Gặp thầy giáo sáng tạo 'áo kiến thức'

05/12/2016 09:01 GMT+7

Anh Ma Quốc Đảo, giáo viên Trường THPT Nhân Việt (TP.HCM), đã có ý tưởng sáng tạo ra 'áo kiến thức' để giúp cho học sinh có thể bổ sung kiến thức thông qua việc quan sát.

In kiến thức vào áo
Anh Đảo cho biết cách đây 6 năm, khi còn là sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, anh đã nghĩ tới cảnh lương thấp sau khi ra trường khó mà trụ được với nghề dạy học, nên đã nghĩ thêm sẽ học một nghề phụ để tăng thêm thu nhập.
“Nghề tôi nghĩ tới đầu tiên là làm áo bán cho học sinh trong trường của mình giảng dạy. Tôi phát ra ý tưởng nếu in kiến thức khó nhớ lên áo và cho học sinh mặc đi học rồi lúc rảnh rỗi có thể quan sát những kiến thức đó trên áo của nhau như một phương pháp ôn tập thì sẽ rất hữu ích”, thầy Đảo nhớ lại.
Theo đó, kiến thức trong các môn toán, lý, hóa, ngoại ngữ, đặc biệt là từ vựng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật… được in ấn phía trước ngực áo và sau lưng áo, để học sinh mặc đi học rồi tranh thủ quan sát, học hỏi lĩnh hội kiến thức.
“Áo thun kiến thức áp dụng cho trẻ em từ 1 -12 tuổi, có thể vừa mặc đi chơi, vừa mặc đi học. Sản phẩm này tôi đánh vào phân khúc học sinh khối lớp lá ở mầm non”, thầy Đảo cho biết.
Ngoài ra, giáo viên trẻ này cũng có ý tưởng thực hiện thêm hai sản phẩm, đó là áo ghi lê kiến thức. Biến thể của áo thun kiến thức được may dưới dạng áo khoác ngắn, có độ thuận tiện và linh động cao như: khoác - cởi, trao đổi áo một cách dễ dàng, có thể áp dụng cho học sinh ở ba cấp: tiểu học, THCS, THPT. Và tấm dán kiến thức là mảnh vải nhỏ được in kiến thức có khổ khoảng 17x22 cm được may băng gai nhám để dán sau lưng áo, có thể dán gỡ dễ dàng và có ưu điểm là giá thành rất rẻ.
Anh Đảo đã tiến hành khảo sát khoảng 2.000 người để xem nhận xét của họ về dự án. Anh kể: “Khen chê đều có, đa số giáo viên và những người làm trong ngành giáo dục đều đánh giá cao, còn số người chê thì đều là những người không công tác trong ngành giáo dục. Tôi cũng có đem sản phẩm áo thun kiến thức tặng cho các bé trong làng trẻ em SOS tại quận Gò Vấp, các bé đều rất thích thú”.

Giúp học sinh học tốt hơn
Để "áo kiến thức" được đưa vào hoạt động và đạt hiệu quả tốt, anh Đảo cho rằng có cần phải có phương pháp dạy phù hợp. Đó là học theo nhóm từ hai người trở lên, có vị trí ngồi gần nhau trong lớp học. Học sinh ngồi bàn dưới quan sát kiến thức được in trên áo của học sinh ngồi bàn phía trên. Để đạt hiệu quả nhanh nhất, học sinh phải quan sát kiến thức liên tục trong nhiều giờ, nhiều ngày tới khi thuộc lòng. Học thuộc xong phần nào, học sinh trao đổi áo hoặc tấm dán với nhau để học các kiến thức khác.
Như môn tiếng Anh, vào giờ ra chơi, học sinh có thể quan sát các từ vựng in trên áo của nhau, mỗi em một cuốn vở riêng để ghi chép từ vựng mà mỗi ngày các em học được, nên cắt cử một giáo viên có mặt trong giờ ra chơi để dạy các em đọc chính xác các từ vựng, cần tổ chức các buổi học để dạy các em cách đọc phiên âm tiếng Anh giúp các em có thể tự đọc một cách chính xác các phiên âm được in trên áo mà không cần đến giáo viên hướng dẫn.
“Nếu kiên trì trong vài năm, vốn từ vựng tiếng Anh của các em tiến bộ rất nhanh. Không chỉ mạnh về học từ vựng, mà học ngữ pháp, cấu trúc câu, các mẫu câu dùng để giao tiếp cũng rất hiệu quả và có cách làm tương tự. Áp dụng tương tự cho các môn khác”, anh Đảo nói.
Còn tấm dán kiến thức thì được phân phát cho từng học sinh trong một lớp học. Vào giờ ra chơi, các em có thể lấy tấm dán ra xem, học các từ vựng in trên tấm dán, có thể dán sau áo bạn ngồi phía trước để tiện quan sát. Khi tan học học sinh có thể mang tấm dán đó về nhà, vào giờ học buổi tối phụ huynh lấy tấm dán đó ra hỏi lại các em từ vựng trong tấm dán đó để kiểm tra trí nhớ của các em.

Hiện tại anh Đảo đã đặt gia công 1.000 áo thun kiến thức cho học sinh tiểu học, lớp lá, lớp mầm. Anh Đảo cũng mong đợi có sự trợ giúp từ chuyên gia thiết kế từ các công ty may mặc lớn để hai sản phẩm là áo ghi lê kiến thức, tấm dán kiến thức đẹp hơn, bắt mắt hơn, nhằm đưa ra thị trường.
“Nếu dự án thành công, liệu có nghĩ đến việc chẳng kiếm được tiền lời vì sản phẩm này làm nhái quá dễ?”. Anh Đảo cười và cho rằng: “Mong muốn lớn nhất của tôi khi thực hiện dự án này là có thể giải quyết được thực trạng học sinh lười học, mất căn bản, yếu kém ngoại ngữ, có thể nói dự án 'áo kiến thức' là dự án chống bệnh lười học”.
Anh Ma Quốc Đảo
Trước những quan điểm cho rằng phương pháp này không khả thi, anh Đảo cho rằng sản phẩm này có nhiều ưu điểm. Đó là có thể ngăn chặn bệnh lười học, lười đọc sách và hiện tượng mất căn bản của học sinh. Sẽ giúp cân bằng học lực, trình độ của đại đa số học sinh. Nâng cấp sức học của học sinh từ yếu, trung bình lên mức khá. Có khả năng truyền đạt kiến thức ở mức độ rộng về thời gian lẫn không gian và không bị bó hẹp theo cách phương pháp học thông thường...

tin liên quan

Tiến sĩ trẻ Việt Nam được vinh danh ở Úc
Với đề tài nghiên cứu về các yếu tố tác động đến sự phát triển và mô hình của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào VN, Lê Thanh Hòa đã hoàn thành trước hạn chương trình tiến sĩ luật tại ĐH RMIT (Úc) và được trao giải thưởng nghiên cứu sinh tiến sĩ xuất sắc năm 2016 (ảnh).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.