Gây lãng phí cũng là phạm tội

19/03/2021 04:49 GMT+7

Hôm qua, tòa soạn Thanh Niên nhận được lượng comment (bình luận) kỷ lục cho bài viết Bỏ không bệnh viện hơn 150 tỉ đồng ở Quảng Nam. Đa số các bình luận bức xúc về tình trạng lãng phí, lên án thái độ thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư, đề nghị kỷ luật cán bộ...

Đáng tiếc tình trạng lãng phí kiểu này lại không hề hiếm. Hồi năm ngoái, Báo Thanh Niên cũng từng phát hiện và phản ánh hiện trạng làng nghề Phương La (xã Thái Phương, H.Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) oằn mình chịu ô nhiễm nước thải, trong khi nhà máy xử lý nước thải có vốn ngân sách 76 tỉ đồng xây xong lại bỏ hoang 2 năm do thiếu kinh phí vận hành. Nhưng rồi, cũng chỉ có người viết và độc giả là xót xa nhìn các công trình phơi mưa phơi nắng, nhìn ngân khố quốc gia bị bào mòn mỗi ngày. Còn chính quyền H.Hưng Hà và tỉnh Thái Bình thậm chí còn chả buồn giải thích cho sự đầu tư vô lý đó. Theo cập nhật mới nhất của Thanh Niên thì đến nay, sau 3 năm đắp chiếu, nhà máy này hiện gần như không còn khả năng hoạt động do máy móc xuống cấp, công nghệ lạc hậu, công suất thì quá thấp so với nhu cầu thực tế.
Theo luật Phòng, chống tham nhũng, người nào tham ô, chiếm đoạt tài sản đến 2 triệu đồng đã có thể bị phạt tù từ 2 - 7 năm. Nhưng người ra quyết định đầu tư dự án tiêu phí đến 76 tỉ đồng tiền ngân sách (rồi bỏ hoang) như trong trường hợp kể trên thì lại vô can.
Trong khi, nếu phân tích kỹ lưỡng, có thể thấy lãng phí còn nguy hiểm hơn cả tham nhũng. Tham nhũng dù sao cũng còn giữ lại đồng tiền, tài sản, cho dù nằm trong túi của kẻ tham nhũng. Tài sản đó được sử dụng, hoặc còn tồn tại để có thể thu hồi. Nhưng rất nhiều công trình xây dựng, chi ngân sách lớn nhưng không sử dụng, thậm chí bỏ hoang, bị hư hỏng rồi phải phá bỏ thì là vô phương, tiền và tài sản mất đi, đó chính là lãng phí khủng khiếp.
Chúng ta có luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để bảo đảm việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước đúng mục đích, định mức, tiêu chuẩn, chế độ. Sử dụng xe công không đúng đối tượng, tiêu hao nhiên liệu, năng lượng quá lớn, đó là lãng phí. Và theo báo cáo của Bộ Tài chính thì thi hành luật này, hằng năm các cơ quan nhà nước tiết kiệm được từ các khoản đó con số cũng không nhỏ. Nhưng thực sự mà nói, lãng phí đó không đáng kể so với những dự án tiền tỉ, tiền tấn nhưng trở thành phế tích hoặc đống rác; nhiều công trình phơi mưa phơi nắng vì không có giá trị sử dụng.
Đã có nhiều quan chức bị truy tố vì hành vi tham nhũng, nhưng lại không thể bắt kẻ có hành vi lãng phí.
Không trị lãng phí bằng pháp luật, rất khó tránh được các quyết định đầu tư trời ơi, thiếu trách nhiệm kiểu làm cầu không làm đường lên cầu, xây bệnh viện rồi bỏ không... Chưa kể, lãng phí còn thường là khởi nguồn, là nơi trú ẩn của tham nhũng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.