Giá gạo Việt đứng đầu thế giới

19/08/2023 07:03 GMT+7

Một tháng sau lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ, giá gạo VN đang cao nhất thế giới. Cung - cầu từ các thị trường chính như Ấn Độ, Trung Quốc, Campuchia, Philippines, Indonesia tiếp tục biến động.

Vì sao giá gạo Việt lên đỉnh?

Ngày 18.8, đúng 4 tuần kể từ thời điểm Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, theo Hiệp hội lương thực VN (VFA), giá gạo 5% tấm của VN là 628 USD/tấn, giảm 10 USD so với thời điểm cao nhất là cuối tuần trước. Trong khi đó, Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) cho biết giá gạo 5% tấm đã mất 36 USD, rơi từ mốc 648 USD/tấn xuống còn 612 USD/tấn. Trong tháng qua, giá gạo của cả VN đã tăng hơn 100 USD/tấn và đạt mức cao kỷ lục kể từ năm 2008.

Giá gạo Việt đứng đầu thế giới  - Ảnh 1.

Giá lúa ở ĐBSCL giảm nhẹ trong tuần này

Công Hân

Hiện tại, giá gạo VN đang cao nhất thế giới và cao hơn gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan 16 USD/tấn. Ngoài loại gạo tiêu chuẩn 5% tấm, các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao và gạo 25% tấm của cả hai nguồn cung chính này đều giảm 10 - 20 USD/tấn, nhưng vẫn ở mức cao.

Ghi nhận tại thị trường TP.HCM, tuần này giá gạo bán lẻ tại các chợ đầu mối và chợ truyền thống không có biến động. Trong khi đó, so với đầu tháng 8, giá gạo nguyên liệu các loại giảm nhẹ từ 500 - 1.000 đồng/kg tùy loại và địa phương, còn từ 14.500 - 15.300 đồng/kg; giá lúa trong dân cũng giảm 400 - 500 đồng/kg. Thị trường giao dịch chậm, sức mua yếu.

Trả lời Thanh Niên, đại diện nhiều doanh nghiệp và các chuyên gia thị trường giải thích, có thời điểm giá lúa chạm mức 8.000 đồng/kg, còn gạo nguyên liệu để sản xuất gạo 5% tấm vượt mốc 16.000 đồng.

Đây là giá cao lịch sử, hình thành giá xuất khẩu lên đến 700 USD/tấn. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp chào giá 640 - 650 USD/tấn thì những nhà xuất khẩu đã ngừng giao dịch. Nguyên nhân, gạo vẫn là mặt hàng phục vụ khách hàng phổ thông; giá tăng quá cao sẽ vượt ngưỡng chịu đựng của người tiêu dùng. Chính vì vậy, cả người mua và bán không dám giao địch và đàm phán giao hàng chậm từ 3 - 5 tháng. Mặt khác, khi lệnh cấm xuất hiện thì ở một bộ phận thương lái, doanh nghiệp trung gian nảy sinh tâm lý giá sẽ còn tăng nữa và đầu cơ găm hàng chờ tăng thêm. Điều này dẫn đến tình trạng giá ảo, khiến thị trường hỗn loạn, không dám giao dịch.

Trong giai đoạn đó, giá gạo Thái Lan tăng mạnh hơn nên giờ thị trường điều chỉnh nhiều hơn. "Nhu cầu tiêu thụ vẫn cao cho đến đầu năm 2024 do ảnh hưởng của El Nino khiến nguồn cung khan hiếm. Hiện tại cho đến hết năm 2023, VN chỉ còn khả năng xuất khẩu hơn 2 triệu tấn, chính vì vậy chúng ta không quá lo về giá. Giá gạo sẽ trên mốc 600 USD/tấn. Tuy nhiên, gạo có thể giảm thêm một ít so với thời điểm hiện tại thì cung - cầu mới gặp nhau. Giá cao nhưng nếu không giao dịch được thì cũng không có giá trị gì, chúng ta cần thực tế hơn", một chuyên gia lúa gạo ở TP.HCM cho biết.

Đẩy giá là đẩy khách đi tìm nguồn cung mới

Vấn đề mà thị trường gạo thế giới quan tâm nhất lúc này chính là El Nino nghiêm trọng đến mức nào và kéo dài đến khi nào, thứ hai là lệnh cấm của Ấn Độ bao giờ thay đổi?

Liên quan El Nino, các nghiên cứu chỉ ra rằng đây là đợt El Nino có cường độ trên mức trung bình. Hiện tại El Nino đang bắt đầu vào giai đoạn cao điểm và sẽ còn kéo dài đến đầu năm 2024. Vấn đề mà các nhà khoa học nhấn mạnh là El Nino không chỉ gây ra tình trạng nắng nóng và khô hạn mà kèm theo đó là các hình thái thời tiết cực đoan trên khắp hành tinh. Đáng chú lý, Trung Quốc vừa đối mặt với trận mưa lũ lịch sử gây thiệt hại nặng đến nguồn cung ngũ cốc của nước này. Đây cũng là một trong những nước sản xuất và thương mại gạo hàng đầu thế giới. Nhu cầu gạo cho an ninh lương thực và dự trữ gạo của Trung Quốc tiếp tục cao.

Đối với câu hỏi về lệnh cấm của Ấn Độ, báo chí nước này dẫn nguồn tin từ các thành viên chính phủ cho biết "lệnh cấm sẽ được duy trì ít nhất đến tháng 11.2023". Bởi vụ gieo trồng lúa của Ấn Độ tập trung chính ở vùng Kharif sẽ thu hoạch vào tháng 10. Nếu trúng mùa, áp lực bán gạo để thu ngoại tệ về cho đất nước và nông dân trồng lúa có thể khiến lệnh cấm được thay đổi.

Thời báo Ấn Độ dẫn các thông tin khí tượng cho biết El Nino đang tác động khá mạnh đến nước này. Trên toàn Ấn Độ, trong nửa đầu tháng 8 có lượng mưa thấp hơn 35% so với mức trung bình nhiều năm. Trong giai đoạn hiện tại, gió mùa vẫn yếu sau một đợt hoạt động kéo dài vào tháng 7, khiến lượng mưa cao hơn 13% so với bình thường. Lượng mưa phân bố không đồng đều trong giai đoạn giữa tháng 8; trong khi các bang ở miền đông Ấn Độ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lượng mưa lớn, thì miền nam đang chứng kiến lượng mưa tăng lên.

Một thị trường truyền thống và khách hàng mua gạo lớn nhất của VN là Philippines cũng đang có nhu cầu nhập khẩu lớn. Theo Reuters, ngày 16.8, Bộ Nông nghiệp Philippines khuyến nghị cần nhập khẩu bổ sung khoảng 500.000 tấn gạo để bù đắp thiệt hại mùa màng có thể xảy ra do điều kiện thời tiết khô hạn El Nino. Đây là số lượng gạo nằm ngoài lượng gạo nhập khẩu của khối doanh nghiệp tư nhân của nước này trong năm 2023. Việc tăng sản lượng nhập khẩu gạo để chủ động dự phòng El Nino cực đoan làm ảnh hưởng lớn đến sản lượng và nhu cầu gạo nội địa trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Có đến 89% lượng gạo nhập khẩu của Philippines từ đầu năm đến nay đến từ VN, phần còn lại từ Myanmar, Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ và các nước khác. Trong tháng 8, giá bán lẻ gạo ở Philippines đã tăng thêm 14% so với tháng trước, do giá tại trang trại trong nước và toàn cầu tăng cao, gây thêm áp lực lên lạm phát lương thực.

Giá gạo Việt đứng đầu thế giới  - Ảnh 2.

Nhìn tương quan trên, giá gạo vẫn có nhiều yếu tố tăng giá. Thế nhưng "việc đẩy giá gạo quá cao không phải là điều thật sự tốt. Nó có thể đẩy các nhà nhập khẩu tìm kiếm các nguồn cung mới. Những nơi mà trước đây họ chưa có sự tin tưởng thì nay sẽ có cơ hội", bà Phan Mai Hương, đồng sáng lập Công ty SSResource Media Pte.Ltd (Singapore) - một đơn vị chuyên cung cấp thông tin và phân tích thị trường lúa gạo thế giới, nhận định với Thanh Niên. Bằng chứng là ngày 17.8, Bộ Thương mại Campuchia cho biết Indonesia đã đồng ý mua 125.000 tấn gạo đã xay xát của nước này, bao gồm 100.000 tấn gạo trắng và 25.000 tấn gạo thơm cao cấp. Đây là kết quả làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia. Ngoài ra Myanmar và Pakistan cũng là những nguồn cung được các nhà nhập khẩu quan tâm hiện nay. "Đây là những tín hiệu quan trọng mà thị trường nội địa cần biết để đừng tự đánh mất cơ hội của mình cho các đối thủ cạnh tranh khác", bà Hương khuyến cáo.

Bún, phở tăng theo giá gạo: Nhiều chủ quán 'nhấp nhổm' vì phải cầm cự giữ giá

Trung Quốc đẩy mạnh mua gạo Campuchia

Thương vụ VN tại Campuchia cho biết: Tính đến tháng 7, Campuchia và Trung Quốc đã ký 7 Biên bản ghi nhớ về xuất nhập khẩu gạo với sản lượng 500.000 tấn trong năm 2023 - 2024. Đã có 400.000 tấn gạo được giao theo các Biên bản ghi nhớ. Lãnh đạo Liên đoàn Thương mại gạo Campuchia kêu gọi nông dân cố gắng tiếp tục sản xuất gạo vì loại gạo Campuchia đang trồng thị trường Trung Quốc có nhu cầu cao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.