Game of Thrones mùa cuối: Chúng ta như Arya Stark giữa chiến địa hoang tàn

17/05/2019 10:00 GMT+7

Chúng ta là tôi và các bạn, những người bị cuốn vào cuộc phiêu lưu không tiền khoáng hậu trong thế giới truyền hình bắt đầu từ ngày 17.4.2011.

Đó là ngày chúng ta thấy tài tử Sean Bean ngồi trên ngai sắt, chống kiếm và cúi đầu ủ rũ trên poster một series mới của HBO. Đó là ngày mà chúng ta không thể nào hình dung được cái mớ rối rắm của các cuộc tranh bá đồ vương trên cái nền tăm tối đẫm máu của lọc lừa và phản trắc lại có sức thu hút mãnh liệt đến vậy trong suốt 8 năm ròng rã.
(Nếu các bạn không muốn biết trước nội dung của Game of Thrones, vui lòng rời khỏi trang này hoặc bấm vào những bài báo hấp dẫn khác của Thanh Niên Online).
Để rồi giờ đây, khi chỉ còn một tập cuối cùng trong thiên trường ca của băng và lửa, các khán giả trung thành của Game of Thrones (GOT) - đã già đi theo năm tháng - bỗng thấy mình như Arya Stark (Maisie Williams thủ vai) với đôi mắt mở to kinh hoàng giữa chồng chất thây người bị nướng thành than, giữa các ngôi nhà đang lần lượt đổ sập sau khi bị lửa rồng thiêu đốt, giữa King’s Landing sầm uất nay đã trở thành chiến địa hoang tàn. Đúng là Arya với nickname đệ nhất sát thủ 7 vương quốc, “con nhóc máu lạnh” theo nhận xét của một gã cũng máu lạnh không kém là Sandor “The Hound” Clegane (Rory McCann). Chính là Arya trẻ trung kiên định, mà những mối huyết hải thâm thù đã nuôi dưỡng cô trở thành một cỗ máy giết người hoàn hảo. Là Arya với mục tiêu duy nhất của cuộc đời là đuổi cùng diệt tận những cái tên trong danh sách đen của mình.
Arya với đôi mắt mở to kinh hoàng trong khoảnh khắc đó đã quên mất Cersei Lannister (Lena Headey) và chiếc thập giá khắc tên kẻ thù đè nặng suốt thời niên thiếu lưu lạc của cô, khi chứng kiến đàn bà, trẻ con lần lượt ngã xuống dưới lửa rồng hay lưỡi đao của kỵ binh Dothraki. Arya can trường, người hạ gục trùm cuối trong trận đánh giữa Sự Sống và Cái Chết, đã run rẩy khi đối mặt với cuộc chiến tranh tàn khốc giữa người và người. Arya, một thành viên quan trọng của đội quân thắng trận, đã rơi vào nỗi hoang mang tột cùng khi trận quyết chiến kết thúc chỉ sau 35 phút tính theo thời gian trong phim.
Và cũng như Arya, chúng ta - những khán giả trung thành của GOT - cũng rơi tõm vào nỗi hoang mang tột cùng khi tập 5 phần cuối GOT kết thúc. An toàn trước màn hình tivi, chắc chắn chúng ta không phải run rẩy như Arya nhưng không ít người đã phải thốt lên: Cái quái gì vừa xảy ra vậy?
Điều gì đã làm cho các nhân vật vốn sắc sảo thông minh tuyệt đỉnh trở nên ù lì mờ nhạt như vậy?
Có cái gì phi logic trong màn trình diễn tệ hại của lực lượng phòng vệ King’s Landing?
Có cái gì phi nhân tính khi mẹ rồng Daenerys Targaryen (Emilia Clarke) hủy diệt King’s Landing bất chấp những tiếng chuông tuyệt vọng đã vang lên và quân đội đối phương ném kiếm quy hàng?
Tóm lại, cái quái gì đang xảy ra trong mùa cuối khiến điểm số các tập cứ giảm dần đều trên các chuyên trang về điện ảnh như thế?
Câu trả lời là, hầu như chẳng có cái quái gì xảy ra hết!
Jon Snow (Kit Harington) lừng danh vẫn còn đó, anh lùn nổi tiếng nhất thế giới Tyrion Lannister (Peter Dinklage) vẫn còn đó nhưng đã bị mẹ rồng, không phải, bị các biên kịch David Benioff, D.B.Weiss cho ra rìa. Jon hầu như trở thành một người câm, chỉ biết lặp đi lặp lại mỗi câu “ta đã quy phục nữ hoàng”, còn những lời khuyên - đã bớt nhiều sự thông thái - của anh lùn thì mẹ rồng bỏ ngoài tai. Hậu quả là Jon trở nên vật vờ nhòa nhạt, còn anh lùn thì nốc rượu nhiều hơn và trầm tư hơn. Trùm mật vụ Varys (Conleth Hill) le lói tỏa sáng bằng một cuộc đảo chính lập tức bị hành quyết không qua xét xử. Dạ Đế thì bỏ mạng sớm 3 tập so với dự đoán khiến khán giả chưng hửng và làm cho nhiều cao thủ võ lâm sống bằng nghề giết xác sống phải quy ẩn giang hồ… Tóm lại, so với những gì đã làm nên danh tiếng cho GOT trước đó, thì phần cuối như là một sự cố gắng kéo dài series ăn khách này một cách khiên cưỡng hơn là đem lại cho khán giả một giới hạn mới của trí tưởng tượng và sự điên rồ. Ngoại trừ hai trận chiến thiếu thuyết phục và cơn say máu của vai nữ chính, thật khó tìm thêm một điểm nhấn - dù chỉ một câu thoại - để chúng ta có thể kể với nhau về 5 tập phim này.
Game of Thrones mùa cuối: Chúng ta như Arya Stark giữa chiến địa hoang tàn
Mẹ rồng Daenerys Targaryen, từ anh hùng nhân dân trở thành bạo chúa Ảnh: HBO

Những trận đánh đại khái

Trong khi những toan tính chính trị, các mưu đồ bá chủ tỏ ra rất thực và đầy tính thời sự thông qua những câu thoại hiện đại, thì những trận chiến trong GOT từ trước đến nay lại đầy tính ước lệ. Nhà sản xuất đã không tiếc tiền cho kỹ xảo hoành tráng và đạo diễn cũng không nề hà công sức dàn dựng đại cảnh, nhưng lại có những khoảng trống trong kịch bản làm cho các trận đánh dù có thừa sự dữ dội nhưng lại thiếu chân thật. Điều này một lần nữa thể hiện rất rõ trong các cuộc giao tranh của mùa cuối.
Chẳng hạn như, lúc khởi đầu trận đại chiến giữa đoàn quân xác sống và liên minh phương Bắc, khán giả đã rất hoang mang không biết ai là người đóng vai trò tư lệnh chiến trường khi hai chỉ huy cao nhất là Daenerys, Jon đã lên rồng săn tìm Dạ Đế. Kỵ binh Dothraki, với sự “xúi giục” của phù thủy Đỏ Melisandre (Carice van Houten) bằng việc thắp lên một màn lửa trại lung linh (dù bà này biết thừa chỉ Arya mới là người thay đổi cục diện trận đánh), đã quyết định từ bỏ chiến thuật tạt sườn kinh điển để lao lên đâm sầm vào đối phương và mau chóng trở thành xác sống. Cuối cùng, mặc dù “quạ ba mắt” Bran Stark (Isaac Hemstead Wright) đoan chắc Dạ Đế sẽ đến tìm cậu ta nhưng các nhà biên kịch chỉ bố trí một nhúm lính bảo vệ (thay vì chọn những hiệp sĩ giỏi nhất cùng một đội quân đông đảo hơn), một cách tạo điều kiện thô thiển cho Theon Greyjoy (Alfie Allen) chết oai hùng và Arya hoàn tất định mệnh của mình.
Thôi thì, một cách ước lệ, chúng ta đồng ý rằng Dạ Đế và đoàn quân xác sống của hắn không nên là bên thắng cuộc. Chúng ta cũng gật đầu cho qua khi mẹ rồng quyết định dẫn đoàn quân dặt dẹo còn lại cùng hai con rồng thương tật lên đường công phá vương đô (thay vì cần thời gian dưỡng quân) vì đã quá hiểu tính tình nóng nảy của cô ta. Chúng ta cũng không thể tranh cãi khi mẹ rồng quyết định hành quân bằng đường biển bất chấp thông tin tình báo về hạm đội Đảo Sắt đang chực chờ đâu đó. Rồi chúng ta cùng choáng váng như bị thần sấm Thor nện một búa vào đầu khi Euron Greyjoy bất thình lình xuất hiện trên một khinh hạm có trang bị nỏ sắt tối tân, trong chớp mắt bắn hạ một con rồng và đánh tan hạm đội của đối phương. Phi đội cường kích siêu hạng, nỗi kinh hoàng trên chiến trường, ưu thế tuyệt đối về phương tiện chiến tranh của nữ hoàng Daenerys trong phút chốc trở thành trò tiêu khiển của gã cướp biển.
Mẹ rồng còn lại gì trong chiến dịch tái chiếm ngai sắt, khi đối đầu với một hạm đội thiện chiến, hai sư đoàn bộ binh, một ngôi thành vững chãi cùng vô số nỏ sắt? Liệu sẽ có sự chi viện bất ngờ nào đó, chẳng hạn như bà chị của người hùng Theon - Yara Grejoy (cô ấy đâu rồi nhỉ?) sẽ dẫn đầu một nhóm đặc nhiệm hải quân đột kích phá hủy giàn nỏ sắt đất đối không kinh khủng kia, tạo điều kiện cho không quân đánh phá?
Ồ không, mẹ rồng không cần cái logic chiến tranh hiện đại kiểu đó. Drogon, con rồng duy nhất còn lại trong một ngày phong độ chói sáng đã hoàn thành công việc của cả một sư đoàn không quân tinh nhuệ. Các xạ thủ của Euron bỗng nhiên chểnh mảng một cách khó hiểu khi Daenerys ngùn ngụt lửa thù lái rồng bổ nhào vào giữa hạm đội và biến tất cả thành tro. Đội phòng vệ trên các tháp canh của tòa thành King’s Landing với nỏ sắt lắp đầy tên cũng chẳng hề phát hiện ra con vật khổng lồ lơ lửng trên đầu mình, ngay sau lưng cho đến khi tường thành đổ sập. Cuộc tái chiếm vương đô của hậu duệ nhà Targaryen coi như đã kết thúc từ giây phút đó.
Vâng, một cách ước lệ, chúng ta hiểu rằng hạm đội của Euron và hai sư đoàn Golden Company đã bị tấn công bất ngờ như sét đánh, rằng kỹ năng tác chiến của mẹ rồng và con thú cưng đã tiến triển thần tốc đến mức xuất thần nhập hóa chỉ sau vài ngày. Vâng, như những câu chuyện của Disney, kẻ ác tất yếu phải xuống địa ngục nên đừng phí lời bàn về logic của trận đánh nữa.
Nhưng mà… đây đâu phải câu chuyện của Disney, và ai mới thật sự là kẻ ác?

Anh hùng, nhà cách mạng và tội phạm chiến tranh

Cuộc đời của Daenerys Targaryen đã được các nhà biên kịch GOT cẩn thận sắp xếp để từng bước trở thành một lãnh tụ cách mạng. Sinh ra trong một cơn bão biển, vừa lọt lòng đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Tuổi thơ lưu lạc cùng người anh trai tàn nhẫn Viserys, cuối cùng trở thành món hàng bán cho vị vua hoang dã Drogo đổi lấy 40.000 kỵ binh Dothraki, công chúa Daenerys cành vàng lá ngọc tưởng như sẽ trở thành một phiên bản “Chiêu Quân cống Hồ” với kết cục bi ai… Tuy nhiên, đâu có thứ gì đơn giản trong GOT, cô gái ngoan hiền đã dần thích nghi và thay đổi luật chơi, từng bước kiểm soát Drogo, cuối cùng chinh phục toàn bộ các chiến binh du mục bằng một màn “debut” rực sáng theo đúng nghĩa đen: bước ra khỏi lửa cùng 3 con rồng sơ sinh mà không hề hấn gì.
Không phải định mệnh đã lựa chọn, mà những phẩm chất tiềm tàng của một nhà cách mạng đã quyết định số phận của Daenerys. Huyền thoại không xuất hiện ngẫu nhiên, mà chính Daenerys đã tạo ra nó bằng các hành động quyết liệt nhất quán với tính cách của cô. Như một người anh hùng của nhân dân, Daenerys không do dự bước vào lửa, dấn thân vào cuộc đấu tranh giải phóng nô lệ, tuyên chiến với áp bức bất công, giải phóng nữ quyền… Và cũng như các lãnh tụ khác, để lãnh đạo cuộc cách mạng thành công Daenerys không thể có những hành động nửa vời. Chính vì vậy, cùng với lý tưởng đẹp đẽ của mình, cô đồng thời sở hữu tính khí nóng nảy, sự chuyên chế, cực đoan và tuyệt đối không thỏa hiệp. Cô là một nhà cách mạng điển hình, nhưng chưa bao giờ là chính trị gia xuất sắc.
Cũng như toàn thể nô lệ trong 7 vương quốc, đại đa số khán giả của GOT đã sát cánh cùng mẹ rồng Daenerys trong cuộc chiến vì nhân quyền, cho đến khi cảm thấy có chút lấn cấn vì những hành động bạo lực cách mạng dường như hơi quá mức cần thiết của cô. Nếu như Jon Snow - cũng là một người mang dòng máu Targaryen - thu phục nhân tâm bằng sự khoan dung, thì mẹ rồng dần thống trị thế giới bằng nỗi sợ hãi. Nếu như Jon được mọi người yêu quý, gần gũi thì mẹ rồng ngày càng thu mình vào nỗi cô đơn với một vài cận thần tâm phúc. Jon và Daenerys chính là hai mặt đối lập nhau trong truyền thuyết “khi mỗi đứa trẻ người nhà Targaryen sinh ra, thần linh sẽ tung một đồng xu”.
Điều gì sẽ xảy ra khi một người nhà Targaryen đơn độc trên cõi đời này? Điều gì sẽ xảy ra khi con rồng trong Daenerys được đánh thức, sau cái chết thảm khốc của Missandei? Các nhà làm phim đã có câu trả lời cho khán giả trong tập áp chót, đó là nỗi kinh hoàng. Thực thi công lý theo cách của vua cha - bằng lửa, trong cơn điên loạn Daenerys Targaryen đã chính thức trở thành tội phạm chiến tranh, một bạo chúa.
Tóm lại, cuộc đời của Daenerys ra nông nổi này bởi bàn tay nhào nặn của các biên kịch, có lẽ để cứu vãn cho phần kết có thể vô cùng nhạt nhẽo của GOT. Tuy nhiên, cho đến lúc này thì cơn điên của mẹ rồng có vẻ như chưa đem lại thành công với số điểm thảm hại của tập 5 trên các trang mạng điện ảnh. Dù thế nào thì nhân danh Hội những người phát cuồng vì GOT, chúng ta cũng vô cùng mong mỏi tập 6 sẽ cứu vãn cả phần cuối bộ trường thiên truyền hình này. Để chúng ta không còn ngơ ngác như Arya giữa chiến địa hoang tàn, trợn mắt nhìn nhau và hỏi rằng cái quái gì đã xảy ra.
Vấn đề là, khi mọi con bài đã được lật, liệu còn điều gì chúng ta có thể mong chờ trong tập cuối cùng?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.