Ghe hàng ơi! Hãy chở tôi về tuổi thơ

14/11/2021 08:45 GMT+7

Hình ảnh chiếc ghe hàng chạy trên sông gợi lên bao ký ức tuổi thơ của những người con được sinh ra và lớn lên giữa vùng sông nước.

Ghe hàng trông giống như chiếc “siêu thị mini” di động trên sông
Vũ Lâm

Người dân miền Tây quá đỗi quen thuộc với chiếc ghe hàng từ bao đời nay. Tuy nhiên, khi đường sá ngày càng thông thoáng hơn thì việc buôn bán trên sông rạch ít dần và những chiếc ghe hàng trở nên hiếm hoi.

“Siêu thị mini” di động trên sông

Trước đây, ghe hàng xuất hiện nhiều ở các tỉnh: Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng… nhưng giờ đây không còn nhiều.

Chiếc ghe hàng trông giống như một tiệp tạp hóa với đủ loạt mặt hàng: rượu, trứng, gia vị nấu ăn, trà, thuốc, bật lửa... hay thậm chí là cái kim sợi chỉ, đinh, ốc vít. Trên nóc ghe thường chở gạo, lúa, bình nước uống và dừa. Còn hai bên vách ghe treo bánh kẹo, đồ chơi, rau củ quả hoặc dầu gội.

Chiếc ghe hàng của vợ chồng anh Hữu H. Cái Nước (Cà Mau)

Vũ Lâm

Chúng tôi có dịp gặp vợ chồng anh Nguyễn Trọng Hữu, một trong những chủ ghe hàng hiện vẫn còn buôn bán ở H.Cái Nước (Cà Mau). Mỗi ngày, chiếc ghe hàng của vợ chồng anh Hữu lênh đênh trên sông khoảng 5 giờ rồi trở về nhà, mỗi lần đi tốn khoảng 2 lít xăng. Anh Hữu chủ yếu buôn bán trên con kênh nhỏ để phục vụ người dân địa phương.

Chị Phạm Thị Thi, vợ anh Hữu, cho biết: “Hàng hóa tôi lấy từ vài mối quen giá sỉ rồi chở về bán cho bà con, chủ yếu là tình nghĩa xóm giềng chứ chẳng lời bao nhiêu. Bây giờ người ta cũng ít mua hàng từ ghe mà phần lớn là đi chợ, vì đường lộ thông thoáng và đi xe máy nhanh hơn”.

“Một số nơi, giờ muốn tìm lại hình ảnh ghe hàng cũng chẳng thấy. Nhớ lại hồi xưa, mẹ thường dặn tôi khi nào ghe hàng chạy ngang nhớ kêu mẹ. Có khi chạy ra không kịp là nó chạy mất tiêu. Tôi từng chạy theo hét lên cả cây số để ghe hàng ghé lại. Hồi đó, ít bánh kẹo nên mỗi lần ghe hàng đến mình nghĩ bụng thế nào đi theo xin mẹ mua vài cục kẹo!”, Quách Kiều My (22 tuổi, quê Cà Mau) chia sẻ.

Những người con được sinh ra và lớn lên giữa vùng sông nước không thể quên hình ảnh chiếc ghe hàng ghé lại một bến nào đó là trẻ em từ xa cách đó mấy cái nhà ùa nhau chỉ trỏ đòi mẹ mua bánh kẹo, đồ chơi. Còn người lớn thì trong lúc mua đồ hàn huyên tâm sự chuyện này chuyện kia: “Cân cho chế 5kg gạo”, “Lấy cho bác bịch trà Long Phụng” hay “bán cho thiếm chai dầu ăn” rồi hỏi thăm “Dạo này tôm tép sao rồi chị hai?”… Giờ đây, những hình ảnh đó chỉ còn hoài niệm của tuổi thơ.

Hoài niệm tuổi thơ

Chiếc ghe hàng là một minh chứng tuổi thơ của bao thế hệ miền Tây sông nước, nó đã giúp đỡ bà con hàng xóm đi qua bao nhiêu mùa mưa nắng. Cuộc sống ngày xưa tuy thiếu trước hụt sau nhưng tình làng xóm đùm bọc nhau vượt qua khó khăn.

Hoài niệm về tuổi thơ, chú Trịnh Minh Hiển (52 tuổi, quê Kiên Giang), bày tỏ: “Lúc khoảng 12 tuổi, tôi hay ăn cắp tiền lẻ của cha mẹ để đợi tiếng kèn của ghe hàng phát lên là chạy xuống mua kẹo mua bánh liền. Nhiều khi xui bị phát hiện thì hôm đó tôi sẽ ăn đòn thay vì ăn bánh ăn kẹo. Nhưng mà chính những đòn roi đó bây giờ lại là những kỷ niệm khó quên với mình, gợi nhớ về một tuổi thơ đầy sóng gió”.

Máy chạy ghe hàng mỗi ngày tốn 2 lít xăng

Vũ Lâm

Chú Hiển kể, thời đó không dư giả, quà bánh là những thứ xa xỉ và con nít trong xóm hay đợi tiếng kèn của ghe hàng để chạy ra mua đồ. Khi cha mẹ mua đồ dùng cho gia đình thì chúng có thể vòi vĩnh vài ba viên kẹo, cái bánh hoặc là bị la rồi chạy lên nhà.

“Ngày xưa, lúc nào ghe hàng cũng chạy trên sông, nhưng không phải lúc nào nhà tôi cũng có tiền để xuống bến mua. Có thể nói được mua quà bánh dưới ghe hàng là niềm vui duy nhất của con nít ở quê thời đó mà niềm vui này bây giờ muốn tìm lại cũng rất khó, vì ghe hàng không còn nhiều nữa”, chú Hiển bày tỏ.

Mỗi lần cập bến là hàn huyên tâm sự hỏi han sức khỏe, gia đình, con cái

Vũ Lâm

Chú Hiển dự đoán nguy cơ những chiếc ghe hàng sẽ không còn nữa trong vòng 5 năm tới. Rồi chú tâm sự: “Tuổi thơ của tôi ngày xưa tuy đơn giản nhưng mà rất là bình yên, hạnh phúc là được chờ ghe hàng đến chứ không phải là chờ cha mẹ cho mượn điện thoại để nghịch như thời nay”.

Giờ đây, khi các bạn trẻ trở về quê cũng ít nghe mọi người nói câu “muốn mua gì đợi lát ghe hàng đến mua” mà thay vào đó là “chạy ra chợ cho nhanh đợi ghe hàng tới biết chừng nào”.

Đỗ Thị Ái (sinh viên năm 3, quê Cà Mau) nhớ lại, hồi nhỏ hầu như đám trẻ con trong xóm ai cũng có ước mơ nhà mình có ghe hàng để được tha hồ ăn uống mà không tốn tiền. Có lần, Ái giấu cha mẹ mua bánh thiếu tiền ghe hàng đến khi biết được thì bị đánh một trận roi nhớ đời, không bao giờ dám mua thiếu.

Hành trình chiếc ghe hàng cứ nối tiếp từ con kênh này đến con kênh khác rồi trở về nhà

Vũ Lâm

“Bây giờ mọi người tiếp xúc nhiều phương tiện mua sắm hiện đại hơn như: mua hàng trực tuyến, đi siêu thị… chắc sẽ không thể tìm lại cảm giác háo hức đứng sau lưng cha mẹ mà chỉ vào từng viên kẹo, cái bánh và nói 'con muốn ăn cái này, ăn cái kia'... Ghe hàng ơi! Hãy chở tôi về tuổi thơ”, Ái bày tỏ.

Giờ đây, ghe hàng là ký ức của tuổi thơ nhiều thế hệ. Qua nhiều năm tháng chiếc ghe hàng dần ít xuất hiện và có những chủ ghe đã lên bờ xây dựng cuộc sống mới, ổn định hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.