Gia đình dấu yêu: Dạy con biết sẻ chia

18/08/2019 11:17 GMT+7

Có một dạo, nhiều trang Facebook có đa số thành viên là phụ nữ phát động phong trào thu gom quần áo, cặp sách, sách vở đã qua sử dụng để đem tặng trẻ em vùng sâu vùng xa.

Hưởng ứng những phong trào ấy đa số là phụ nữ có con nhỏ, họ tham gia không chỉ để dọn sạch mấy tủ quần áo đã lâu không mặc tới hay lọc bỏ bớt những vật dụng không xài của nhà mình mà còn vì họ muốn dạy con cách ứng xử với những đồ vật đã qua sử dụng.
Tôi ít tham gia những phong trào đó, đơn giản vì tôi luôn có người để chia sẻ những món đồ đã qua sử dụng này. Đó là cô giúp việc theo giờ của nhà tôi. Cô Sáu lớn tuổi, gia đình nghèo, họ hàng thân thuộc ở quê cũng khó khăn nên tôi thường biếu cô những thứ nhà mình không dùng hoặc ít dùng tới, từ chiếc máy xay sinh tố đời cũ đến chiếc quạt máy không dùng kể từ khi nhà gắn máy lạnh hoặc quần áo của con tôi còn rất tốt nhưng bọn trẻ lớn nhanh nên mặc không vừa nữa. Kể cả sách giáo khoa con vừa học xong, tôi cũng gói ghém cẩn thận gửi cô Sáu đem về quê cho mấy đứa cháu nghèo. Các con tôi lúc đầu thắc mắc đồ xài rồi mà mẹ cho người ta chi, nghe tôi giải thích đồ mình không dùng đến nữa nhưng vẫn có ích với những người không có điều kiện mua đồ mới, hai cu cậu thích chí đến độ sau này, mỗi khi nhà có đồ gì dư, có đứa lại nhắc “hay là mẹ cho bà Sáu đi!”…
Mỗi lần ngồi soạn mớ quần áo, giày dép để đem cho ai đó, tôi lại nhắc nhở các con, đại loại như trong khi các con không dùng đến nữa thì lại có các bạn khác rất vui mừng khi nhận được những món đồ này, rằng các con vẫn còn sung sướng khi được bố mẹ sắm đồ mới cho trong lúc rất nhiều người nghèo phải thắt lưng buộc bụng để sống. Không biết có phải vì lời nhắc nhở ấy không nhưng rõ ràng là dạo sau này, các con tôi ít đòi hỏi mua sắm đồ mới nữa.
Mỗi lần đăng ký một khóa học ngoại ngữ mới, con tôi lại được tặng một chiếc ba lô mới có in tên trung tâm ngoại ngữ ấy. Có lần, cu con nhỏ bảo tôi để dành cái ba lô mới để “làm từ thiện” khi tôi hỏi con có bỏ cái đang xài để xài cái mới không. Tôi không chắc con mình có hiểu hết ý nghĩa của việc “làm từ thiện” không nhưng có vẻ như khái niệm ấy đã tạo nên ấn tượng tích cực trong suy nghĩ còn non nớt của bọn trẻ.
Dạy con chia sẻ những đồ vật đã qua sử dụng không chỉ là dạy bọn trẻ thói quen chia sẻ, đồng cảm với những cảnh ngộ khó khăn hơn mình mà còn dạy cho trẻ thói quen quý trọng những gì mình đang có, biết tiết kiệm, bảo quản đồ dùng. Sâu xa hơn thế, điều đó còn tạo thói quen gìn giữ môi trường thông qua việc hạn chế chất thải rắn là những vật dụng khó phân hủy. Chưa kể, việc tác động vào lòng trắc ẩn của trẻ con bằng những hành động nhân ái ắt mang lại hiệu quả tích cực hơn hẳn những bài học giáo dục công dân trong sách giáo khoa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.