Giả mạo nhân viên ngân hàng để lừa đảo

Thanh Xuân
Thanh Xuân
14/09/2020 06:21 GMT+7

Hàng loạt ngân hàng lên tiếng cảnh báo tình trạng giả mạo nhân viên ngân hàng cũng như hình thức lừa đảo khách hàng nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản .

Lừa lấy phí, lấy thông tin

Hình thức mạo danh nhân viên ngân hàng (NH) lừa đảo khách hàng mở thẻ tín dụng, cho vay nhằm chiếm tiền phí mở thẻ hay cấp tín dụng nở rộ gần đây. Theo NH TMCP Sài Gòn (SCB), kẻ lừa đảo lập các trang web giả mạo NH, gửi thư điện tử gắn với tên thương hiệu SCB, rồi gọi điện thoại, gửi tin nhắn, email tự xưng là nhân viên SCB để tiếp thị, chào mời khách hàng mở thẻ tín dụng với nhiều ưu đãi lớn như cấp hạn mức lên đến 30 triệu đồng, miễn lãi suất trong 3 năm… Đồng thời, họ còn hướng dẫn khách hàng thực hiện các bước theo quy trình cấp thẻ tín dụng khá chuyên nghiệp. Khách hàng sẽ nhận được nội dung thông báo “Khách hàng đã được SCB phê duyệt 1 khoản vay tín chấp hoặc 1 thẻ tín dụng”. Sau đó, các đối tượng gian lận chuyển 1 tấm thẻ nhựa đến khách hàng bằng đường bưu điện và yêu cầu người nhận trả phí phát hành thẻ với số tiền nhất định, khoảng 300.000 đồng trở lên. Sau khi nhận được tiền, các số điện thoại đã liên hệ với khách hàng đều mất tín hiệu và đương nhiên khách hàng cũng không thể sử dụng chiếc thẻ giả này.
Nhiều NH liên tục cảnh báo khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ để tránh bị kẻ gian lấy cắp thông tin cá nhân và sử dụng trái phép; không truy cập và thực hiện giao dịch tín dụng trên đường link, website lạ nhận được qua điện thoại, tin nhắn, email; không đăng tải thông tin giao dịch lên mạng xã hội, đặc biệt là những giao dịch bán hàng online, số điện thoại vì sẽ tạo cơ hội cho đối tượng lừa đảo lợi dụng…
Tương tự, NH TMCP Bắc Á (BacA Bank) cảnh báo thủ đoạn giả mạo nhân viên NH để cho vay. Các đối tượng lợi dụng tâm lý cả tin, cần vay tiền của người dân trong thời điểm kinh tế khó khăn do dịch bệnh Covid-19 để thực hiện các thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua việc mời chào, cung cấp các khoản vay online từ NH. Thông qua mạng xã hội, Zalo hoặc gọi điện thoại trực tiếp cho khách hàng, kẻ mạo danh giới thiệu các loại hình cho vay với thủ tục dễ dàng, giải ngân nhanh chóng. Đồng thời gửi thẻ tự chế giả mạo nhân viên cán bộ tín dụng, cán bộ thẩm định của NH để tạo niềm tin đối với khách hàng. Sau đó, kẻ lừa đảo yêu cầu khách hàng chuyển thông tin CMND hoặc căn cước công dân và thông tin hộ khẩu qua Zalo/Facebook kèm theo một khoản phí hồ sơ để được phê duyệt khoản vay. Kế tiếp, những kẻ này thông báo cho khách hàng rằng NH đã phê duyệt và giải ngân khoản vay.
Để nhận được khoản vay, khách hàng được yêu cầu nộp trước một khoản tiền trả góp cho kỳ thanh toán đầu tiên vào một số tài khoản cá nhân mà kẻ lừa đảo cung cấp. Sau khi nhận được tiền, đối tượng lừa đảo chặn toàn bộ liên lạc với nạn nhân và chiếm đoạt số tiền trên.

Tài khoản “bốc hơi” khi đang đi cách ly

Các chiêu lừa đảo không mới nhưng vẫn có khá nhiều người bị sập bẫy. Đơn cử vào giữa tháng 6, bà N.N.Thúy (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đi nước ngoài về nên thuộc diện cách ly tập trung theo quy định. Trong khoảng thời gian này, tài khoản thẻ MasterCard quốc tế của bà Thúy “tự động” liên tục thực hiện 11 giao dịch thanh toán online với 4,9 triệu đồng/giao dịch, tổng số tiền thanh toán lên 53,9 triệu đồng. Phát hoảng, bà Thúy điện thoại cho tổng đài NH nhờ khóa thẻ. Thế nhưng trong quá trình trao đổi với nhân viên NH, kẻ gian vẫn tiếp tục thực hiện các giao dịch trên tài khoản. 11 giao dịch thẻ của bà Thúy chỉ mất 11 phút thực hiện, trong khoảng thời gian từ 19 giờ 12 phút đến 19 giờ 23 phút. Bà Thúy cho biết đã sử dụng địa chỉ email để nhận mã xác thực OTP mà NH gửi và không biết tại sao bị lộ các mã OTP.
Mất khoảng 2 tháng làm việc, phía NH đã xác nhận 11 giao dịch của thẻ tín dụng bà Thúy là thành công và hợp lệ nên từ chối hoàn trả tiền. Bà Thúy bức xúc: “NH đã giải quyết không thỏa đáng. Thời điểm kẻ gian sử dụng thẻ, tôi đang ở trong khu cách ly. Tôi khẳng định không thực hiện 11 giao dịch này thì phía NH có hướng dẫn tôi có quyền yêu cầu tra soát lần 2. Tuy nhiên, trường hợp tổ chức thẻ quốc tế MasterCard một lần nữa xác định giao dịch thực hiện đúng quy định và hợp lệ thì sẽ từ chối hoàn trả tiền cho chủ thẻ và tôi phải trả phí tra soát là 500 USD/giao dịch”.
Kẻ lừa đảo không những sử dụng công nghệ mà thao tác “trộm tiền” trong tài khoản của người dân cũng khá nhanh. Bà Châu (Q.2, TP.HCM) vừa bị trộm toàn bộ số tiền hơn 70 triệu đồng trong tài khoản NH chỉ vì vài phút sơ suất. Cách đây khoảng 1 tuần, bà Châu rao bán voucher khách sạn trên mạng xã hội do ngại đi du lịch khi dịch Covid-19 bùng phát đợt 2. Thông tin vừa đăng lên, tức thì có người xác nhận mua lại suất này. Bà Châu đăng nhập thông tin tài khoản, mật khẩu vào tin nhắn mà người này chuyển mà không do dự gì. Giật mình vì thấy việc cung cấp cả mật khẩu và mã OTP nhiều hơn mức cần thiết, bà Châu điện ngay cho NH để khóa thẻ nhưng kẻ gian đã trộm toàn bộ số tiền hơn 70 triệu đồng trên tài khoản chỉ trong vài phút.
Các NH đều đồng loạt cảnh báo khách hàng cần thận trọng, cảnh giác với những cuộc gọi, email, tin nhắn tự xưng là nhân viên NH yêu cầu chuyển khoản mở thẻ hay phí cung cấp hạn mức tín dụng cho vay để tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản... Thế nhưng đâu đó vẫn còn rất nhiều người sập bẫy.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.