Formosa phải chịu trách nhiệm tới cùng cho thảm họa cá chết!

01/07/2016 09:00 GMT+7

Ngay sau khi Chính phủ công bố nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt là do Formosa Hà Tĩnh xả thải, Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn nhanh ông Hà Sĩ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị.

Quảng Trị là một trong những địa phương ven biển miền Trung chịu thiệt hại nặng nề vì thảm họa môi trường này.
* Xin ông cho biết mức độ thiệt hại cụ thể hiện nay của Quảng Trị do cá chết hàng loạt?
- Hiện tượng cá chết đã ảnh hưởng đến rất nhiều mặt, trong đó nghiêm trọng nhất vẫn là việc đánh bắt, thu mua thủy hải sản bị ngưng trệ hoặc gặp rất nhiều khó khăn. Lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ du lịch giải trí cũng tổn thất nặng nề. Lượng khách du lịch quốc tế và nội địa đến Quảng Trị giảm chỉ còn 1/10 so với cùng kỳ năm 2015, công suất của các khu du lịch ven biển chỉ đạt khoảng 10 đên 15 %... Còn rất nhiều thiệt hại không tính được bằng tiền nhưng sơ bộ về kinh tế, Quảng Trị thiệt hại khoảng 2.135 tỉ đồng và số dân bị ảnh hưởng là hơn 13.000 hộ. Mặc dù, chính quyền đã ra nhiều quyết sách và kêu gọi để giúp đỡ cho người dân bị ảnh hưởng nhưng rõ ràng là khó đắp đổi các hỗ trợ này với thực tế.
Ông Hà Sĩ Đồng, chủ trì một cuộc họp bàn cách khắc phục hậu quả cá chết vào giữa tháng 6.2016

* Chính phủ đã công bố Formosa chính là thủ phạm gây ra thảm họa môi trường trên, ông có đề xuất gì với Chính phủ vào lúc này?
- Trước hết, tôi đề nghị Chính phủ xử lý nghiêm khắc đối với sai phạm của Formosa theo đúng pháp luật của Việt Nam và quốc tế. Tiếp đó, đề nghị Chính phủ làm rõ trách nhiệm của cơ quan cấp phép, giám sát trong quá trình Formosa vi phạm pháp luật để xảy ra thảm họa môi trường. Các cơ quan này phải chịu chung trách nhiệm với Formosa. Tiếp đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan điều tra khởi tố vụ án nếu nhận thấy vụ việc có dấu hiệu hình sự.
Theo tôi, sau khi công bố và có các số liệu chính xác làm bằng chứng về hành vi của Formosa thì Chính phủ và thậm chí chính quyền, nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng có quyền được đòi Formosa bồi thường thiệt hại.
* Ông có thể nói rõ thêm về việc bồi thường, theo đề xuất của ông?
- Formosa phải chịu trách nhiệm tới cùng cho thảm họa cá chết. Ở đây, tôi nghĩ nên nói đến về bồi thường trước mắt và lâu dài. Về trước mắt, các chính quyền địa phương sẽ có thống kê đầy đủ về các thiệt hại của ngư dân, tiểu thương trong quá trình sản xuất ngư nghiệp, kinh doanh để Formosa bồi thường bằng vật chất. Formosa cũng phải thanh toán các khoản chi phí vận chuyển, thu gom, tiêu hủy cá chết; các khoản chi cho công tác kiểm nghiệm chất lượng cá, quan trắc nước biển; các khoản chi về việc khám chữa bệnh cho người dân các vùng bị ảnh hưởng. Các khoản này khi chưa phát hiện ra thủ phạm thì chính quyền đang phải gánh.
Về lâu dài, tôi cho rằng Formosa phải bỏ tiền và tính các phương án khôi phục sinh thái biển cho các tỉnh miền Trung. Cụ thể là Formosa phải trả tiền cho việc bổ sung tái tạo nguồn lợi thủy sản gần bờ, thuê các chuyên gia đánh giá lại các ngư trường đánh bắt...
Theo ông Hà Sĩ Đồng, ngay vào lúc này, khi đã có kết quả về việc ai gây ra thảm họa, người dân cần bình tĩnh, chờ cách xử lý của T.Ư và các tỉnh

* Là người đứng đầu Ban chỉ đạo khắc phục sự cố cá chết bất thường tỉnh Quảng Trị, ông có thông điệp nào gửi đến người dân vào lúc này?
- Thực sự trong câu chuyện về thảm họa này, người dân là người thiệt thòi nhất, họ có bức xúc cũng là điều dễ hiểu. Nhưng ngay lúc này, tôi rất mong toàn thể nhân dân của tỉnh Quảng Trị và nhân dân các tỉnh miền trung bị thiệt hại do cá chết hãy bình tĩnh. Đằng nào sự việc cũng đã xảy ra rồi nên mọi người phải tin vào sự lãnh đạo của T.Ư và các tỉnh. Tôi tin, Chính phủ sẽ xử lý nghiêm khắc vụ việc và có hướng để khắc phục sự cố môi trường, trả lại màu xanh cho biển, trả lại đời sống mưu sinh bình yên cho ngư dân như trước đây.
Về phần tỉnh Quảng Trị, chúng tôi sẽ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ kịp thời cho những người dân bị ảnh hưởng, tiếp tục quan trắc nước biển, kiểm tra chất lượng hải sản và công bố liên tục để người dân, người tiêu dùng tin tưởng sử dụng lại hải sản, quay lại với biển.
Xin cảm ơn ông!
Bao giờ biển lại như xưa?
Đó là câu hỏi mà chúng tôi bắt gặp và cũng là niềm mỏi mong của nhiều ngư dân ở Thừa Thiên - Huế sau khi họ biết được thủ phạm hủy hoại môi trường biển.

Lộc Vĩnh là địa phương thứ hai sau thị trấn Lăng Cô (H.Phú Lộc) ở Thừa Thiên - Huế xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt. Toàn xã có gần 500 phương tiện đánh bắt hải sản bị ngưng trệ; có 1000 hộ dân với gần 5.000 người bị thiệt hại từ hiện tượng này Tình trạng cá chết, biển “độc” đã khiến nhiều hộ ngư dân bỏ nghề, tứ tán.

Bà Nguyễn Thị Ty vốn là chủ buôn cá, nay chuyển sang bán mắm dưa cà gom từng đồng tiền lẻ- Ảnh: ĐÌNH TOÀN

Trưởng thôn Bình An 2, xã Lộc Vĩnh Nguyễn Xuân Đàn bấm đốt ngón tay kể cả thôn có gần 100 tàu có gắn máy lẫn không gắn máy cùng với 42 hộ dân làm hậu cần nghề cá. Cả thôn điêu đứng vì cá chết, nên 20 người đàn ông tuổi trên dưới 40 là những trụ cột trong nhà phải rời quê, tìm đến các tỉnh, thành phố khác xin đi phụ đánh cá, làm thuê kiếm tiền gửi về nuôi vợ con. Hệ lụy biển ô nhiễm, cá chết không chỉ tác động đến những ngư phủ trụ cột gia đình ở làng chài ven biển ấy, mà ngay cả những người bán cá.

Khu chợ cá Lộc Vĩnh tấp nập hải sản tươi một thời trong 3 tháng qua đìu hiu não nề. Bà Tống Thị Huệ, 60 tuổi, ở thôn Binh An 2 kể rằng do khó khăn nên 4 - 5 người buôn chung 3 rổ cá đồng, một vài mớ rau. Bà Huệ có 5 người con thì 4 đã và đang học đại học, tất cả nhờ nghề buôn cá và làm nước mắm cá của bà. “Mấy tháng nay thì chịu, nghỉ buôn cá biển, ảng (bể) làm mắm cũng bỏ luôn. Mấy đứa con ăn học không biết sao mà tính đây?”, bà Huệ nói.
Ngồi cạnh bà Huệ là “bà chủ” buôn cá nổi tiếng tên Nguyễn Thị Ty, 54 tuổi, ở thôn Bình An 1, xã Lộc Vĩnh. Nhà bà Ty có hẳn một chiếc ô tô tải chở cá đi bán. Khi chưa có tình trạng cá chết biển nhiễm độc công việc của bà Ty hằng ngày hầu như không ngơi nghỉ. Cá lớn bà Ty nhập vào Đà Nẵng, ra Huế cá vừa bà để bán ở chợ, cá nhỏ bán cho các chủ hồ tôm, cá làm thức ăn. Công việc từ sáng đến tối, đủ chăm nuôi người chồng bị bệnh và 5 người con ăn học. Nhưng sau khi cá chết, ngư dân điêu đứng nghề buôn bà cũng điêu đứng theo. Bà Ty chuyển ô tô tải chở cá sang chạy thuê, bản thân bà chuyển sang nghề bán mắm dưa cà ở chợ Lộc Vĩnh. (Đình Toàn)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.