Gặp cháu ông Nguyễn Cao Kỳ giữa Sơn Tây

13/01/2016 09:52 GMT+7

“Có lúc nào bà giận ông Nguyễn Cao Kỳ không?”, chúng tôi hỏi bà Tâm. “Không cô ạ. Quá khứ qua rồi, hờn giận mà làm gì".

Tôi từng tới thị xã Sơn Tây, Hà Nội nhiều lần, đi ngang con phố Ngô Quyền cũng không ít, nhưng hồi giữa tháng 10.2015, được trò chuyện cùng gia đình cháu Tướng râu kẽm Nguyên Cao Kỳ và đặt chân vào căn nhà nơi tuổi thơ ông đã lớn lên là một cuộc gặp gỡ bất ngờ.

“Tướng Nguyễn Cao Kỳ quê ở Sơn Tây”, một người bạn Sài Gòn nói với tôi trên hành trình đi thăm làng cổ Đường Lâm. Tôi thú thật, tôi không biết đâu là căn nhà nơi ông Kỳ từng sống trước khi vào Hà Nội và vào Nam.

       Con ngõ nhỏ dẫn vào ngôi nhà số 51 Ngô Quyền 

“Nhà ông Cao Kỳ hả, số 51 Ngô Quyền, trời ơi cái nhà sắp sập rồi, cháu ông ấy vẫn gánh rau bán qua đây”, một người đàn bà buột miệng. Chúng tôi quyết định đổi lịch trình, sẽ tìm đến ngôi nhà này trước khi tới Đường Lâm.

“Cô đi thẳng, rẽ phải, đi 200 m, đi thẳng rồi rẽ trái rồi hỏi tiếp”, một người bán bún dọc mùng bên vỉa hè thị xã Sơn Tây vồn vã. Thấy chúng tôi ngơ ngác chưa thể định vị, một ông xe ôm, rồi cả một bà đang bán rau dạo gần đấy bỏ cả công việc đang làm đứng lên chỉ dẫn rất hăng say. Ông xe ôm nóng lòng nhìn chúng tôi nổ máy Honda vọt đi, cảm giác ông vẫn muốn cũng gạt chân chống, rú ga phóng theo để đưa chúng tôi về căn nhà của một nhân vật rất nổi tiếng ở vùng quê này.

Chúng tôi ngẩn ngơ đứng trước số nhà 51 Ngô Quyền một lúc lâu. Theo chỉ dẫn của người địa phương, đây chính là nơi chúng tôi đang tìm. Nhưng sao khác với tưởng tượng của chúng tôi nhiều quá. Số 51 vẽ bằng sơn trắng trên tấm biển xanh cũ kỹ. Một cái cổng nhỏ, hẹp và kéo dài. Trước cổng treo rất nhiều khung xe đạp, săm, lốp xe đạp, xe máy. Một người đàn ông trên 50 tuổi, tóc lấm tấm bạc, rụt rè từ trong ngõ đi ra: “Các cô chú cần gì ạ?”. Đó là những câu nói đầu tiên chúng tôi nói cùng nhau. Ông là Phan Văn Bình, chồng bà Nguyễn Thị Tâm - cháu gọi ông Nguyễn Cao Kỳ bằng chú ruột.

Đưa khách vào nhà, ông Bình tiếp tục công việc của một người thợ sửa chữa xe đạp. Bà Tâm rót nước vối mời chúng tôi uống, căn nhà cấp 4 rất nhỏ, cổ kính, khá nhiều đồ đạc được sắp xếp rất ngăn nắp. Bà Tâm ngước nhìn bàn thờ tổ tiên, chỉ cho chúng tôi xem ông bà nội ông Nguyên Cao Kỳ, kể cho chúng tôi những câu chuyện về thời thơ ấu của ông Kỳ trong căn nhà này mà bà được nghe bố mẹ kể lại.

Bà Tâm: "Quá khứ qua rồi, hờn giận mà làm gì."

Một người phụ nữ chất phác mưu sinh bằng nghề bán rau, muối dưa cà qua ngày đón tiếp khách phương xa bằng tất cả sự niềm nở và chân thành vốn có. Bà không giấu diếm những chuyện buồn một thời gian khó, chuyện bà từng “bị trượt” ngày thi vào làm cô giáo dạy mầm non, cả chuyện bà không biết đi xe máy, chỉ đạp xe đạp bán rau, mới bị tai nạn trật khớp cổ chân.

Con gái bà Tâm, chị Phan Thị Ngọc Giang, đưa chúng tôi tới căn nhà bếp phía sau, một mái nhà lúp xúp, khoảnh sân gạch rợp bóng cây, chiếc bể nước mái vòm, tất cả vẫn giữ được gần như nguyên vẹn kiến trúc cổ kính từ thời ông Kỳ sinh ra và lớn lên. Giang rất xinh, cô đã học xong đại học và muốn làm công chức thư viện để ở gần bố mẹ, giữa Sơn Tây này.

“Có lúc nào bà giận ông Nguyễn Cao Kỳ không?”, chúng tôi hỏi bà Tâm. “Không cô ạ. Quá khứ qua rồi, hờn giận mà làm gì. Chỉ có một điều tôi giận ông ấy, năm 2004, ông về thăm Sơn Tây mà không về thắp hương cho ông bà nội trong căn nhà này”, chia tay rồi, chúng tôi vẫn còn nhớ như in lời người cháu gọi ông Nguyễn Cao Kỳ bằng chú.

Ông Phan Văn Bình sống bằng nghề sửa chữa xe 

Cả hai bài báo về dòng họ ông Nguyễn Cao Kỳ đăng trên Thanh Niên sau cuộc gặp gỡ bất ngờ ấy, Tuổi thơ của ông Nguyễn Cao Kỳ ở Sơn TâyDòng họ Nguyễn Cao Kỳ: Những người “bên kia bờ đoàn tụ” nhận được khá nhiều sự quan tâm của độc giả. Bất ngờ, đúng đêm Noel vừa qua, tôi nhận được điện thoại, là của ông Phan Văn Bình. “Chúc cháu Giáng sinh vui vẻ, năm mới may mắn. Cảm ơn cháu. Cảm ơn cháu. Chú đã đọc cả hai bài cháu viết”, đầu dây bên kia là một sự xúc động.

Ông Bình kể ngay khi báo vừa đăng, nhiều người dân trong thị xã Sơn Tây đã in cả 2 bài ra giấy A4, mang đến tận hiệu sửa xe của ông và cùng đọc cho ông nghe. “Mọi người nói tặng chú. Chú đọc ngay ngoài tiệm sửa xe. Rồi chú, vợ chú và hai con đã đọc đi đọc lại nhiều lần, nhiều đoạn chảy nước mắt vì nó gợi nhớ nhiều ký ức quá”, ông Bình chậm rãi.

Mái nhà cổ kính này bây giờ đã được đập bỏ, xây dựng một căn nhà khang trang 

Người đàn ông vui vẻ thông báo, ông mới xây được căn nhà khang trang trên nền nhà bếp cũ, một căn nhà cấp 4 sẽ hoàn thiện trước Tết nguyên đán này. Ước mơ lớn nhất trong cả cuộc đời của hai vợ chồng ông, căn nhà ấy, ông muốn khoe với tôi để cùng chia sẻ niềm hạnh phúc.

“Nếu một ngày, cháu và người bạn Sài Gòn tới Sơn Tây, nhớ ghé lại 51 Ngô Quyền, nơi đây như nhà của cháu”, ông Bình nói trước khi cúp máy. Vâng, tôi đã tìm thấy quê hương trong những chuyến đi của mình như thế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.