Gam màu và nốt nhạc

20/10/2021 19:51 GMT+7

Lúc cao điểm, nhiều địa phương trong cả nước thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid -19.

Trên báo đài, những bản tin sáng, trưa, chiều, tối dành phần lớn thời lượng phản ánh các hoạt động phòng chống dịch. Bên cạnh những con số thống kê khô khan về các ca nhiễm mới, những địa phương, khu phố bị phong tỏa, các thông báo khẩn tìm người có liên quan với các điểm có nguy cơ Covid-19… còn có không ít phận đời chông chênh trong đại dịch và tấm lòng thơm thảo, lá lành đùm lá rách, thấm đậm tình nghĩa đồng bào giúp nhau trong khó khăn, dịch bệnh.

Họa sĩ Đặng Can không ngừng sáng tác trong mùa dịch

Thích nghi với hoàn cảnh

Những ngày đó, khuôn viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long, một địa phương miền Tây sông nước, cũng thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 để chung tay phòng chống dịch cùng với cả nước, vắng hoe.

Góc sân quen thuộc có đặt mấy chiếc ghế đá là nơi mỗi sáng anh em họa sĩ, nhạc sĩ, nhiếp ảnh, nhà thơ… thường túm tụm nhau bàn tán chuyện đời, chuyện nghề, vắng lặng như tờ. Quán cà phê cạnh đó cũng cửa đóng, then cài.

Cánh cửa trụ sở cơ quan Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long chỉ chừa đủ rộng cho một xe máy đi vào như nhắc nhở mọi người thực hiện khẩu hiệu 5K. Khi đó, anh em họa sĩ chúng tôi cũng đã nhận được thông báo “khẩn” của Hội Mỹ thuật Việt Nam về triển lãm Mỹ thuật khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 26 do tỉnh Cà Mau đăng cai tổ chức, dự kiến khai mạc vào tháng 8.2021, sẽ dừng lại, không tổ chức khai mạc, không triển lãm tranh.

Theo đó, Hội đồng nghệ thuật sẽ làm việc tại TP.HCM và chấm giải các bức tranh qua ảnh chụp! Thế là chúng tôi nói đùa với nhau: “Cô Vy này quá nhanh, quá nguy hiểm! Năm ngoái cũng vì Cô Vy mà họa sĩ chúng tôi không thể gặp nhau tại tỉnh Đồng Tháp, giờ đành lỗi hẹn với tỉnh Cà Mau”.

Thế là vì “Cô Vy”, chúng tôi cũng phải thích nghi với hoàn cảnh. Không gặp mặt thì chúng tôi lại gặp nhau trên cái gọi là “không gian mạng” bằng điện thoại, email, Facebook, Zalo, Messenger…

Tác phẩm Trăng quê của họa sĩ Đặng Can

Niềm tin chiến thắng dịch bệnh

Người bạn đầu tiên tôi muốn nhắc đến trong thời gian giãn cách, đó là họa sĩ Đặng Can. Anh là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, năm nay 65 tuổi, nhà ở TP.Vĩnh Long. Anh là một họa sĩ khá nổi tiếng trong việc sử dụng gam màu huyền diệu, lung linh vẽ những đề tài gần gũi với cuộc sống như phiên chợ quê, làng chài, thu hoạch lúa, làm muối, làm vườn, chân dung thiếu nữ…

Trong tình hình dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến thu nhập vì khách mua tranh chẳng còn nhiều, mà thời gian trước đó họa sĩ Đặng Can sống được và sống khỏe là nhờ vào bán tranh, những tưởng anh sẽ chùn tay cọ. Nhưng không, anh vẫn miệt mài sáng tác. Anh có 2 tác phẩm vẽ bằng chất liệu acrylic tham dự triển lãm Mỹ thuật khu vực đồng bằng sông Cửu Long và thỉnh thoảng khoe nhiều tác phẩm rất đẹp lên “phây”.

Qua điện thoại, giọng họa sĩ Đặng Can đầy tự tin: “Vẽ để đó, chờ qua dịch bán mấy hồi!”. Và như để chứng minh sự lạc quan của mình trong căn phòng vẽ yên tĩnh ở vùng ngoại ô, anh liền cất giọng hát hao hao giống nghệ sĩ Út Trà Ôn vai Ông Cò Quận 9 trong vở cải lương Tuyệt tình ca của soạn giả Hoa Phượng - Ngọc Điệp: “… Mỗi lần thấy bông ô môi mới điểm hồng trong gió chướng/Mỗi lần nghe tiếng quết bánh phồng rộn rã đón xuân sang/Mỗi lần có dịp về Vĩnh Long, đi ngang Tân Ngãi thấy nhà chợ Trường An/Là mỗi lần tôi nhớ đến mùa xuân của đầu năm binh lửa/Nhớ tới dáng người vợ trẻ chèo xuồng qua sông Mỹ Thuận để đưa tôi rời khỏi Long Hồ…”.

Trước khó khăn vì ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều họa sĩ khác cũng không buông bỏ sắc màu, một mặt chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch, đồng thời chọn đề tài phòng chống dịch đưa vào tác phẩm hội họa như các họa sĩ Tín Đức, Lê Quang, Đình Vĩnh, Thu Hương…

Bài nhạc Rồi ngày nắng sẽ về của nhạc sĩ Hoàng Lộc phổ thơ Trần Thắng

TRẦN THẮNG

Trên lĩnh vực âm nhạc, năm 2020 khi dịch bệnh mới bùng phát, nhạc sĩ Lê Hoàng Nam, Phó giám đốc Trung tâm văn hóa - nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long, đã cho ra đời ca khúc Việt Nam nối vòng tay thắng đại dịch. Còn trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4 này, anh tiếp tục cho ra đời sáng tác mới Màu áo trắng em yêu, cùng lời tâm sự trên Facebook: “Ca khúc này tôi viết tặng các “Thiên thần blouse trắng” trên cả nước đang ở tuyến đầu chống dịch”.

Vì dịch bệnh, Trung tâm văn hóa - nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long, nơi nhạc sĩ Lê Hoàng Nam công tác, cũng đã “chuyển trạng thái” phục vụ từ lâu bằng cách tổ chức hình thức biểu diễn livestream để đưa các chương trình ca nhạc đến với công chúng.

Trong đó, giới thiệu các ca khúc đạt giải trong cuộc thi sáng tác ca khúc “Vĩnh Long - Tình đất, Tình người”, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, chương trình văn nghệ mừng Chol Chnam Thmay - tết cổ truyền của đồng bào Khmer… Đến nay, trung tâm đã thực hiện 12 số, đưa lên YouTube với hàng chục ngàn lượt người theo dõi, hàng ngàn lượt chia sẻ và lời bình luận tích cực.

Khi 19 tỉnh, thành phố phía nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nghe những bản tin về Sài Gòn - nơi một thời tôi đã sống, học tập và công tác, nhìn khung cảnh TP.Vĩnh Long quê tôi với những con đường mà người và xe tấp nập ngày nào giờ vắng hoe, chỉ vài bóng người di chuyển vội vàng cùng tiếng còi xe cấp cứu réo vang…, đã mang vào lòng tôi chút xốn xang cùng nỗi buồn man mác. Và thế là tôi ngồi vào bàn, cầm bút viết: “Sài Gòn ơi! Có phải Sài Gòn “không khỏe”/Thành phố quê tôi cũng giãn cách rồi/Cơn đại dịch ngỡ chừng chấm hết/Lại bùng lên làm chao đảo những mảnh đời/Chị vé số bần thần trong gác trọ/Anh xe ôm ngao ngán đếm mưa rơi/Trận bóng Euro mà im lìm khu phố/Chẳng còn nghe vang vọng tiếng “vào, vô”...”.

Phần cuối bài thơ, tôi dành trọn niềm tin vào một ngày chiến thắng đại dịch - một ngày không xa, chúng ta lại gặp lại nhau nơi góc phố thân quen, không còn khẩu trang, không còn khoảng cách: “Sài Gòn ơi! Sài Gòn “sẽ khỏe”/Thành phố quê tôi cũng qua “nóng sốt” thôi/Ta lại gặp nhau bên chung trà, ly rượu/Tụi nhỏ hẹn hò, người lớn kết chuyện sui/Góc phố lại râm ran cà phê, cờ tướng/Bọn trẻ reo vui khi trái bóng lăn rồi!”.

Khi bài thơ được tôi đưa lên Facebook, lập tức nhạc sĩ Hoàng Lộc, nhà ở cách đó vài cây số, liền nhắn tin, xin phép được phổ nhạc bài thơ, và chỉ trong vòng một đêm bài nhạc phổ thơ ra đời. Với ước nguyện đồng lòng chống dịch, chúng tôi thống nhất đặt tên bài hát có tựa đề là Rồi ngày nắng sẽ về.

Vâng, rồi nắng sẽ về, rồi Sài Gòn sẽ hết dịch, Vĩnh Long sẽ hết dịch và cả đất nước Việt Nam chúng ta chiến thắng đại dịch. Những gam màu sẽ hiện lên trong tranh thật tươi tắn, những nốt nhạc lại ngân vang những khúc hát xây đời!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.