Gần 97% bệnh nhân ung thư phổi tại Việt Nam có hút thuốc lá

Liên Châu
Liên Châu
23/11/2022 14:53 GMT+7

96,8% bệnh nhân ung thư phổi tại Việt Nam có hút thuốc lá. Căn bệnh này là một những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam.

Hội thảo “Thực trạng, thách thức và giai pháp trong phòng, chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam” (hội thảo) được Bộ TT-TT tổ chức sáng nay 23.11, tại Hà Nội.

Theo một nghiên cứu của Bệnh viện K, 96,8% bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá

Bệnh viện K

Tại hội thảo, đại diện Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), cho biết tại Việt Nam, khoảng 40.000 người tử vong/năm do các bệnh có liên quan đến thuốc lá.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo đến năm 2030, sẽ tăng lên tới 70.000 người tử vong/năm nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện. Số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam.

Một trong những nguyên nhân quan trọng là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao (năm 2020, tỷ lệ nam giới Việt Nam hút thuốc là 42,3%).

Có 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như: đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam. Đáng lưu ý, theo một nghiên cửa của Bệnh viện K (Bộ Y tế), 96,8% bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá.

Về gánh nặng kinh tế do sử dụng thuốc lá, đại diện Quỹ cho hay, tại Việt Nam, tiền mua thuốc lá khoảng 49.000 tỉ đồng/năm mua thuốc lá (ước tính từ tổng tiêu thụ năm 2020).

Nữ giới hút thuốc tăng

Theo Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, các điều tra cho thấy tỷ lệ sử dụng hút thuốc lá chung tại Việt Nam trong năm năm 2015 - 2020 đã giảm (22,5% so với 21,7%).

Tỷ lệ nam giới hút thuốc là 42,3% (năm 2020), giảm so với năm 2015 (45,3%). Tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá 1,7% (năm 2020), tăng so với năm 2015 (1,1%).

­Tỷ lệ người hút thuốc lá thụ động tại một số địa điểm cũng giảm. Tại nơi làm việc, từ 42,6% (năm 2015) xuống 30,9% (năm 2020). Tỷ lệ hút thuốc thụ động tại nhà từ 59,9% (năm 2015) xuống 56% ( năm 2020).

Tại hội nghị, đại diện Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cho rằng, Việt Nam nên tăng cường xây dựng bằng chứng và vận động tăng thuế thuốc lá lên 70% giá bán lẻ các sản phẩm thuốc lá theo khuyến cáo của WHO. Hiện, mức thuế này tương đương 38,8% giá bán lẻ. Việc tăng giá bán lẻ thuốc là một trong các chính sách giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.