Gay cấn cuộc thi đấu 'người máy' của học sinh THPT miền Trung - Tây nguyên

Huy Đạt
Huy Đạt
06/01/2024 18:41 GMT+7

Vượt qua hơn 200 đội thi khu vực miền Trung - Tây nguyên, sau cuộc tranh tài robot gay cấn, 2 đội thi ở TP.Đà Nẵng và Phú Yên xuất sắc giành suất tham gia giải đấu toàn quốc.

Hồi hộp dõi theo 'chiến binh người máy'

Chiều 6.1, Trường ĐH FPT Đà Nẵng tổ chức cuộc thi "Vietnam Open Robotics Challenge" cho cộng đồng tài năng trẻ đam mê khoa học.

"Vietnam Open Robotics Challenge" là chương trình đào tạo, thực hành và thi đấu về robot miễn phí dành cho học sinh THPT. Cuộc thi thu hút 206 đội thi đến từ các trường THPT của 46 tỉnh, thành.

Gay cấn cuộc thi đấu 'người máy' của học sinh THPT miền Trung - Tây nguyên- Ảnh 1.

Vietnam Open Robotics Challenge với sự tham gia của 206 đội thi đến từ các trường THPT

HUY ĐẠT

Tại điểm cầu Đà Nẵng, Ban tổ chức đã chọn ra top 16 đội thi xuất sắc đến từ các trường THPT trên địa bàn khu vực miền Trung – Tây nguyên.

Lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam với hình thức thi đấu robot, "Vietnam Open Robotics Challenge" hướng đến giúp các bạn trẻ yêu thích công nghệ lĩnh hội thêm nhiều kiến thức.

Gay cấn cuộc thi đấu 'người máy' của học sinh THPT miền Trung - Tây nguyên- Ảnh 2.

Robot sẽ vận hành tự động để hoàn thành vòng thi đấu sa hình

HUY ĐẠT

Với 16 đội thi được chọn vòng thi trực tuyến, Ban tổ chức (BTC) cho bốc thăm chia thành 4 bảng đấu, mỗi bảng có 4 đội, mỗi đội có 2 lượt thi đấu, mỗi lượt kéo dài 2 phút 30 giây. Đội thi có 1 phút để chuẩn bị đưa xe vào khu vực xuất phát, sẵn sàng thi đấu.

Gay cấn cuộc thi đấu 'người máy' của học sinh THPT miền Trung - Tây nguyên- Ảnh 3.

Robot vào khu vực xuất phát, bắt đầu thi đấu

HUY ĐẠT

Khi có hiệu lệnh xuất phát từ trọng tài, robot bắt đầu chạy cho đến khi về đích hoặc hết thời gian của lượt thi đấu. Kết quả của lượt thi đấu được tính bằng thời gian robot hoàn thành vòng sa hình.

Theo quy ước của BTC, một vòng hoàn chỉnh được tính từ khu vực xuất phát, robot đi qua các vạch màu và quay về. Trong trường hợp hết 2 phút 30 giây mà đội thi không thể hoàn thành 1 vòng hoàn chỉnh thì kết quả của đội được tính là 2 phút 30 giây (robot vận hành tự động hoàn toàn trong suốt lượt thi)...

Gay cấn cuộc thi đấu 'người máy' của học sinh THPT miền Trung - Tây nguyên- Ảnh 4.

Kết quả của lượt thi đấu được tính bằng thời gian robot hoàn thành một vòng sa hình

HUY ĐẠT

Ghi nhận của PV Thanh Niên tại cuộc thi, bên cạnh những robot vận hành tự động rất tốt với tốc độ cao, ổn định và bám được sa hình để hoàn thành phần thi dễ dàng, vẫn có robot "bị lỗi", chạy chệch hướng khiến phần thi kéo dài, thành tích không tốt.

Phía bên ngoài khu vực thi đấu, hàng trăm học sinh, thầy cô và phụ huynh hào hứng cổ vũ cho các đội thi. Sự hồi hộp được đẩy lên đỉnh điểm khi robot chạy qua các khúc cua gấp của sa hình để về đích.

Gay cấn cuộc thi đấu 'người máy' của học sinh THPT miền Trung - Tây nguyên- Ảnh 5.

Các thí sinh căng thẳng xử lý sự cố khi robot liên tục chạy trượt đường dẫn

HUY ĐẠT

Gay cấn cuộc thi đấu 'người máy' của học sinh THPT miền Trung - Tây nguyên- Ảnh 6.

Hồi hộp dõi theo các "chiến binh" thi đấu

HUY ĐẠT

Sân chơi thỏa niềm đam mê khoa học

Khi robot của đội thi Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến (TP.Đà Nẵng) hoàn thành phần thi sa hình, đội trưởng Huỳnh Nhật Nam (lớp 10) cho biết cả đội đã nỗ lực rất nhiều để bước vào cuộc đua "người máy" với các đối thủ trong khu vực.

"Chúng em rất trông mong giải đấu này và chuẩn bị thật chu đáo để tham gia một cách nghiêm túc. Dù hôm nay kết quả thế nào, chúng em vẫn thấy hài lòng vì cả đội 6 người đã cố gắng rất nhiều. Đây là sân chơi thật ý nghĩa và thích thú đối với chúng em", Nhật Nam nói.

Gay cấn cuộc thi đấu 'người máy' của học sinh THPT miền Trung - Tây nguyên- Ảnh 7.

Đội trưởng Huỳnh Nhật Nam (lớp 10, Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến) cầm trên tay "chiến binh" của đội

HUY ĐẠT

Gay cấn cuộc thi đấu 'người máy' của học sinh THPT miền Trung - Tây nguyên- Ảnh 8.

Mỗi robot tại cuộc thi được phép mang một màu sắc khác nhau nhưng tất cả đều thể hiện niềm đam mê khoa học của các bạn học sinh THPT

HUY ĐẠT

Kết thúc cuộc thi, BTC trao giải nhất cho đội thi Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên) gồm 10 triệu đồng tiền mặt và kỷ niệm chương. Đội thi Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) được trao giải nhì với 7 triệu đồng và kỷ niệm chương.

BTC cũng trao 2 giải ba (mỗi giải 5 triệu đồng, kỷ niệm chương) và 3 giải khuyến khích.

Gay cấn cuộc thi đấu 'người máy' của học sinh THPT miền Trung - Tây nguyên- Ảnh 9.

Đội thi Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) căng thẳng trước giờ thi đấu

HUY ĐẠT

Ngoài ra, 2 đội thi của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) và THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên) xuất sắc đoạt giải Inspire Award dành cho đội thi truyền cảm hứng. Đồng thời, 2 đội thi này sẽ được tài trợ chi phí cho toàn bộ thành viên đại diện và hỗ trợ bộ KIT robot trong quá trình tham gia giải đấu FIRST® Tech Challenge Vietnam diễn ra vào ngày 24.2 tới tại Hà Nội.

Gay cấn cuộc thi đấu 'người máy' của học sinh THPT miền Trung - Tây nguyên- Ảnh 10.

BTC trao giải nhì cho đội thi Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng)

HUY ĐẠT

"Vietnam Open Robotics Challenge" là "chìa khóa" để các đội gặp khó khăn về tài chính có cơ hội đến với vòng chung kết khu vực FIRST Tech Challenge Vietnam, xa hơn là giải vô địch thế giới FIRST Tech Challenge tổ chức tại Mỹ.

Để chiến thắng tại đường đua này, các đội cần phải thiết kế robot có chế độ dò đường và tự động di chuyển theo sa hình có sẵn với thời gian ngắn nhất, ít lỗi sai nhất dựa trên bộ KIT robot được cấp bởi BTC.

Học sinh thi đấu robot: hấp dẫn và gay cấn

Tuy nhiên, để robot có thể vận hành hiệu quả sẽ là thách thức không nhỏ về khả năng sử dụng linh hoạt kiến thức từ lý thuyết tới thực tế, kỹ năng chuyên môn cũng như khả năng phối hợp, làm việc nhóm nhịp nhàng của các đội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.