Gấp rút đầu tư 22 dự án giải quyết ùn tắc quanh sân bay Tân Sơn Nhất

28/07/2017 13:56 GMT+7

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, đề nghị phải gấp rút đầu tư 22 dự án giải quyết ùn tắc chung quanh sân bay Tân Sơn Nhất.

Tại cuộc họp báo cáo tình hình kinh tế - văn hoá - xã hội – an ninh – quốc phòng tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2017 trên địa bàn TP.HCM, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết hệ thống giao thông tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được duyệt đến năm 2020 hoàn thiện sẽ phục vụ cho 25 triệu lượt khách.
Tuy nhiên, năm 2016 Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã đạt 32,5 triệu lượt khách, dự báo năm 2017 là 36 triệu lượt hành khách. Do đó, cần phải có các giải pháp điều phối để hoạt động giao thông tại đây.
Theo Sở GTVT, khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất có sáu điểm ùn tắc gồm: vòng xoay Lăng Cha Cả, đường Hoàng Minh Giám, giao lộ Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn, đường Trường Chinh (đoạn từ đường Âu Cơ đến đường Tân Kỳ - Tân Quý), giao lộ Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám, vòng xoay Phạm Văn Đồng - Nguyễn Thái Sơn - Bạch Đằng - Nguyễn Kiệm - Hoàng Minh Giám.
Để giải quyết ùn tắc giao thông cho khu vực ngoài sân bay Tân Sơn Nhất, thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp, từ phân làn, điều tiết, cấm dừng đỗ trên đường Trường Sơn. Nhiều dự án cũng đang được nghiên cứu, xây dựng.
Các cầu vượt thép cũng đã được đưa vào sử dụng, giải quyết đáng kể tình trạng kẹt xe nhưng đó chỉ là biện pháp tạm thời.
Hơn nữa, từ khi có cầu thép tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, các phương tiện từ đường Bạch Đằng, phía bên Q.Gò Vấp dù không đi vào sân bay lại dồn về đây gây áp lực lớn cho đường Trường Sơn. Khi xảy ra sự cố, tai nạn tại khu vực các cầu vượt thì rất dễ xảy ra hiệu ứng dây chuyền, gây kẹt xe kéo dài cả tuyến đường. Đặc biệt là khu vực đường Cộng Hòa - Lăng Cha Cả.
Ông Cường đề nghị trong lúc đang chờ giải quyết thì các điểm nóng, cần phải có cơ chế điều phối ùn tắc giao thông, khi xảy ra tai nạn, sự cố giao thông phải giải toả ngay tại các điểm ùn tắc. Đặc biệt, phải gấp rút đầu tư 22 dự án giải quyết ùn tắc chung quanh sân bay.
Liên quan đến taxi công nghệ, theo ông Cường, thời gian qua, nhà nước đã cho phép các loại hình taxi công nghệ như Grab, Uber, các hãng taxi truyền thống cũng đã bắt đầu phát triển theo hướng công nghệ nhưng vẫn chưa có khung pháp lý để quản lý chặt chẽ. Ông Cường cũng đề nghị cần sớm hoàn thiện các khung pháp lý để quản lý phương tiện giao thông công cộng như taxi công nghệ.
Ngoài ra, theo ông Cường, Sở GTVT cũng đã có đề nghị thiết lập dịch vụ xe đạp dùng chung, xe máy dùng chung... điều kiện cơ sở có thể thực hiện được nhưng vẫn chưa có khung pháp lý để triển khai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.