Gắn microchip cho chó mèo: Có giúp quản lý thú cưng tốt hơn, hạn chế thả rông?

Phan Diệp
Phan Diệp
08/04/2024 14:14 GMT+7

Trước quy định về việc buộc chủ nuôi chó, mèo đăng ký với chính quyền UBND cấp xã, khuyến khích gắn microchip, nhiều người thắc mắc, liệu microchip có giúp việc quản lý chó, mèo dễ dàng hơn, hạn chế tình trạng thả rông, phóng uế và phòng dịch bệnh?

Microchip là gì?

Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn TP.HCM đang xây dựng quy định về việc quản lý nuôi chó, mèo. Trong đó, nổi bật là quy định buộc chủ nuôi đăng ký với chính quyền UBND cấp xã, khuyến khích gắn microchip như chip điện tử hay một phần mềm mạch vi xử lý lên chó, mèo. 

Ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM chia sẻ: "Việc khuyến khích gắn chip nhằm thuận tiện trong việc quản lý, truy xuất các thông tin liên quan như chủ vật nuôi, lịch sử tiêm phòng, giống, di chuyển động vật từ nơi này đến nơi khác được chặt chẽ. Các thông tin dữ liệu sẽ được cập nhật vào cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý nhà nước...".

TS-BS Nguyễn Văn Nghĩa - Giảng viên khoa Thú y, trường ĐH Nông lâm TP.HCM chia sẻ: "Microchip là một mã điện tử (một dãy số), về mặt sinh học có thể tích hợp/cấy vào cơ thể mà không ảnh hưởng tới sức khỏe thú cưng. Mã số này sẽ hiển thị khi dùng máy quét, thông qua phần mềm quản lý hiện lên thông tin của vật nuôi và chủ nuôi".

Để việc quản lý chó, mèo bằng microchip hiệu quả, người dân phải đăng ký với chính quyền địa phương mã số này. Khi chó, mèo đi lạc, thả rông hay có xảy ra tranh chấp, cần chứng minh chủ nuôi thì microchip thể hiện tốt vai trò của nó.

Gắn microchip cho chó mèo: Có giúp quản lý thú cưng tốt hơn, hạn chế thả rông?- Ảnh 1.

Microchip được đưa vào cơ thể thú cưng bằng cây kim như thế này.

Lê Trung

Anh Dương Kiên Trung, Giám đốc công ty TNHH Thú cưng Lê Trung cho hay việc cấy microchip vào thú cưng thực hiện đơn giản, nhanh chóng. Chip chỉ nhỏ bằng hạt gạo, được cấy dưới da của chó, mèo, thường ở vị trí bả vai. Tại công ty anh Trung, chip khi được cấy vào thú cưng sẽ có giấy chứng nhận, mã chip và thông tin tần số để máy quét đọc.

Anh chia sẻ, ở TP.HCM hiện nay phần lớn người nuôi chó, mèo chưa quan tâm, ít có nhu cầu gắn microchip. Việc gắn microchip là một trong những thủ tục bắt buộc để thú cưng được xuất cảnh, di chuyển bằng máy bay. Thế nên chỉ khi có nhu cầu này, chủ nuôi mới tìm đến dịch vụ.

Không thể phủ nhận nhu cầu nuôi thú cưng bầu bạn ngày càng nhiều. Nhưng ở những đô thị lớn như TP.HCM, không gian công cộng không đủ rộng, mật độ dân sống ở chung cư cao. Việc nuôi thú cưng dễ dẫn đến nảy sinh nhiều vấn đề, mâu thuẫn với những người xung quanh. Đặc biệt là tình trạng phóng uế bừa bãi, gây ồn, thả rông có nhiều nguy cơ làm lây lan dịch bệnh, đặc biệt là bệnh dại…

Quan trọng nhất vẫn là ý thức!

Song song với quy định buộc đăng ký nuôi chó, mèo với địa phương, hoạt động bắt chó thả rông cũng đang được đẩy mạnh. Ở TP.HCM hiện đang có 59 đội bắt chó ở các quận, huyện thực hiện nhiệm vụ này.

Anh Mai Hoàng Tiến, đại diện đội bắt chó P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức cho biết đã ra quân từ tháng 11 năm ngoái, bắt được gần 200 chó thả rông. Trong đó, có khoảng 70% chủ nuôi đến nhận lại thú cưng của mình.

Nhiều người còn hiểu sai, cho rằng chó thả rông là chó hoang, vô chủ. Họ không nghĩ rằng chó gia đình nuôi, nếu ra đường không rọ mõm, không có người dẫn đi bằng dây xích thì được xem là thả rông, tiềm ẩn nguy hiểm cho người khác.

"Nếu chó, mèo được đăng ký với chính quyền, gắn microchip thì nếu chẳng may đi lạc, thả rông bị bắt về thì việc xử lý nhận lại thú cưng sẽ dễ dàng hơn", anh Tiến nói. 

Gắn microchip cho chó mèo: Có giúp quản lý thú cưng tốt hơn, hạn chế thả rông?- Ảnh 2.

2 chú chó thả rông tại một công viên ở TP.Thủ Đức.

Phan Diệp

Ở Mỹ, từ năm 1989 đã bắt đầu xuất hiện việc gắn chip lên thú cưng, song đến nay vẫn chưa có quy định bắt buộc. Tại Anh, từ ngày 26.4 tới đây có yêu cầu buộc gắn chip lên mèo. Sở dĩ có quy định này là bởi ở đó họ đã xây dựng xong cổng thông tin để chủ nhân đăng ký định danh cho mèo, mèo được người dân xem như thành viên trong nhà.

Bác sĩ Nguyễn Văn Nghĩa khẳng định việc đăng ký nuôi chó, mèo với chính quyền là điều cần thiết, địa phương nắm số lượng, dễ kiểm soát, phòng dịch bệnh.

"Microchip giúp định danh và quản lý thú cưng. Nếu làm được, đây sẽ là một tiến bộ lớn cho công tác quản lý động vật và an toàn dịch bệnh của nước nhà", bác sĩ Nghĩa nhận định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.