Gần 200 nước thông qua thỏa thuận lịch sử về khí hậu

Khánh An
Khánh An
13/12/2023 16:29 GMT+7

Hội nghị về khí hậu của Liên Hiệp Quốc COP28 đạt thỏa thuận quan trọng về giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu.

Gần 200 nước thông qua thỏa thuận lịch sử về khí hậu - Ảnh 1.

Phiên họp toàn thể của hội nghị COP28 tại Dubai vào ngày 13.12

REUTERS

Hãng Reuters ngày 13.12 đưa tin đại diện gần 200 quốc gia đồng ý bắt đầu giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu nhằm ngăn chặn tác động của biến đổi khí hậu.

Thỏa thuận đạt được tại hội nghị về khí hậu COP28 của Liên Hiệp Quốc diễn ra ở Dubai (UAE) kêu gọi chuyển khỏi nhiên liệu hóa thạch trong hệ thống năng lượng để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Điểm nhấn từ thỏa thuận khí hậu lịch sử COP28

Bên cạnh đó, thỏa thuận kêu gọi tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu vào năm 2030, nỗ lực giảm sử dụng than, tăng tốc các công nghệ nhốt carbon trong những ngành công nghiệp khó giảm phát thải carbon.

Thỏa thuận đạt được sau 2 tuần đàm phán căng thẳng, nhằm gửi thông điệp mạnh mẽ rằng thế giới đoàn kết trong mong muốn giảm nhiên liệu hóa thạch nhằm tránh thảm họa khí hậu.

Chủ tịch COP28 Ahmed Al Jaber gọi đây là thỏa thuận lịch sử, nhưng nói thêm rằng thành công của nó sẽ phụ thuộc vào việc triển khai. "Chúng ta phải thực hiện các bước cần thiết để biến thỏa thuận này thành hành động hữu hình", ông nhấn mạnh.

Theo Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide, đây là lần đầu tiên thế giới đoàn kết xung quanh một văn bản rõ ràng về sự cần thiết phải chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch.

Hơn 100 quốc gia đã vận động tích cực để có ngôn ngữ mạnh mẽ trong thỏa thuận tại COP28 nhằm từ bỏ dần việc sử dụng dầu, khí đốt và than đá.

Các nước trên vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ nhóm sản xuất dầu OPEC do Ả Rập Xê Út dẫn đầu, vốn cho rằng thế giới có thể cắt giảm lượng khí thải mà không loại bỏ các loại nhiên liệu cụ thể.

Trong khi đó, các quốc đảo nhỏ dễ bị ảnh hưởng bởi khí hậu đã ủng hộ mạnh mẽ việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch và nhận được sự ủng hộ của các nhà sản xuất dầu khí lớn như Mỹ, Canada và Na Uy, cùng với Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nước khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.