Gia Lai: Tín hiệu vui về hoạt động thương mại

21/06/2023 09:40 GMT+7

Nhiều hoạt động thương mại của Gia Lai cũng như cả nước chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19. Nhưng với nhiều nỗ lực kết nối, tìm kiếm thị trường, kêu gọi đầu tư… của cả doanh nghiệp lẫn địa phương, tỉnh Gia Lai đang có nhiều tín hiệu khả quan về lĩnh vực này.

Xuất khẩu cà phê tăng trưởng mạnh

Những ngày này thực sự "nóng" với thị trường cà phê. Đầu tháng 6.2023, giá cà phê nhân xô tại thị trường Tây nguyên đã vượt ngưỡng 61.000 đồng/kg. Đây là mức tăng cao nhất của mặt hàng này kể từ năm 2011. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai trong 6 tháng qua đạt 420 triệu USD thì cà phê đã chiếm thị phần khá lớn với sản lượng xuất khẩu đạt 165.000 tấn/338 triệu USD, tăng 1,85% về lượng, tăng 2,42% về giá trị.

Gia Lai: Tín hiệu vui về hoạt động thương mại - Ảnh 1.

Kim ngạch xuất khẩu cà phê của Gia Lai tăng cao

ẢNH: HOÀNG KIÊN

Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại nhiều địa phương của Gia Lai thuận lợi, có lợi thế để phát triển cây cà phê. Hiện diện tích cà phê của tỉnh này xấp xỉ 100.000 ha. Trong nhiều năm qua, cà phê là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Gia Lai. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Gia Lai đạt trên 490 triệu USD, chiếm gần 71% tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông sản hàng hóa của tỉnh. Và năm 2023 này dự báo sẽ là một năm xuất khẩu cà phê đạt kỷ lục về mặt giá trị khi giá cà phê trên thị trường thế giới chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Hiện có 5 doanh nghiệp lớn của Gia Lai tham gia chế biến, xuất khẩu cà phê, góp phần tạo nên thế mạnh cho tỉnh này trong tương quan khu vực Tây nguyên về ngành hàng cà phê. Một trong những doanh nghiệp mạnh, đứng đầu tỉnh Gia Lai về xuất khẩu cà phê có trụ sở tại Gia Lai là Công ty TNHH Vĩnh Hiệp. Đây là doanh nghiệp được xuất khẩu sang thị trường EU theo Hiệp định EVFTA.

Gia Lai: Tín hiệu vui về hoạt động thương mại - Ảnh 2.

Chanh dây cũng là một mặt hàng nông sản xuất khẩu có giá trị cao của Gia Lai

ẢNH: HOÀNG KIÊN

Mới đây sản phẩm cà phê Gia Lai được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) lựa chọn tham gia Dự án thí điểm "Xây dựng chiến lược thương hiệu và tiếp thị dành cho các nhà sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý Việt Nam". Đây là cơ hội để sản phẩm cà phê của Gia Lai có thêm những điều kiện thuận lợi để tiến bước vững chắc, mạnh mẽ trên thị trường thế giới.

Vực lại sau đại dịch

Theo thông tin từ Sở Công thương Gia Lai, tình hình thương mại trong 6 tháng đầu năm có nhiều tín hiệu khả quan. Từ đầu tháng 1.2023, hàng hóa dồi dào đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đây cũng là tháng cuối của năm âm lịch nên các doanh nghiệp, siêu thị kinh doanh thương mại có kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Trị giá hàng hóa đạt khoảng 10.800 tỉ đồng, tăng 15,7% so với năm trước.

Quý 1/2023 kim ngạch xuất khẩu của Gia Lai tăng so với cùng kỳ, nguyên nhân nhu cầu tiêu dùng thị trường thế giới tăng dịp lễ mùa đông, nhất là Tết Dương lịch tại một số thị trường như EU, Mỹ. Từ tháng 2.2023, Trung Quốc dỡ bỏ chính sách zero Covid, đã kích thích nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại, nhiều nông sản như chuối, chanh dây, sầu riêng, tổ yến, khoai lang được xuất khẩu chính ngạch, tạo thuận lợi và giúp doanh nghiệp tăng khối lượng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, tỉnh Gia Lai cũng đã có nhiều hoạt động trong quá trình xúc tiến đầu tư, mời gọi các nhà đầu tư vào Gia Lai. Theo đó, đã có nhiều doanh nghiệp quan tâm, xúc tiến, triển khai các dự án liên quan đến chăn nuôi, chế biến nông sản… Hiện các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản cũng lưu tâm đến nhiều lĩnh vực đang được kêu gọi đầu tư tại Gia Lai.

Gia Lai: Tín hiệu vui về hoạt động thương mại - Ảnh 3.

Cây chè, một sản phẩm có giá trị tại Gia Lai

ẢNH: HOÀNG KIÊN

Trong xu thế bùng nổ các hoạt động thương mại điện tử, Gia Lai dĩ nhiên cũng không đứng ngoài cuộc. Các hoạt động trong lĩnh vực này phát triển khả quan. Các kênh bán hàng như website; mạng xã hội như Facebook, Zalo, Messenger; các ứng dụng, phần mềm; dịch vụ đặt hàng trực tuyến, giao hàng tận nơi, thanh toán trực tuyến… được triển khai, ứng dụng mạnh mẽ. Bên cạnh đó, Sở Công thương Gia Lai cũng triển khai hỗ trợ xây dựng website, phần mềm, ứng dụng thương mại điện tử cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh năm 2023.

Ngoài ra, Sở Công thương Gia Lai cũng đã triển khai kế hoạch thực hiện Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản; tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao năng lực về ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại; thực hiện đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam năm 2024.

Sở Công thương Gia Lai cũng đang tiếp tục phối hợp với Sở Công thương TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng triển khai thực hiện đẩy mạnh công tác trao đổi thông tin thị trường, tìm kiếm nguồn hàng đảm bảo chất lượng, nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cung cấp thị trường. Nhiều sản phẩm chất lượng đến từ các địa phương của Gia Lai đã tham gia gian hàng trưng bày các sản phẩm tiêu biểu trong khuôn khổ các hội nghị vùng tổ chức tại Lâm Đồng, Đà Nẵng…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.