cầu khách hàng nhấp vào đường link trong tin nhắn điện thoại để tra soát giao dịch. Khi nhấp vào đường link giả mạo, khách hàng sẽ được dẫn tới trang website giả mạo, khiến khách hàng nhầm tưởng rằng họ đang giao dịch với ngân hàng, từ đó kẻ lừa đảo sẽ chiếm đoạt các thông tin cá nhân và khách hàng sẽ bị mất số tiền trong tài khoản.
Thực tế theo quy định, tra soát giao dịch/biến động số dư trong tài khoản là nhu cầu xuất phát từ phía khách hàng và ngân hàng chỉ được quyền thực hiện tra soát khi nhận được yêu cầu từ chính khách hàng và cần thông qua nhiều bước xác thực.
Đây là chiêu thức lừa đảo mới của tội phạm công nghệ cao. Để đảm bảo thông tin và tài sản, VPBank khuyến cáo khách hàng cần nâng cao cảnh giác với điện thoại, tin nhắn số lạ không hiển thị thương hiệu VPBank, email xưng danh nhân viên ngân hàng yêu cầu khách hàng thực hiện các thao tác cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, thông tin cá nhân. Không truy cập và tương tác trên các link, website lạ nhận được qua điện thoại, tin nhắn, email lạ mà không hiển thị thương hiệu VPBank. Đồng thời, không cung cấp/đăng nhập username, mật khẩu tài khoản internet banking hay mã xác thực (OTP) vào bất kỳ website nào khác ngoài https://online.vpbank.com.vn và ứng dụng VPBank Online
Nếu khách hàng đã lỡ cung cấp thông tin cá nhân hãy chủ động khóa tài khoản, cần thay đổi mật khẩu đăng nhập VPBank Online hoặc liên hệ ngay với ngân hàng để được hỗ trợ khóa các dịch vụ đồng thời làm các thủ tục tra soát nếu đã xảy ra rủi ro mất tiền.
Tình trạng giả mạo tin nhắn thương hiệu cũng được ghi nhận với một số ngân hàng khác như: Ngân hàng Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)... Các ngân hàng đều đồng loạt cảnh báo khách hàng cần thận trọng, cảnh giác với những cuộc gọi, email, tin nhắn tự xưng là nhân viên ngân hàng yêu cầu chuyển khoản mở thẻ hay phí cung cấp hạn mức tín dụng cho vay để tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.