Giả công an, viện kiểm sát đe dọa người nghe 'sắp bị bắt' yêu cầu mau chuyển tiền

Lê Hồng Hạnh
Lê Hồng Hạnh
27/10/2019 10:09 GMT+7

Giả nhân viên bưu điện sau đó giả danh công an dọa người nghe rằng công an đang điều tra rồi lừa chuyển tiền, chiêu thức lừa đảo này không mới nhưng vẫn khiến cộng đồng mạng bức xúc. Thủ đoạn này tiếp tục rộ lên và mới đây cư dân mạng đã phải đăng tải để cảnh báo.

Gần đây một tài khoản Facebook có tên Chính Vũ đăng lên mạng xã hội kể lại một cuộc hội thoại với một tổ chức lừa đảo qua điện thoại nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng.

Thủ đoạn tinh vi

Bài đăng cảnh báo của tài khoản Chính Vũ
Theo thông tin đăng tải, tài khoản này nhận được được một cuộc điện thoại từ số lạ nên nghe máy thì gặp một người phụ nữ tự xưng là nhân viên bưu điện thông báo Chính Vũ có bưu phẩm bị hoàn trả lại với nội dung về một người tên Lê Đức Lâm kèm số nợ chưa thanh toán là 45.986.350 đồng.
Nữ nhân viên bưu điện tự xưng còn cho biết thêm anh có một giấy triệu tập của Viện kiểm soát nhân dân tối cao nhưng vì tính bảo mật nên không thể tiết lộ nội dung.
Anh Vũ phản hồi rằng thông tin không chính xác, anh được thông báo có thể đã bị đối tượng xấu lợi dụng. Để ngăn chặn đối tượng xấu tiếp tục làm hại, nữ nhân viên yêu cầu anh kết nối với đường dây nóng của Công an TP.Hà Nội.
Anh làm theo và sau ít giây thì một người đàn ông tự xưng là đại úy hiện đang công tác tại PC02, TP.Hà Nội và yêu cầu anh hãy trình báo nội dung sự việc.
Chiêu trò lừa đảo qua điện thoại giả danh Công an biến người nghe thành tội phạm

Lệnh bắt tạm giam được gửi qua Zalo sau khi yêu cầu anh C. kết bạn

Sau khi trình báo, người tự xưng là công an cho biết Lê Đức Lâm là đối tượng bị Bộ Công an theo dõi vì liên quan đến tội buôn bán ma túy và rửa tiền. Anh Chính Vũ có thể là người bị hại hoặc chính là tội phạm và không chừng tên anh đang có trong hơn 2.000 bộ hồ sơ mật đang bị Bộ công an theo dõi.
Người tự xưng đại úy đã đưa ra hai phương án để anh lựa chọn. Một là bắt tạm giam anh để điều tra. Hai là điều tra anh từ xa qua kênh thông tin nội bộ. Anh Vũ chọn phương án thứ hai và được yêu cầu đọc thông tin cá nhân, kết bạn với tài khoản Zalo “Phòng Csđt Hà Nội”.
Qua tài khoản Zalo, nhóm lừa đảo này gửi cho anh lệnh truy nã, đường link trang của Công an Hà Nội, cấp mã thẻ và yêu cầu anh chuyển hết số tiền trong tài khoản thẻ qua để tạm thời quản lý.
Táo tợn hơn, khi anh Vũ từ chối còn bị đe dọa nếu không hợp tác thì sẽ thực hiện theo phương án một và hẹn gặp anh tại Trai giam T16.
Sau khi thông tin đăng tải nhiều người tỏ ra bức xúc trước chiêu trò của tổ chức lừa đảo. Tài khoản Nguyễn Antonio bình luận: “Ghê đấy! Nhưng trò này xưa rồi”, tài khoản Hoàng Duy bức xúc: “Tạo cả cái web giả nữa mới ghê”. Trang web giả danh công an Hà Nội nhìn cũng khá tinh vi nhưng địa chỉ web thì trật lất, màu sắc kỹ thuật cũng không giống với trang thật.
Chiêu trò lừa đảo qua điện thoại giả danh Công an biến người nghe thành tội phạm

Website giả mà tổ chức lừa đảo gửi qua Zalo và đề nghị anh C. nhấp vào để được tư vấn

Ảnh chụp màn hình

Không chỉ giả danh Công an, nhân viên Bưu điện

Người đăng bài viết là anh V.V.C. (27 tuổi), chia sẻ với PV Thanh Niên anh C. cho biết đây là lần đầu tiên bị lừa qua điện thoại với hình thức giả danh tinh vi này. “Ban đầu nghe máy vì tò mò, lúc sau thì có hơi hoang mang. Sau nữa thì là cố tình trả lời để xem nhóm lừa đảo trả lời như thế nào”, anh nói. Anh đăng tải bài viết để nhắc nhở mọi người cảnh giác.
Không chỉ anh C. phía dưới bài viết có rất nhiều bình luận bày tỏ bản thân cũng gặp phải những hình thức lừa đảo tương tự. Tuy nhiên, ngoài giả danh công an, nhân viên bưu điện như trường hợp của anh C. còn nhiều trường hợp khác giả danh tòa án, viện kiểm soát, ngân hàng,...
Tài khoản Facebook Phuong Loan bình luận: “Mình cũng nghe được cuộc điện thoại giống như vậy với nội dung bạn nhận được lệnh triệu tập của tòa án nhưng đến chỗ bấm số 9 để nghe tiếp thì tắt máy luôn vì thấy có gì đó sai sai". 
Chia sẻ với PV Thanh Niên, tài khoản Facebook Vỹ Nguyễn cho biết: “Số máy của tôi thỉnh thoảng vẫn có người gọi tới nói vòng vo rồi dần dần bắt đầu hỏi thông tin cá nhân. Đầu tiên gọi tới rồi thông báo tự động là bạn đang có một hồ sơ liên quan đến toà án nhân dân tối cao gì đó. Sau đó nói là muốn biết rõ thông tin bấm phím 9. Tôi tò mò bấm vào thì có người trực tiếp nói chuyện và nói là tôi đang có một vụ kiện liên quan đến vụ án này kia”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.