G7 chơi 'canh bạc' lớn với Nga khi áp giá trần với dầu

18/09/2022 19:45 GMT+7

Với lạm phát tăng vọt và giá điện ở châu Âu phá vỡ mọi kỷ lục thì kế hoạch của G7 áp giá trần với dầu của Nga có vẻ như là “một canh bạc” lớn, có thể đẩy giá dầu thế giới lên một kỷ lục chưa từng có và khiến tình hình khủng hoảng năng lượng ở châu Âu càng thêm trầm trọng.

Ngày 2.9, Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã cùng nhất trí với kế hoạch áp giá trần đối với dầu của Nga, trong đó dầu thô bị áp giá trần từ ngày 5.12.2022, còn các sản phẩm dầu mỏ bị áp giá trần từ ngày 5.2.2023.

Theo kế hoạch, việc áp giá trần sẽ được triển khai cùng với các biện pháp liên quan trong gói trừng phạt thứ sáu của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga nhằm hạn chế nguồn tài chính của Moscow dùng cho cuộc xung đột với Ukraine. Các lệnh trừng phạt cũng bao gồm việc cấm các công ty EU cung cấp bảo hiểm vận chuyển, dịch vụ môi giới hoặc tài trợ cho xuất khẩu dầu từ Nga sang các nước thứ ba.

Cảng dầu thô Kozmino gần thành phố Nakhodka, Nga

Reuters

G7 kêu gọi các nước tham gia kế hoạch áp giá trần từ chối cung cấp dịch vụ bảo hiểm, tài chính, môi giới và định vị cho các lô dầu có giá vượt mức trần. Hiện các nước G7 và các quốc gia thành viên EU đang thảo luận chi tiết của kế hoạch này, trong đó G7 muốn đưa thêm nhiều quốc gia vào liên minh áp giá trần lên dầu Nga như Trung Quốc và Ấn Độ, nhất là trong bối cảnh hai nước này đang tích cực gom dầu giá rẻ của Nga.

Theo cơ chế này, dầu của Nga sẽ được mua với giá chiết khấu so với giá thị trường nhằm hạn chế lợi nhuận của Moscow. Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo cho biết Bộ này đang tìm cách thiết kế một cơ chế đơn giản để áp giá trần đối với xuất khẩu dầu của Nga. Cũng theo Bộ Tài chính Mỹ, biện pháp trừng phạt mới sẽ làm giảm mức giá bán dầu của Nga và có thể làm giảm xuất khẩu dầu của Nga từ 3 - 5 triệu thùng/ngày, từ đó sẽ dẫn đến một đợt tăng giá dầu mạnh trên thế giới.

Công ty J.P. Morgan Chase của Mỹ dự báo giá dầu thế giới có thể lên tới mức kỷ lục 380 USD/thùng.

Tại sao nhiều quan chức Mỹ thất vọng về lệnh cấm vận áp đặt lên Nga?

Các nhà phân tích quốc tế đánh giá, áp giá trần là một cách tiếp cận mới trong các biện pháp trừng phạt của EU bởi hầu hết các lệnh trừng phạt từ trước đến nay nhắm vào khối lượng xuất khẩu của Nga, trong khi kế hoạch này sẽ làm giảm giá dầu, từ đó tước đi nguồn thu thiết yếu cho nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, thay vì đặt ra một mức giá mới được công nhận trên toàn cầu đối với dầu của Nga, giá trần có thể tạo ra một hệ thống giá đa tầng.

Phản ứng của Nga

Ngay sau khi G7 thông báo về kế hoạch áp giá trần lên dầu của Nga, Điện Kremlin lập tức tuyên bố Nga sẽ không bán bất kỳ loại dầu nào cho các quốc gia tuân thủ giá trần này. Tập đoàn Gazprom của Nga cũng quyết định ngừng vô thời hạn việc cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream 1, làm dấy lên mối lo ngại mới về tình trạng thiếu hụt khí đốt và có thể buộc các quốc gia EU phải áp dụng phân bổ khí đốt theo hạn mức trong mùa đông tới.

Ngày 7.9, phát biểu tại một diễn đàn kinh tế ở thành phố Vladivostok của Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trích kế hoạch áp giá trần của G7 là “ngu ngốc” và sẽ dẫn đến giá dầu thế giới cao hơn, ảnh hưởng đến nền kinh tế châu Âu. Ông Putin cũng đe dọa cắt nguồn cung cấp năng lượng nếu G7 triển khai kế hoạch này; cảnh báo châu Âu sẽ bị “đóng băng” theo đúng nghĩa đen.

Ngày 9.9, Nga cảnh báo kế hoạch áp giá trần của phương Tây đối với dầu của Nga sẽ thất bại và chỉ đưa đến sự bất ổn cho Mỹ và các đồng minh.

EU từ bỏ kế hoạch áp trần giá khí đốt Nga

Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov khẳng định Moscow sẽ tăng cường xuất khẩu dầu khí sang châu Á; đồng thời nhận định khả năng châu Âu sẽ không thể từ bỏ hoàn toàn khí đốt của Nga vào năm 2027.

Ngày 16.9, phát biểu với báo giới sau hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Uzbekistan, Tổng thống Putin nêu rõ nếu muốn cung cấp thêm khí đốt, EU phải dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt ngăn chặn việc vận chuyển khí đốt qua đường ống Nord Stream 2.

Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (Mỹ) đánh giá Nga sẵn sàng chịu thiệt hại kinh tế để đổi lấy các mục tiêu chiến lược. Nga luôn cho rằng với sự giàu có về tài nguyên năng lượng và thực phẩm, họ luôn có ưu thế hơn so với các quốc gia khác trong việc vượt qua khủng hoảng.

Thách thức với kế hoạch áp giá trần

Theo các nhà phân tích, việc áp giá trần đối với dầu của Nga có rất nhiều thách thức và thậm chí theo một số chuyên gia đánh giá, tính khả thi và hiệu quả sẽ không như mong muốn. Cụ thể:

Một là phản ứng của Nga: Moscow đã đe dọa sẽ giữ lại dầu từ các quốc gia tham gia kế hoạch áp giá trần nói trên, tuy nhiên, nhiều người cho rằng, khả năng trữ dầu của Nga vẫn khá hạn chế nên việc ngừng sản xuất dầu ở khu vực Tây Serbia có thể khiến thiết bị đóng băng và ảnh hưởng không nhỏ tới cơ sở hạ tầng của Nga. Hiện, phương Tây khá tự phụ khi cho rằng Nga sẽ chấp nhận biện pháp áp giá trần này và không tính đến khả năng Tổng thống Valdimir Putin có thể đặt cược vào canh bạc cắt giảm dầu của Nga. Hậu quả của việc này sẽ khiến thị trường hoảng loạn và tạo ra cú sốc về giá vô cùng lớn, làm suy yếu quyết tâm của phương Tây, nhất là trong bối cảnh mùa đông giá lạnh đang cận kề.

EU muốn cắt doanh thu ngành điện để giải quyết khủng hoảng giá năng lượng tăng vọt vì xung đột Ukraine

Thứ hai, hiện nay Ấn Độ và Trung Quốc đang mua dầu thô của Nga với giá khá rẻ và với số lượng bao nhiêu tùy thích. Việc mua bán này vẫn hợp pháp nếu họ không giao dịch trực tiếp với các công ty hoặc cá nhân Nga bị trừng phạt. Chuyên gia John Kilduff thuộc Công ty Tư vấn Đầu tư Again Capital có trụ sở tại Mỹ cho rằng Trung Quốc, Ấn Độ và thậm chí cả Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tham gia kế hoạch của G7 và Nga sẽ tiếp tục xuất khẩu dầu sang các nước này, do đó, kế hoạch áp giá trần đối với dầu của Nga vô hình trung sẽ không đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Việc áp giá trần đối với dầu mỏ từ Nga có thể đẩy giá dầu thế giới lên một kỷ lục chưa từng có

Reuters

Thứ ba, điều gì sẽ xảy ra nếu có nhiều mức giá trên thị trường? Kể từ tháng 2.2022 đến nay và nhất là sau khi phương Tây ngừng mua dầu, Nga vẫn không thiếu khách hàng. Chẳng hạn, các công ty lọc dầu ở Trung Đông đã mua dầu thô của Nga, tinh chế và xuất khẩu sản phẩm. Trong bối cảnh hiện nay, khi nhu cầu đối với dầu giá rẻ của Nga vượt quá cả nguồn cung của Moscow thì việc áp giá trần có thể tạo ra nhiều mức giá khác nhau và sự chênh lệch giá sẽ tạo ra cơ hội hưởng chênh lệch giá rất lớn cho các nhà giao dịch.

Thứ tư, việc giám sát và thực thi giá trần sẽ phải đối mặt với khá nhiều thách thức. Nhằm tránh lệnh trừng phạt của phương Tây, các bên tham gia mua dầu của Nga sẽ tìm cách lách luật như buôn bán dầu bất hợp pháp, pha trộn dầu; trong khi đó, một số bên mua có thể tìm kiếm các ngân hàng phù hợp để ngụy trang chứng từ đáp ứng quy định về giá trần.

Hơn nữa, thực tế chứng minh bất cứ khi nào các quốc gia nằm trong danh sách trừng phạt gặp khó khăn trong việc bán tài nguyên, họ sẵn sàng lách luật. Điều quan trọng trong việc thực thi hiệu quả giá trần là phải có sự hỗ trợ của các nền kinh tế lớn ngoài G7, trong đó quan trọng nhất là Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, cả hai nước không có ý định hợp tác bởi họ sẽ không được lợi lộc gì, thậm chí tình huống này còn có thể giúp họ đàm phán mua được dầu với giá thấp hơn nữa từ Nga.

Thứ năm, có vẻ như trách nhiệm đảm bảo giá trần không bị vi phạm được đặt lên vai các công ty bảo hiểm và ngân hàng cung cấp tài chính của các quốc gia tham gia kế hoạch này. Họ sẽ xác định giá mua và từ chối dịch vụ nếu vượt quá giá trần, nếu không, nguy cơ chịu phạt sẽ rất cao. Tuy nhiên, có một điều mà G7 dường như chưa tính đến là, thời gian qua Nga đã tích cực tạo ra các tổ chức bảo hiểm của riêng mình để chuẩn bị cho những kịch bản như thế này.

Thứ sáu, không giống như khí đốt tự nhiên mà Nga chủ yếu cung cấp thông qua các đường ống cố định, dầu có thể dễ dàng được chuyển hướng đến các khách hàng mới. Từ tháng 2.2022 đến nay, các điểm đến của dầu của Nga đã thay đổi đáng kể và gần như chắc chắn họ sẽ tìm thấy những bên mua sẵn sàng trả giá theo giá thị trường ngay cả khi giá trần được áp đặt.

Thứ bảy, sự chia rẽ trong chính nội bộ EU đối với kế hoạch áp giá trần với dầu của Nga. Hungary cho rằng việc áp giá trần sẽ khiến Moscow ngừng cung cấp khí đốt sang châu Âu ngay lập tức và nó ảnh hưởng xấu đến lợi ích của Hungary. Bộ trưởng Năng lượng Bỉ Tinne Van der Straeten cho rằng hiện có rất ít khí đốt của Nga đến châu Âu vì vậy giá trần khí đốt không ảnh hưởng gì đến Nga.

Đức cho rằng việc này có thể sẽ kích hoạt sự trả đũa Nga dưới hình thức cắt hoàn toàn khí đốt đối với EU. Đây là kịch bản đặc biệt đáng lo ngại do sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các nước Trung Âu như Cộng hòa Czech, Slovakia và Romania. Các nước này nhận khí đốt Nga qua đường ống xuyên Ukraine hoặc đường ống TurkStream.

Trong những tuần tới, G7 sẽ tiến hành họp để ấn định mức giá trần được áp cho dầu xuất khẩu của Nga và “xúc tiến các chế tài” cụ thể về cách thức triển khai thực hiện. Tuy nhiên, một khi được áp dụng, giá trần đối với dầu của Nga có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn và câu hỏi đặt ra là liệu có đáng để phương Tây đặt cược vào “canh bạc” này hay không?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.