Gần chục năm sau cổ phần hóa, Sabeco vẫn chưa niêm yết

27/05/2016 17:32 GMT+7

Trong đại hội đồng cổ đông thường niên 2016 sáng 27.5, Tổng công ty Bia rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho biết việc thoái vốn nhà nước và lên sàn chủ yếu là ở quyết định của cơ quan nhà nước, cụ thể là Bộ Công thương.

Lợi nhuận sau thuế của Sabeco năm 2015 là 3.600 tỉ đồng, tăng 28% Ảnh: H.Lê
Kết thúc năm 2015, Sabeco đạt doanh thu thuần bán hàng hơn 27.100 tỉ đồng, tăng nhẹ gần 3% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế 3.600 tỉ đồng, tăng 28%. Theo kế hoạch năm 2016, Sabeco đặt mục tiêu tăng trưởng 1% cho lượng bia tiêu thụ so với năm 2015, tương ứng 1,541 tỉ lít bia các loại. Tổng doanh thu đạt 28.053 tỉ đồng tăng 3%, lợi nhuận trước thuế 4.192 tỉ đồng, bằng 94% năm 2015 và cổ tức giữ nguyên ở mức 30% như năm 2015.
Lý giải cho kế hoạch tăng trưởng 2016 đặt ra khiêm tốn, ông Lê Hồng Xanh, Phó tổng giám đốc Sabeco cho hay dù thị phần của Sabeco đã được nâng từ 41% lên 43% trong năm 2015, tuy nhiên, cùng với các hiệp định thương mại tự do, các sản phẩm đồ uống và bia rượu sẽ tràn vào VN, Sabeco sẽ đối đầu trực tiếp và chịu sức ép lớn. Chẳng hạn, thuế nhập khẩu bia sẽ giảm về 0% khi hiệp định TPP có hiệu lực, hay các đối thủ nước ngoài với tiềm lực tài chính rất mạnh triển khai nhiều cách thức để xâm chiếm thị trường như liên kết, thôn tính… là những rủi ro cực lớn đối với Sabeco.
Các cổ đông của Sabeco cũng thắc mắc Sabeco đã thay 2 lần chủ tịch HĐQT, trải qua 8 năm kể từ khi cổ phần hóa, mà việc lên sàn chỉ thấy hứa mà không thấy thực hiện. Ngay trong lần đại hội cổ đông này, cổ đông cũng không thấy tờ trình thoái vốn nhà nước và tờ trình niêm yết. Ông Võ Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Sabeco cho biết cũng muốn sớm niêm yết để tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu, nhưng Sabeco không tự quyết định được, vì còn nhiều yếu tố liên quan đến việc niêm yết. Niêm yết phải cân nhắc đến nhiều yếu tố, như đặc thù tổng công ty, niêm yết thời điểm nào để đạt được giá trị cao nhất cho cổ phiếu, và đạt được cam kết với nhà đầu tư chiến lược để đảm bảo giữ vững thương hiệu. Cũng như việc thoái vốn có thể giúp doanh nghiệp tăng thêm nguồn lực, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, HĐQT vài lần gửi công văn xin thoái vốn, nhưng vẫn chưa nhận được trả lời.
“Theo như chúng tôi hiểu, việc thoái vốn cho ai, lúc nào, bằng hình thức nào là vấn đề quan trọng mà các cơ quan quản lý có liên quan cân nhắc lợi ích về mặt kinh tế, tài chính, xã hội. Tổng công ty đã làm trong phạm vi quyền hạn của mình, còn việc thoái vốn là quyết định của cơ quan nhà nước”, ông Hà cho biết giữa đại hội.
Đến nay, nhà nước còn giữ khoảng 89,59% cổ phần, còn lại đã bán cho Heineken khoảng 5%, các cổ đông khác giữ tỷ lệ còn lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.