GELEX của CEO Nguyễn Văn Tuấn lãi nhờ thâu tóm Viglacera

Anh Vũ
Anh Vũ
26/04/2022 18:26 GMT+7

Lãi quý 1/2022 hợp nhất Công ty CP Tập đoàn Gelex (mã GEX) do Tổng giám đốc Nguyễn Văn Tuấn điều hành chủ yếu đến từ Viglacera sau thương vụ thâu tóm.

Trong khi đó, tập đoàn này đang chịu áp lực nợ vay và cho thuê tài chính rất lớn, chiếm 57% nợ phải trả.

Chiều 26.4, Công ty CP Tập đoàn GELEX (GELEX) công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý 1/2022 với nhiều số liệu đáng chú ý.

Cụ thể, doanh thu thuần tập đoàn đạt 8.645 tỉ đồng, cao gấp gần 2 lần so với cùng kỳ. Sau khi trừ giá vốn, lãi gộp đạt 1.830 tỉ đồng, cao gấp 3,5 lần so với quý 1/2021. Biên lãi gộp cải thiện từ 11,7% lên 21,2%.

Tổng giám đốc GELEX Nguyễn Văn Tuấn
vd

Kết quả, sau khi trừ các khoản chi phí và ghi nhận thêm 43 tỉ đồng lãi từ hoạt động liên doanh liên kết, 8,8 tỉ đồng lãi từ hoạt động khác, GELEX lãi sau thuế 694 tỉ đồng, cao gấp 2,4 lần cùng kỳ năm ngoái.

Dù lợi nhuận hợp nhất tăng mạnh, tuy nhiên BCTC riêng lẻ công ty mẹ thì GELEX chỉ lãi có 19,6 tỉ đồng trong quý 1/2022. Theo giải trình từ phía công ty, lợi nhuận sau thuế tăng 138% chủ yếu đến từ việc sở hữu chi phối tại Tổng công ty Viglacera từ quý 2/2021.

Chỉ số đáng quan tâm nhất trong BCTC của GELEX nằm ở các khoản nợ. Hết quý 1/2022, vay và nợ thuê tài chính của GELEX hơn 22.773 tỉ đồng, chiếm 57% nợ phải trả. Khoản mục này làm chi phí lãi vay tăng cao, cùng với chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng đáng kể so với cùng kỳ.

Chỉ số trên cho thấy tập đoàn này đang dùng đòn bẩy tài chính rất lớn. Đáng nói, nguồn vốn vay chủ yếu đến từ ngân hàng và trái phiếu. Trong đó, vay ngân hàng khoảng 14.779 tỉ đồng (vay ngắn hạn 6.637 tỉ đồng và dài hạn 8.142 tỉ đồng); trái phiếu dài hạn khoảng 6.769 tỉ đồng.

Trong bối cảnh trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ bị siết do nhiều sai phạm, ngân hàng ồ ạt tăng lãi suất, GELEX chắc chắn sẽ phải chịu áp lực rất lớn. Đặc biệt, khi lãi suất cho vay tăng sẽ kéo theo chi phí vay tăng, làm sụt giảm giảm lợi nhuận của tập đoàn.

Thuyết minh vay và nợ thuê tài chính của GELEX trên BCTC Quý 1/2022
tp

Trên sàn niêm yết, trong 1 tháng trở lại đây, giá cổ phiếu GEX đã lao dốc rất mạnh từ vùng đỉnh gần 52.000 đồng. Sau những phiên sàn liên tiếp, GEX hồi nhẹ khi đóng cửa ngày 26.4 còn 28.000 đồng. Từ đỉnh đến mức này, GEX giảm 46% - mức giảm gần như lớn nhất trên sàn.

Giá cổ phiếu GEX giảm trong bối cảnh xuất hiện nhiều tin đồn xuất hiện liên quan đến Tổng giám đốc Nguyễn Văn Tuấn, doanh nhân 8X vẫn hay được các nhà đầu tư gọi với biệt danh “Tuấn mượt”.

Dù cho vào ngày 12.4, Tập đoàn GELEX đã lên tiếng trấn an nhà đầu tư và khẳng định hoạt động của công ty vẫn diễn ra như thường lệ cũng như đối tượng tung tin đồn đã bị khởi tố, nhưng trước áp lực từ diễn biến của thị trường chứng khoán, cổ phiếu GEX vẫn không thể hãm đà rơi.

Năm 2022, GELEX đạt mục tiêu doanh thu 36.000 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2.618 tỉ đồng, tăng lần lượt 26% và 27,2% so với thực hiện 2021.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.