Anh hùng sử Việt vào game gây tranh cãi

10/08/2019 08:34 GMT+7

'Chưa bao giờ thấy Nguyễn Du, Nguyễn Huệ nhưng chắc chắn các ông không nhuộm tóc', 'ông nào cũng 6 múi, áo hở ngực, mắt đỏ, tóc tím - xanh... buồn cười quá', 'tiếng là game hướng đến mục đích lan truyền cảm hứng lịch sử cho người trẻ Việt mà như vậy kỳ quá'...

Đó là những chỉ trích hướng về Sử Hộ Vương - game lấy cảm hứng từ lịch sử, huyền sử VN, đặc biệt khi nhóm sáng tạo - thực hiện mang dự án này đến chương trình Thương vụ bạc tỉ - Shark Tank (phát sóng trên VTV3 hôm 31.7).

Thẻ tướng Lê Lai có kỹ năng “liều mình cứu chúa”

Sử Hộ Vương là dự án game sưu tập thẻ bài (Collectible Card Game), với cốt truyện được lấy cảm hứng từ những thần tích, truyền thuyết, giai thoại hào hùng của hơn 4.000 năm lịch sử VN, được ấp ủ và khởi sự từ năm 2017 bởi Công ty Gamize. Game lấy bối cảnh thời hiện đại, đưa người chơi hóa thân thành một “Sử Hộ Vương” có khả năng triệu hồi các anh hùng, hoặc có thể là những vị thần, những tổ nghề được suy tôn, những người lính, người dân vô danh hay cả ma quỷ dân gian… để tạo thành lực lượng bảo vệ vùng đất quê hương của chính họ.
Về cơ bản, kết cấu gameplay và cốt truyện của Sử Hộ Vương không quá xa lạ đối với game thủ. Trước đó, nhiều thế hệ người trẻ Việt đã từng gắn bó với một trò chơi tương tự là Yugi Oh (Nhật Bản) hoặc Magic: The Gathering (Mỹ). Gần đây, thể loại Collectible Card Game đạt nhiều thành công khi có sự giao thoa, kết hợp với công thức làm game Gacha, tạo ra nhiều sản phẩm game di động ăn khách - đặc biệt là ở những thị trường như Trung, Nhật, Hàn.
Điểm đặc biệt của trò chơi nằm ở bối cảnh, nhân vật và khả năng vận dụng huyền sử/thần thoại Việt vào cấu trúc gameplay. Đây cũng là điểm mà Sử Hộ Vương nhận được đánh giá tích cực. Chẳng hạn, thẻ tướng Lê Lai có kỹ năng “Liều mình cứu chúa”, cho phép người chơi hy sinh tấm thẻ để đổi lấy một lần hồi sinh (dựa trên giai thoại nổi tiếng Lê Lai cứu chúa trong lịch sử). Hay thẻ nhân vật Hồ Xuân Hương với kỹ năng “Ý thơ táo bạo” mang lại lợi thế về thẻ chức năng; hoặc thẻ Nguyễn Ánh với tuyệt kỹ “Xây thành Gia Định” giúp người chơi rút thêm hai lá bài…
Với tâm thế sản phẩm Boardgame đầu tiên lấy cảm hứng từ những chất liệu Việt, Sử Hộ Vương kêu gọi vốn từ cộng đồng vào đầu năm 2019 và đạt gần 300 triệu đồng. Sau cú hích này, trò chơi ra mắt vào dịp Quốc tế thiếu nhi năm 2019 và “cháy hàng” sau vài ngày lên kệ.

“Truyền cảm hứng” hay “làm méo mó” lịch sử ?

Sẽ chỉnh sửa tạo hình nhân vật chưa phù hợp

 
Chia sẻ với Thanh Niên, Phạm Vĩnh Lộc - đại diện Gamize, cho biết đội ngũ đã tiếp thu ý kiến đóng góp từ nhiều phía, để đi đến quyết định chỉnh sửa một số tạo hình nhân vật. “Đối với những tạo hình chưa phù hợp, cụ thể: các hộ thần Hồ Xuân Hương, Lê Lợi, Lê Lai, Mẫu Thượng Thiên, Nguyễn Huệ, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, sẽ ngừng sản xuất đến khi tạo hình mới được ra mắt. Khách hàng có thể liên hệ đổi thẻ cũ khi thẻ mới được phát hành”.

Tại Shark Tank, các nhà đầu tư lo ngại về tác động của trò chơi với game thủ trẻ tuổi, vì đối tượng Sử Hộ Vương hướng đến lứa tuổi từ 15 - 24, trong khi tạo hình nhiều nhân vật lịch sử, thi sĩ bị ảnh hưởng từ các phong cách vẽ của Nhật, Trung: ăn mặc “cool”, “ngầu”, tóc tai ánh kim, xanh tím…; có nhân vật còn hở hang (như nhân vật Hồ Xuân Hương). Chưa kể, trò chơi mô tả thao tác chiến đấu giữa các nhân vật, có thể gây ra cách hiểu sai cho người chơi về các giai thoại, chân dung… của nguyên tác huyền sử/thần thoại. Đây là điểm khiến game bị công kích nhiều nhất.
Dù nhóm thực hiện Sử Hộ Vương cho biết các nhân vật trong game đều là hư cấu, chỉ mượn danh tính, xuất thân các vị anh hùng, thi nhân, nhưng theo Shark Liên: “Các bạn đưa tên nhân vật lịch sử và áp lên hình ảnh lai căng như vậy thì hoàn toàn không ổn về mặt văn hóa. Mình phải tự hào mình là người Việt đã, sau đó kinh doanh sẽ tính sau. Nhân vật của các bạn đang bị méo mó. Lấy nhân vật lịch sử thì phải tôn trọng cái gốc lịch sử. Không thể phá cách, vẽ cái gì lên cũng được”.
Thực tế, Sử Hộ Vương đã là đề tài tranh luận khá rôm rả trước khi Shark Tank phát sóng. Tuy nhiên, chính độ lan tỏa của Shark Tank, cũng như bài thuyết trình chưa thật sự thuyết phục của đội ngũ Gamize khiến cho Sử Hộ Vương gặp phải làn sóng chỉ trích càng dữ dội hơn trên mạng xã hội. Lâu nay, những sản phẩm giải trí, nghệ thuật liên quan đến lịch sử, cổ phục... từ phim ảnh đến truyện, tiểu thuyết... luôn là đề tài được quan tâm lẫn “soi, xét”. Sự phản ứng đối với Sử Hộ Vương - trò chơi với mục đích truyền cảm hứng để người trẻ đến gần hơn với lịch sử Việt vừa là một liều thuốc thử để thấy rằng thị trường đã có sự quan tâm thực sự với các sản phẩm văn hóa dựa trên huyền sử/lịch sử VN (nhất là những dự án do người trẻ thực hiện), vừa chứng minh: dù định hướng có đáng trân trọng đến mấy nhưng cách thể hiện - phá cách thiếu cẩn trọng sẽ dễ thành... phá nát.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.