'Gạt bỏ can thiệp hành chính vào giá đất mới có giá thị trường'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
18/10/2022 17:40 GMT+7

Các chuyên gia cho rằng, để đảm bảo các nguyên tắc thị trường định giá đất, nhà nước cần gạt bỏ tối đa các "can thiệp hành chính" vào việc xây dựng, thẩm định và quyết định giá đất .

Giá đất nặng hành chính, áp đặt sẽ gây mâu thuẫn

Ngày 18.10, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp Chi hội Luật gia Văn phòng Quốc hội tổ chức hội thảo góp ý dự thảo luật Đất đai (sửa đổi) với chủ đề "Hoàn thiện chính sách tài chính về đất đai và phát triển thị trường quyền sử dụng đất”.

Hội thảo về chính sách tài chính đất đai do ông Trần Công Phàn, Phó chủ tịch - Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam và ông Ngô Trung Thành, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội chủ trì

gia hân

Tại hội thảo, GS-TS Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, cho rằng sửa luật Đất đai phải tạo được cơ chế xác định giá đất chuẩn xác, gắn với thị trường, gắn với cung cầu về đất đai.

Dẫn vấn đề đấu thầu các dự án có sử dụng đất, ông Hạnh cho rằng, ở Việt Nam, việc đấu thầu hiện nay chỉ tập trung vào đất mà không tập trung vào các thông số khác của dự án. Trong khi chỉ cần một “thao tác nhỏ”, một quyết định của chủ tịch tỉnh là giá đất sẽ thay đổi.

Do đó, theo ông Hạnh, nếu không có được cơ chế xác định giá đất gắn với cung cầu thì thì "những quy định về đấu thầu dự án sử dụng đất, đấu giá sử dụng đất còn luẩn quẩn, sẽ là cội nguồn của tham nhũng, cội nguồn của lãng phí, lợi ích nhóm".

Còn đối với giá đất giao dịch bất động sản, ông Hạnh cho rằng, không nên can thiệp mang tính hành chính của nhà nước, nên để theo giá trị thị trường. Nhà nước hoàn toàn có thể hạ mức thuế chuyển nhượng bất động sản từ 2% xuống 0,5% để người dân đóng thuế theo đúng giá giao dịch mà nhà nước vẫn đảm bảo nguồn thu.

“Trong quy định chuyển nhượng, đấu thầu dự án, đấu giá đất cần tuân theo tối đa nhất có thể các yếu tố thị trường, gạt bỏ chỗ nào có thể bỏ các can thiệp hành chính thì mới có thị trường như chúng ta mong muốn”, ông Hạnh đề xuất.

GS-TS Lê Hồng Hạnh nêu ý kiến tại hội thảo

gia hân

Ông Phan Văn Lâm, Tạp chí Pháp luật và Phát triển, cũng cho rằng, giá đất là vấn đề “quan trọng và nóng bỏng nhất hiện nay” vì nó đảm bảo được quyền và nghĩa vụ các chủ thể sử dụng đất, đặc biệt là trong giá đền bù khi nhà nước thu hồi đất.

Dẫn thực tế sau 10 năm thực hiện luật Đất đai, giá đất có những nơi được điều chỉnh gấp 15 - 20 lần khung giá đất song vẫn không đảm bảo “giá thị trường”, ông Lâm cho rằng, điều này thể hiện việc xây dựng khung giá đất như vừa qua là chưa hợp lý.

Theo ông Lâm, việc định giá đất vừa phải đảm bảo quyền lợi của người dân, vừa phải thể hiện được ý chí của nhà nước để Nhà nước đóng vai trò điều tiết. Tuy nhiên, nếu ý chí của nhà nước thể hiện hoàn toàn trong việc xây dựng giá đất sẽ không đảm bảo tính khách quan của thị trường.

“Thị trường chính là nhu cầu của người bán và người mua. Nếu xây dựng giá đất mà người bán không thể đưa ra giá thì quyền của họ không được đảm bảo. Giá đất sẽ mang nặng tính hành chính và áp đặt. Điều này là nguyên nhân gây ra mâu thuẫn”, ông Lâm phân tích và đề xuất việc xây dựng giá đất phải có cơ chế để người dân sở hữu đất tham gia thông qua các tổ chức tư vấn thẩm định giá đất độc lập, hạn chế tính hành chính, áp đặt của nhà nước.

Không thể chép nghị quyết vào luật Đất đai

Trong khi đó, ông Phạm Hữu Nghị, chuyên gia Viện Nhà nước - Pháp luật, nhận định, việc thực hiện ngay cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường theo Nghị quyết 18-NQ/TW yêu cầu là “rất khó”.

Ông Phạm Hữu Nghị (phải) cho rằng cần có lộ trình để xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường như yêu cầu của Nghị quyết 18

gia hân

Theo ông, nhà đầu tư muốn có đất giá rẻ để trao đổi mua, bán kiếm lời trở thành đại gia, còn người dân muốn nộp thuế thấp nhưng lại bán được giá cao, được đền bù nhiều.

“Chúng ta cũng không thể chép Nghị quyết 18 vào luật Đất đai được. Chép vào sau không thực hiện được cũng bỏ thôi”, ông Nghị nói và đề xuất thiết kế “một lộ trình” cho vấn đề này.

Ông Nghị cho rằng bảng giá đất do nhà nước quy định có thể sử dụng để tính thuế, phí, lệ phí, xử phạt vi phạm liên quan đất đai thì được; song nếu sử dụng để áp dụng cho các trường hợp giao đất, cho thuê đất thì “trật”.

“Giá đất theo thị trường là gì? Chính là theo cung cầu. Nhưng cung cầu ở ta méo mó vì quy hoạch được điều chỉnh dễ dàng. Chị Nguyễn Thị Thanh (Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội - PV) nói, nhiều khi chỉ 3 - 4 người ngồi với nhau là thay đổi được quy hoạch. Khi quy hoạch thay đổi, giá đất sẽ ngay lập tức thay đổi”, ông Nghị nêu.

Ông Phạm Hữu Nghị đề xuất trong lúc chờ thiết kế “lộ trình” định giá đất theo nguyên tắc thị trường như mong muốn, trước mắt, việc có thể làm được ngay là đảm bảo tính độc lập, trung thực, khách quan của các tổ chức định giá, thẩm định, quyết định giá đất. "Một khi cán bộ đã ngồi ở vị trí định giá đất thì không được ngồi ở vị trí thẩm định giá đất, đã làm chức trách thẩm định sẽ không được quyền quyết định giá đất", ông Nghị nói thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.