G7 đối phó các mối đe dọa toàn cầu, cảnh báo Iran, Nga

Khánh An
Khánh An
13/12/2021 09:30 GMT+7

Hội nghị G7 tại Anh ra tuyên bố chung đề cập nhiều vấn đề như thỏa thuận hạt nhân Iran, tình hình Nga-Ukraine và hành vi của Trung Quốc .

Các quan chức chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị G7 ở Liverpool, Anh

afp

Hãng AFP ngày 13.12 đưa tin các nước G7 cho biết thời gian sắp hết đối với việc Iran quay lại thỏa thuận hạt nhân, đồng thời cảnh báo Nga về hậu quả lớn nếu xâm lấn Ukraine.

Ngoại trưởng các nước giàu nhất thế giới họp tại Liverpool (Anh) từ ngày 10-12.12 nhằm thể hiện mặt trận mạnh mẽ và thống nhất trước các mối đe dọa toàn cầu. Nhóm này gồm các nước Anh, Canada, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Ý.

Về Iran, Ngoại trưởng Anh Liz Truss, ngoại trưởng nước chủ tịch luân phiên của G7, cho rằng các cuộc đối thoại ở Vienna (Áo) là “cơ hội cuối cùng trên bàn đàm phán với một giải pháp nghiêm túc”.

“Vẫn còn thời gian cho Iran đến và đồng ý về thỏa thuận này”, bà phát biểu tại một cuộc họp báo. Tuyên bố chung sau hội nghị cho rằng Iran phải dừng leo thang hạt nhân và nắm bắt cơ hội đạt được thỏa thuận khi còn có thể.

Đàm phán được khởi động lại vào ngày 9.12 nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Iran khẳng định chỉ muốn phát triển năng lực dân sự nhưng phương Tây cho rằng nước này làm giàu uranium vượt mức cho nhu cầu đó, nên có thể sử dụng để phát triển vũ khí hạt nhân.

Anh sẽ trao chức chủ tịch luân phiên của G7 cho Đức vào năm tới. Hội nghị cũng tập trung thảo luận về chuyển động quân sự của Nga gần biên giới Ukraine, dẫn đến lo ngại Nga có thể xâm lấn nước láng giềng. Nga luôn bác bỏ các cáo buộc và lo ngại này.

Ngoại trưởng Truss cho hay “có một tiếng nói rất thống nhất rằng sẽ có hậu quả lớn đối với Nga nếu xâm lấn vào Ukraine”.

Trong thông cáo chung, các bộ trưởng thống nhất ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, đồng thời khen ngợi sự kiềm chế của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. G7 cho hay mọi lựa chọn, bao gồm các lệnh cấm vận quy mô lớn về chính trị và kinh tế, đang được cân nhắc nếu Nga phớt lờ giải pháp ngoại giao.

Từ Liverpool, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bay đến Đông Nam Á trong nỗ lực của Washington nhằm thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực. Năm chủ tịch luân phiên của Anh nổi bật với việc đối phó cáo buộc Bắc Kinh vi phạm nhân quyền trong nước, cũng như vấn đề Hồng Kông.

Bộ trưởng các nước ASEAN lần đầu tiên tham dự hội nghị G7 với lo ngại về an ninh ở Biển Đông. Ngoại trưởng Truss cho hay bà và các ngoại trưởng khác lo ngại về “chính sách cưỡng ép kinh tế” của Trung Quốc và cần có biện pháp đối phó.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.