Giá gạo có thể tăng đến mức nào?

Chí Nhân
Chí Nhân
28/08/2023 19:38 GMT+7

Giá gạo trên thị trường thế giới tiếp tục tăng trong ngày hôm nay (28.8). Đây là phản ứng mới nhất của thị trường đối với việc Ấn Độ áp thuế xuất khẩu 20% lên gạo đồ công bố ngày 26.8. Dự báo giá gạo có thể tiếp tục tăng trong những ngày tới vì thị trường đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết: Giá gạo 5% và 25% tấm của Việt Nam tăng đồng loạt 5 USD/tấn lên mức lần lượt 643 và 628 USD/tấn. Tương tự, gạo 5% tấm của Thái Lan tăng 2 USD lên 630 USD.

Nguồn cung siết chặt, giá gạo có thể tăng đến mức nào? - Ảnh 1.

Nhiều nguồn cung gạo muốn tạm dừng xuất khẩu, chờ đến khi kết thúc vụ thu hoạch chính trong năm

CÔNG HÂN

Đáng chú ý, thị trường Pakistan đã có giao dịch trở lại và giá gạo 5% tấm ở mức 608 USD/tấn; còn gạo 25% tấm là 533 USD/tấn, thấp hơn gạo cùng phẩm cấp của Việt Nam gần 100 USD.

Đây là phản ứng của thị trường khi nguồn cung gạo tiếp tục bị siết chặt. Nguồn cung gạo trên thị trường thế giới vốn đã rất khan hiếm kể từ 20.7 khi Ấn Độ cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo trắng từ gạo Basmati. Nhiều khách hàng chuyển sang mua gạo đồ với giá cạnh tranh. Nhưng nước này tiếp tục áp thuế xuất khẩu 20% lên gạo đồ trong khi năm 2022 Ấn Độ xuất khẩu đến 7,4 triệu tấn gạo này tương đương 1/3 lượng gạo xuất khẩu của nước này. Chính vì vậy, việc áp thuế 20% lên gạo đồ sẽ gây tác động rất lớn lên nguồn cung gạo toàn cầu.

Bên cạnh đó, lệnh áp thuế 20% lên gạo đồ của Ấn Độ tạo hiệu ứng tâm lý đến thị trường. Sáng sớm 25.8, trang tin chuyên đề lúa gạo Ssricenews dẫn nguồn từ quan chức ngành lương thực Myanmar cho biết, nước này đang tính đến khả năng tạm ngưng xuất khẩu gạo từ ngày 1.9 - 15.10.2023. Nguyên nhân chờ đến khi kết thúc vụ thu hoạch lúa lớn nhất trong năm.

Cuối ngày 25.8, Reuters dẫn nguồn một thành viên cấp cao của Liên đoàn gạo Myanmar nói: "Chúng tôi sẽ tạm thời hạn chế xuất khẩu gạo trong khoảng 45 ngày kể từ cuối tháng này". Quan chức này cho biết thêm, giá gạo nội địa Myanmar thời gian qua tăng cao đang khiến các cơ quan chức năng phải tính đến chuyện hạn chế xuất khẩu. Myanmar là một nguồn cung gạo quan trọng trên thị trường thế giới, xuất khẩu hơn 2 triệu tấn mỗi năm.

Theo Reuters, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam từ 650 - 660 USD/tấn, cao hơn từ 10 - 20 USD so với gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan.

Thị trường gạo còn rủi ro, giá gạo còn tăng

Một số chuyên gia nhận định, nếu Myanmar "nối gót" Ấn Độ chính thức dừng xuất gạo sẽ khiến giá gạo trên thị trường thế giới tăng thêm khoảng 20 USD/tấn. Tác động tổng hợp từ các lệnh hạn chế xuất khẩu gạo ở các nguồn cung này có thể đẩy giá gạo toàn cầu tiếp tục tăng và trong tháng 9 chạm mốc 700 USD/tấn.

Xuất khẩu gạo sang Indonesia tăng 15 lần

Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết hết ngày 15.8.2023, Việt Nam đã xuất khẩu được 5,35 triệu tấn gạo với kim ngạch đạt 2,88 tỉ USD, tăng mạnh 22% về lượng và tăng 35% về kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm ngoái. Philippines tiếp tục là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 40% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của cả nước trong 7 tháng đầu năm nay. Đáng chú ý, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc, thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai, đã tăng mạnh hơn 60% so với giai đoạn 7 tháng đầu năm 2022. Đồng thời, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang một loạt thị trường ghi nhận mức tăng "đột biến", như Indonesia (tăng 15 lần), Senegal (tăng 7,8 lần), Thổ Nhĩ Kỳ (tăng 64,8 lần)…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.