Gấp rút phòng chống sạt lở

20/06/2015 09:54 GMT+7

Tìm giải pháp, cơ chế để phòng chống sạt lở ven sông, biển là việc làm cấp bách mà các đại biểu đã đặt ra tại Hội thảo “Kiểm soát sạt lở ĐBSCL - thách thức và giải pháp” vừa được Bộ NN-PTNT tổ chức tại Sóc Trăng.

Tìm giải pháp, cơ chế để phòng chống sạt lở ven sông, biển là việc làm cấp bách mà các đại biểu đã đặt ra tại Hội thảo “Kiểm soát sạt lở ĐBSCL - thách thức và giải pháp” vừa được Bộ NN-PTNT tổ chức tại Sóc Trăng.

Gấp rút phòng chống sạt lở
 Một điểm sạt lở ven sông nghiêm trọng vừa xảy ra tại TP.Cần Thơ - Ảnh: Tâm Quân
Hàng trăm héc ta đất trôi ra biển
Theo Cục Phòng chống thiên tai, ĐBSCL có địa chất rất phức tạp, trầm tích bở rời có chiều dày khá lớn, tình hình xói lở rất phức tạp và có xu hướng ngày càng gia tăng.
Những năm gần đây, do ảnh hưởng của con người, thời tiết, biến đổi khí hậu mạnh nên vùng ĐBSCL bị sạt lở nhanh, đặc biệt ở các khu vực sông Tiền, Hậu và ven biển các tỉnh Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang… Nhiều khu rừng ngập mặn tại đây bị hẹp dần, một số nơi đã không còn rừng.
Theo đánh giá của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, bờ biển khu vực ĐBSCL trải dài qua 7 tỉnh hiện đang có diễn biến rất phức tạp về sạt lở. Khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại ĐBSCL phải kể đến Cà Mau, nơi bị mất hàng trăm héc ta đất do ảnh hưởng của xói lở, xâm thực. Chỉ trong 30 năm trở lại đây, khu vực cửa sông Tràng Tràm đến xã Tân Ân (H.Ngọc Hiển) mất khoảng 4.890 ha đất với tốc độ xói lở hằng năm hơn 128 ha. Ngoài ra, hiện tượng sạt lở còn diễn ra phức tạp vào mùa khô tại các sông, kênh rạch lớn. Trong khi đó, tại TP.Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp, hiện tình trạng sạt lở bờ sông đang diễn ra khá nặng nề.
Theo một số nghiên cứu chính thức của các nhà khoa học, 38% diện tích đất tại ĐBSCL có thể bị nước biển nhấn chìm vào năm 2100. Một số khu vực ven bờ đang bị xâm thực khoảng 30 m/năm. Rừng ngập mặn dọc theo bờ biển bảo vệ đất liền khỏi ảnh hưởng của bão, lũ hiện đang suy giảm nghiêm trọng. Ngoài ra, mức độ gia tăng xâm nhập mặn còn dẫn đến tình trạng đất nhiễm mặn gây khó khăn trong sản xuất nông nghiệp.
Khẩn trương phòng chống
Theo nhiều chuyên gia, những năm gần đây, các địa phương tại ĐBSCL ý thức được tác hại nghiêm trọng của sạt lở nhưng do hạn chế về kinh phí, nhân lực, khoa học kỹ thuật nên các giải pháp đưa ra vẫn là tình thế, chưa đa dạng và thiếu tính bền vững. Do đó, việc tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục đang là một vấn đề cấp bách.
Theo ông Tăng Quốc Chính, Phó cục trưởng Cục Phòng chống thiên tai, nguyên nhân chủ yếu là do quy luật vận động tự nhiên, khai thác cát sỏi trái phép trên sông, địa chất, chặt phá rừng; khai thác tài nguyên đầu nguồn, hoạt động dân sinh vùng ven biển, giao thông thủy; tác động của biến đổi khí hậu và khai thác nước ngầm gây lún đất…
Còn ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho rằng có rất nhiều yếu tố dẫn đến sạt lở bờ biển, bờ sông, nhưng trước hết do chịu tác động từ thượng nguồn bởi việc xây dựng các hồ chứa, đập thủy điện dẫn đến thay đổi dòng chảy, khả năng trữ nước của rừng giảm, sử dụng đất phát triển nông nghiệp, tác động của biến đổi khí hậu… Do đó, việc ứng phó trước hết phải nhìn trên bình diện toàn vùng; hạn chế nguy cơ từ thượng nguồn gây ảnh hưởng đến hạ nguồn; thực hiện những giải pháp quản lý tổng hợp, bao gồm giải pháp công trình cứng và mềm.
“Mỗi khu vực đều chịu ảnh hưởng khác nhau nên cần phải nghiên cứu, lựa chọn giải pháp bảo vệ bãi biển thích hợp. Cần chú ý sử dụng các loại vật liệu tại chỗ thân thiện với môi trường, vừa giảm giá thành đầu tư vào công trình, vừa góp phần bảo vệ môi trường sống, chống tác động của biến đổi khí hậu… Đặc biệt, phải chú trọng đến giải pháp có ý nghĩa đảm bảo sinh kế của người dân sống ở khu vực này”, ông Thắng cho biết.
Theo ông Christian Henckes, Giám đốc Chương trình Quản lý tổng hợp vùng ven biển (ICMP), ĐBSCL là khu vực có ý nghĩa đặc biệt trong bảo đảm an ninh lương thực và sinh kế của người dân nên cần phải dốc hết mọi nguồn lực để bảo vệ. Các cơ quan có liên quan của VN cần nhanh chóng thực hiện đồng bộ các giải pháp, như: xây đê, trồng rừng chắn sóng ven biển; kè hộ bờ… để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng sạt lở.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.