Gặp những người phụ nữ 'thổi hồn' vào lá cờ Tổ quốc

30/04/2023 21:12 GMT+7

Bà Nhung và người dân làng nghề Từ Vân cảm thấy tự hào, xúc động khi thêu những lá cờ Tổ quốc trước những dịp lễ đặc biệt.

Từ xa xưa, làng Từ Vân (xã Lê Lợi, H.Thường Tín, Hà Nội) nổi tiếng bởi các sản phẩm dệt, thêu truyền thống. Tháng 8.1945, các nghệ nhân của làng được kêu gọi thêu cờ Tổ quốc, chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám.

Ngày 30.4, gặp người phụ nữ 40 năm 'thổi hồn' vào những lá cờ Tổ quốc - Ảnh 1.

Những người dân làng Từ Vân làm cờ trước các dịp lễ lớn

ĐÌNH HUY

Cách mạng tháng Tám thành công, hàng trăm nghìn lá cờ đỏ sao vàng làm ở Từ Vân đã tung bay trong rừng cờ mừng Quốc khánh 2.9.1945 tại quảng trường Ba Đình lịch sử. Đây là dấu mốc "khai sinh" ra nghề may cờ của làng Từ Vân.

Ngày nay, những lá cờ Tổ quốc do người làng Từ Vân may vẫn tung bay trên khắp mọi miền của Tổ quốc, là niềm tự hào của những người dân làng này.

Theo ghi nhận của Thanh Niên, trong những ngày cuối tháng 4, con đường dẫn đến Từ Vân rất nhộn nhịp, người dân ai cũng vui vẻ bởi những ngày tháng khó khăn do dịch bệnh Covid-19 đã qua và họ lại được làm những lá cờ Tổ quốc để bán đến mọi miền trong cả nước.

Ngày 30.4, gặp người phụ nữ 40 năm 'thổi hồn' vào những lá cờ Tổ quốc - Ảnh 2.

Những người thợ trong xưởng của bà Nhung

ĐÌNH HUY

Nổi tiếng bởi tay nghề thêu thủ công sao vàng năm cánh, bà Vương Thị Nhung (48 tuổi, trú làng Từ Vân) cho biết đã gắn bó với nghề truyền thống từ khi còn 8 tuổi. Tính đến nay có 40 năm kinh nghiệm làm nghề, bà đã trải qua đủ các cung bậc cảm xúc thăng trầm với nghề đặc biệt này.


"Chúng tôi rất tự hào, bởi đây là công việc gắn bó suốt cả một cuộc đời. Những lá cờ được treo ở những nơi linh thiêng, trang trọng càng khiến chúng tôi yêu nghề, thêm tâm huyết với nghề, theo đuổi nghề đến suốt đời", bà Nhung nói và cho hay, trong những ngày lễ đặc biệt như 30.4 và 2.9 bà rất xúc động khi nhớ về sự hy sinh của những liệt sĩ đã ngã xuống vì sự hòa bình của đất nước hôm nay.


Ngày 30.4, gặp người phụ nữ 40 năm 'thổi hồn' vào những lá cờ Tổ quốc - Ảnh 3.

Những lá cờ được thêu rất tỉ mỉ

ĐÌNH HUY

Bà Nhung cho biết thêm, để sản xuất ra một lá cờ thêu tay đẹp thì vải phải mua từ làng La Khê (Q.Hà Đông, Hà Nội), còn chỉ thêu mua từ làng Triều Khúc (H.Thanh Trì, Hà Nội).


"Hoàn thiện một lá cờ thêu tay dùng trong gia đình, chúng tôi mất khoảng gần 2 ngày, những người chưa thạo nghề có khi mất đến cả tuần. Tuy không yêu cầu kỹ thuật cao nhưng cần sự tỉ mỉ, khéo léo. Vì vậy, muốn giữ nghề, cần những người thợ lành nghề và tâm huyết", bà Nhung nói thêm.


Loại vải làm cờ được mua từ làng La Khê (Q.Hà Đông), chỉ thêu được mua từ làng Triều Khúc (H.Thanh Trì)

ĐÌNH HUY

Trước đây làm cờ rất mất thời gian, từ khâu đo vải, vẽ ngôi sao bằng phấn rồi cẩn thận cắt tay từng chi tiết, để hoàn thiện 1 lá cờ có khi mất cả buổi sáng, đây cũng là lý do nhiều gia đình bỏ nghề. Hiện nay các hộ sản xuất quy mô lớn tại Từ Vân đều trang bị máy móc hiện đại, lập trình tự động trên máy tính nên độ chính xác cao, tốc độ cắt vải nhanh mà chi tiết lại sắc nét, đẹp hơn.


Ngày thường, xưởng của bà chỉ cần khoảng 6 - 10 thợ để hoàn thiện đơn hàng, nhưng trong những dịp lễ, tết số lượng nhân công có thể lên tới hàng chục người. "Các dịp lễ, tết đều cần dùng đến cờ nên người dân làng chúng tôi quanh năm không hết việc. Năm nay, mọi thứ đã ổn định trở lại nên đơn hàng càng nhiều hơn", bà Nhung phấn khởi nói.


Ngày 30.4, gặp người phụ nữ 40 năm 'thổi hồn' vào những lá cờ Tổ quốc - Ảnh 5.

Bà Nhung mong muốn các con, cháu sẽ theo nghề của mình

ĐÌNH HUY


Là một thợ thủ công trong nghề hàng chục năm nay, bà Lê Thị Hà (người dân làng Từ Vân) chia sẻ, bà luôn tự tin vì người dân nơi đây đều có "hoa tay", không những được nhiều nơi ở các tỉnh đến đặt làm mà còn có kiều bào ở nước ngoài ghé thăm, đặt làm cả trăm chiếc mang sang tặng người thân như một món quà trân trọng.

Ngày 30.4, gặp người phụ nữ 40 năm 'thổi hồn' vào những lá cờ Tổ quốc - Ảnh 6.

Bà Hà đang thêu những lá cờ trong dịp 30.4 năm nay

ĐÌNH HUY

Trong những ngày tháng 4 này, bà Hà cảm thấy vui khi mình là người làm ra những lá cờ chứa đựng nhiều ý nghĩa và lòng tự hào. "Xúc động lắm, khi tôi đến thăm Lăng Bác, hay xem trên truyền hình, có những lá cờ tung bay, có thể là do chính tôi và những người dân ở làng làm ra, cảm xúc đấy thật khó tả", bà Hà xúc động chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.