Gia đình dấu yêu: Thứ con trẻ cần

14/03/2021 09:35 GMT+7

Với phương châm làm việc cật lực để tích lũy càng nhiều càng tốt khi công việc đang tiến triển thuận lợi, vợ chồng một cô bạn tôi gần như khoán trắng việc chăm con cho người giúp việc.

Đến một ngày, bạn đau xót nhận ra thái độ gắt gỏng, khó chịu của con khi được mẹ âu yếm, cô bé còn dằng dỗi để thoát ra khi bạn cố ôm hôn con và bám chặt lấy cô giúp việc vốn ở với bé hầu như cả ngày (bé chỉ ngủ với bố mẹ buổi tối).
Là một người nhạy cảm, bạn nhận thấy phản ứng của bé con hoàn toàn bất thường, thái độ không hợp tác với mẹ chỉ là một chuỗi phản ứng đến từ việc không được mẹ gần gũi thường xuyên trước đó. Bạn bàn với chồng và nhanh chóng quyết định từ bỏ công việc tay trái đang đem lại thu nhập khá tốt của mình, để dành thời gian cải thiện tình hình trước khi “mất con”.
Một cô bạn khác của tôi cũng đang làm sếp trong một công ty lớn của nước ngoài. Công việc thường ngày đã ngập đầu, mùa cao điểm bạn làm việc xuyên đêm là thường chứ không có khái niệm ngày nghỉ trong khi chồng bạn cũng bận rộn không kém. Những lúc rảnh rỗi hiếm hoi, nếu không ra ngoài gặp gỡ, ăn uống hoặc mua sắm cùng bạn bè, bạn cũng dành thời gian để thư giãn với chiếc điện thoại. Cậu bé con đang học cấp hai cũng bận tít mù với lịch học chính phụ dày đặc, lại thêm lớp năng khiếu.
Có những lúc cả nhà ở cùng nhau nhưng mỗi người một chiếc điện thoại, ai cũng có mối quan tâm riêng của người nấy, mọi thứ tưởng chừng rất ổn cho đến khi bạn vô tình vào lịch sử truy cập internet trên chiếc máy tính để cho con học online. Tôi hỡi ôi, toàn những trang web dành cho người lớn, bạn còn phát hiện các từ khóa nhạy cảm mà con hay tìm trên mạng. Bạn tá hỏa khi sực nhớ gần đây, con hay hỏi những câu bâng quơ như “em bé được tạo ra như thế nào”, “tại sao đám cưới cô dâu và chú rể hôn nhau”... Bạn chỉ giải thích qua loa và cũng chẳng bận tâm đến những thắc mắc của con trẻ.
Nhiều người hay viện lẽ “vì con” để biện minh cho sự bận rộn dẫn đến chểnh mảng, lơ là trong việc chăm sóc con cái, gia đình. Có lẽ họ cho rằng đó là lý do đáng được cảm thông hơn cả. Thế nhưng, chúng ta có thực sự vì con hay chỉ vì chính mình? Có phải vì ta sợ sếp la, sợ bạn giận, sợ kém hơn đồng nghiệp, sợ nghèo hơn hàng xóm, sợ dưới cơ đối thủ, sợ không sang chảnh, đủ đầy khi khoe mình trên mạng, nên lao vào kiếm tiền bất chấp mọi thứ, kể cả những điều quý giá hơn cả tiền, như sự quan tâm, chăm sóc của bố mẹ dành cho con?
Đành rằng, sau những bôn ba mỏi mệt “vì gia đình, vì con”, ai cũng cần những giây phút thảnh thơi, không vướng bận để sống cho riêng mình, âu cũng là để sạc lại năng lượng cho bản thân để có sức tiếp tục chăm lo cho người khác chứ lúc nào cũng bù đầu, quẩn quanh bên nhà cửa, con cái cũng dễ stress lắm chứ chả chơi. Nhưng đừng quay cuồng đuổi theo những mục tiêu vật chất mà bỏ quên con cái để dẫn đến những hậu quả đáng tiếc thì đã muộn. Những trường hợp tôi chứng kiến chưa đến mức quá nghiêm trọng và vẫn còn kịp để thay đổi, trong khi thực tế cho thấy nhiều hậu quả đáng buồn hơn chỉ vì bố mẹ mải mê kiếm tiền mà bỏ mặc con cái. Đừng biện minh rằng những gì chúng ta đang lao tâm khổ tứ chạy vạy để có được chỉ là vì con để đến khi dư dả rồi mới nhận ra tiền không thể giải quyết được tất cả, cũng như thứ con trẻ cần đâu phải chỉ có tiền!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.