Gặp lại người cha ôm con khóc sau giờ thi lớp 10 TP.HCM

Thúy Hằng
Thúy Hằng
18/10/2019 20:36 GMT+7

Câu chuyện người cha ôm con khóc sau giờ thi toán lớp 10 tại TP.HCM từng khiến nhiều người rung động. Họ bây giờ ra sao?

Hai tháng sau khi năm học mới bắt đầu, chúng tôi tới quán cà phê nhỏ trên đường Trần Hưng Đạo, Q.5, TP.HCM, tìm hai cha con anh Ôn Vĩnh Sanh và bé Ôn Bảo Nhi, hai nhân vật chính trong câu chuyện người cha ôm con dịp thi vào lớp 10 vừa qua. Cô bé Ôn Bảo Nhi đã đậu vào lớp 10 Trường THPT Trần Hữu Trang, Q,5, cách nhà chỉ 5 phút đi bộ.
“Sau khi báo đăng, tôi đọc mà cảm động vô cùng, muốn tìm cô để nói lời cảm ơn mà không biết số điện thoại hay Facebook cá nhân, hôm nay thì gặp cô ở đây rồi”, anh Ôn Vĩnh Sanh đón chúng tôi trước quán cà phê mà anh làm chủ.

Hình ảnh cha ôm con khóc trước cổng trường thi lớp 10 TP.HCM gây xúc động hồi tháng 6.2019

Thúy Hằng

Anh Sanh cho hay, vì lượng trước sức học của con nên cả 3 nguyện vọng, anh đều đăng ký Trường THPT Trần Hữu Trang. Đúng như dự đoán của con sau giờ thi toán, điểm môn toán của con không cao, nhưng bù lại điểm ngữ văn và tiếng Anh khá. “Vào lớp 10, con hoạt bát năng động, chững chạc hơn, hòa nhập tốt với các bạn, thích ca hát văn nghệ chứ không sống thu mình như ngày còn nhỏ”, anh Sanh khoe.
Anh Ôn Vĩnh Sanh cho biết cá nhân anh không học đại học hay trường đào tạo nghề nào, chỉ học ở trường đời, thực tế cuộc sống. Anh yêu con bằng bản năng của một người cha và dạy con từ tình yêu thương, giống như tình yêu được mẹ truyền cho anh từ thuở lọt lòng. Cái ôm con mỗi ngày, cũng là một cách truyền cho con sự yêu thương.

Hạnh phúc là được ôm con mỗi ngày

“Cha tôi mất từ khi tôi còn tấm bé, một mẹ một con chúng tôi lớn lên, kiếm sống giữa Sài Gòn. Ngày xưa mẹ tôi buôn bán, chúng tôi có một sạp bán nồi cơm điện nội địa ở chợ trên đường Huỳnh Thúc Kháng bây giờ. Lớp 6 tôi đã phụ mẹ dọn hàng, đánh bóng, sửa chữa hàng cho khách. Mẹ tôi không bao giờ đặt áp lực cho con trai duy nhất của bà phải thành ông này bà kia, mà chỉ dạy con nên người, có đạo đức. Dù yêu con như thế nào, nhưng tôi vẫn rất nghiêm khắc, ví dụ các con phải làm việc nhà, những gì phù hợp sức với con. Nếu Bảo Nhi chểnh mảng học tập, điểm kém, cứ tự động ăn cơm nguội chan nước tương rồi đi học. Nếu muốn ăn ngon, cứ học cho tốt”, anh Sanh nói.

Vợ chồng anh Sanh và bé Bảo Nhi

Ảnh nhân vật cung cấp

Có hai người con, một trai, một gái. Con trai lớn của anh sau khi học xong năm nhất một trường ĐH nhưng cảm thấy không phù hợp nên đã xin phép gia đình cho được nghỉ để chọn hướng đi mới. Anh Ôn Vĩnh Sanh nói với con, con học gì, làm nghề gì trong tương lai là tùy con, gia đình sẽ đứng bên để tư vấn, còn quyết định là ở con. “Tôi nói với con là con nên đi nghĩa vụ quân sự sau đó về học nghề, để làm đúng ngành nghề con mong muốn”.
Người cha từng ôm con khóc trước cổng trường thi vào lớp 10 ở TP.HCM cho biết dù con vào THPT, trường học chỉ cách nhà vài phút đi bộ nhưng mỗi sáng anh Sanh vẫn chở con đến trường, trưa và chiều rước con về. Nếu con đi học thêm ở đâu, anh cũng chở con tận nơi. Vẫn như thói quen mười mấy năm qua, trước khi vẫy tay chào tạm biệt con, anh Sanh ôm con và hôn lên má con. “Không chỉ là chở con, dọc đường cha con có thể nói chuyện, cùng dặn dò con nhiều điều. Cuộc sống cứ vội vã cuốn trôi, nếu mình không dành thời gian cho con nữa, chỉ mải mê kiếm tiền, những đứa trẻ sẽ rất cô đơn”, người cha bộc bạch.

Gia đình là điểm tựa

Chia sẻ với chúng tôi, cô bé Ôn Bảo Nhi cho biết em hạnh phúc khi được nhận sự yêu thương, quan tâm của cả ba và mẹ. “Ngày xưa, khi được ba ôm trước cổng trường thì em thấy ngại, nhưng sau đó, em thấy rằng đó là một điều may mắn, hạnh phúc với em”, Nhi kể. Dù tính cách của Nhi không phải chuyện gì cũng tâm sự với cha mẹ, nhưng Nhi luôn tin rằng, gia đình là điểm tựa vững chắc và an toàn nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.