Formosa bồi thường 500 triệu USD: Cần một kịch bản bồi thường ở tầm Chính phủ

02/07/2016 12:23 GMT+7

Các nhà quản lý đừng tin rằng các nhà đầu tư luôn luôn thể hiện sự tử tế nhất trong bảo vệ môi trường. 500 triệu USD mà Formosa hứa bồi thường vẫn chưa đủ, còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết.

Đây là ý kiến của các chuyên gia trong chương trình Talkshow “Công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt trên biển miền Trung” do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 30.6.
Cần làm rõ vì sao chưa xử lý hình sự?
PV Báo Thanh Niên: Sau 90 ngày chờ đợi, cuối cùng Formosa cũng đã thừa nhận lỗi xả thải làm cá chết hàng loạt, gây thảm họa môi trường cho các tỉnh miền Trung; đồng thời chấp nhận bồi thường thiệt hại cho ngư dân 11.500 tỉ đồng (tương đương 500 triệu USD). Với tư cách là một người dân, ông có thỏa mãn với kết quả họp báo hay không?
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường: Tôi cho rằng, cuộc họp báo giống như một vở bi kịch có hậu. Chúng ta cũng biết rằng, đây là sự cố phải nói là ghê gớm về mặt môi trường tác động đến tư duy của cả lãnh đạo đất nước, lãnh đạo các ngành cho tới người dân. Đầu tiên chúng ta rơi vào tình trạng bàng hoàng, bỡ ngỡ bởi chưa bao giờ có một sự cố ghê gớm đến như vậy. Là một nhà khoa học, tôi biết rất rõ trong hoàn cảnh đó, rất khó tìm ra một cách đích đáng làm cho thủ phạm tâm phục, khẩu phục bởi khi xảy ra rồi chúng ta vẫn chưa lấy được mẫu, vẫn chưa thu được những mẫu biển bị ô nhiễm…
Tôi cho rằng xử lý của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà rất tốt khi đưa các các nhà khoa học quốc tế vào Việt Nam, tạo ra một luận cứ khoa học chắc chắn để thủ phạm không thể chối cãi. Và tại cuộc họp báo, công ty Formosa đã thừa nhận việc xả thải do mình làm ra và hứa làm những việc tốt nhất để xử lý hậu quả xấu của sự cố. Tôi cho rằng người dân phần nào đó đã thỏa mãn vì biết rõ rồi mình được bồi thường, biết được Chính phủ và các bộ ngành đã rất cố gắng để tạo ra một kết thúc có hậu, lấy được lòng dân.
Talkshow-cong-bo-nguyen-nhan-ca-chet
GS Đặng Hùng Võ (bên phải) và TS Lưu Bích Hồ (bên trái) cùng ê kíp thực hiện chương trình Thu Trang
PV Báo Thanh Niên: Kết quả điều tra, nghiên cứu của Bộ KH-CN chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan kết luận: nguyên nhân gây hiện tượng cá chết bất thường là do độc tố hóa học (Phenol,Cyanua…) của một nguồn chất thải lớn phát ra từ khu vực Vũng Áng (Hà Tĩnh) xả thải. Ngoài ra, Formosa còn có 51 lỗi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Với những hậu quả nghiêm trọng như vậy Formosa chỉ bị xử lý hành chính có hợp lý hay không?
TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch-Đầu tư):
Đây là một sự cố rất nghiêm trọng chưa từng xảy ra ở VN. Ngày hôm nay chúng ta đã đi đến một đoạn kết đánh giá nguyên nhân và xử lý hậu quả. Tôi đã xem kỹ những vi phạm và thấy rằng có những vi phạm liên quan có thể dẫn tới truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong Bộ luật Hình sự, điều 182 quy định các hành vi phạm tội trong lĩnh vực ô nhiễm môi trường có nêu một số trường hợp bị xử lý hình sự như: gây ra sự cố nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng gây hậu quả rất lớn, có chủ đích chứ không phải là sự cố ngẫu nhiên.
Vì sao chúng ta chưa xử lý hình sự? Theo tôi cần phải được giải thích rõ hơn. Quan điểm của tôi cũng giống như Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố, phải làm theo đúng pháp luật không bao che cho bất kỳ ai. Tôi đề nghị, Nhà nước, các bộ ngành liên quan và tỉnh Hà Tĩnh phải xem xét thêm vấn đề này.
Bất thường trong quyết định xả ra biển
PV Báo Thanh Niên: Ban đầu Formosa được cấp phép xả thải ra sông Quyền, nhưng sau đó lại được Bộ TN-MT cấp phép xả ra biển. Tại sao lại như vậy?
GS. Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng, đây là điều chúng ta cần phải rút kinh nghiệm. Còn có những cái phức tạp hơn trong quy trình quản lý không được đảm bảo, thì câu chuyện ở mức độ cao hơn. Sự thực đánh giá tác động môi trường là quy trình khá phức tạp. Chúng ta phải lấy ý kiến chuyên gia, ý kiến người dân tại địa phương, ý kiến hội đồng với nhiều thành phần đầy đủ rồi mới đưa ra đánh giá tác động môi trường. Theo đánh giá tác động môi trường, ban đầu Formosa xả ra sông Quyền, từ sông Quyền mới thải ra biển. Việc lựa chọn giải pháp môi trường này là bởi xả ra sông thì khả năng giám sát, kiểm soát sẽ tốt hơn và khống chế được giai đoạn đầu khi nước thải chưa bị đẩy ra biển.
Nhưng sau đó, theo tôi biết là có một số khó khăn do đề xuất từ phía này, phía khác. Đặc biệt là đề xuất của địa phương và chủ đầu tư, vì nhiều vướng mắc nên họ đề xuất cho xả thẳng ra biển. Tôi cũng được biết, trong việc này một Thứ trưởng trong nhiệm kỳ trước đã ký duyệt cho đồng ý cho xả thẳng ra biển. Tôi cho rằng, đây là một quyết định rất không chặt chẽ. Từ quyết định của một người có thẩm quyền sửa lại báo cáo đánh giá tác động môi trường, giải pháp môi trường là cả một vấn đề lớn. Liệu có phải có vấn đề gì phức tạp, vấn đề mang tính tư lợi, bất thường trong quyết định xả thải ra sông Quyền với việc xả thải thẳng ra biển hay không? Việc xả thẳng ra biển mới xảy ra thảm họa môi trường trong thời gian vừa qua.
Việc cần quan tâm lúc này là nếu cần điều chỉnh, chúng ta phải làm lại quy trình phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường với những giải pháp kèm theo. Về thống quản lý của ta cũng phải đánh giá rà soát, lục soát lại những cái còn lơi lỏng, khuất tất chưa đúng trong thực thi pháp luật.
Talkshow-cong-bo-nguyen-nhan-ca-chet
Các chuyên gia đang bình luận về kết quả họp báo công bố nguyên nhân cá chết tại các tỉnh miền Trung Thu Trang
PV Báo Thanh Niên: Formosa khi đầu tư vào Việt Nam được hưởng rất nhiều ưu đãi như: giảm thuế thu nhập, giảm thuế suất ưu đãi; miễn giảm tiền thuê đất… chưa kể đến ưu đãi từ chính quyền địa phương. Phải chăng, do quá chú trọng đến thu hút đầu tư, chúng ta đã hạ thấp tiêu chuẩn môi trường?
TS. Lưu Bích Hồ: Đứng về mặt chủ trương, chính sách, không có chuyện chúng ta không coi trọng môi trường. Luật Bảo vệ môi trường, luật Đầu tư và nhiều luật khác có liên quan đều rất coi trọng việc phát triển bền vững, đi đôi với phát triển kinh tế phải đảo đảm với phát triển môi trường. Chúng ta không đánh đổi giữa phát triển kinh tế với môi trường, điều đó là rõ ràng không nghi ngờ. Vấn đề ở đây là việc thực hiện quản lý, giám sát chưa đến nơi đến chốn. Trong quá trình vận hành, đầu tư, xây dựng công trình giám sát công trình…chúng ta làm chưa được tốt. Đặc biệt, về mặt môi trường, chúng ta làm chưa đầy đủ những điều đã quy định. Tôi cho rằng, không phải chúng ta ham muốn thu hút được FDI, nhưng đúng là chúng ta chưa coi trọng, chưa thực hiện đúng như quy định đó. Do chưa nhận thức đầy đủ, trách nhiệm của các cơ quan quản lý các cấp các ngành có liên quan cũng chưa đầy đủ. Sự cố giúp chúng ta một bài học rất lớn phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường.
Rà soát lại khung pháp luật về bảo vệ môi trường
PV Báo Thanh Niên: Còn nhớ năm 2008, người dân tại Đồng Nai, Bà Rịa -Vũng Tàu, TP. HCM đã khởi kiện công ty Vedan xả thải “giết” sông Thị Vải. Cuộc chiến pháp lý giữa người dân và doanh nghiệp kéo dài và phải 2 năm sau người dân mới nhận tiền bồi thường. Là chuyên gia trong lĩnh vực TMMT, để bảo vệ quyền lợi cho ngư dân trong vụ Formosa xả thải, theo ông chúng ta có cần một kịch bản bồi thường ở tầm Chính phủ?
GS Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng tốt nhất vẫn cần một kịch bản ở tầm Chính phủ, T.Ư hoặc địa phương. Việc thực hiện trách nhiệm bồi hoàn, gây ra sự cố môi trường được cấp chính quyền dàn xếp, giải quyết có thể bằng xử lý hình sự hay xử lý hành chính, tôi cho là tốt. Nhưng cũng tôi lưu ý, vụ Vedan trước đây, việc giải quyết bồi thường cho người dân trở nên phức tạp là do khi đó Bộ TN-MT nóng vội xử phạt vi phạm hành chính, nhưng xử phạt không đầu đủ. Sau đó lại tiếp tục chỉ đạo UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục xử phát. Thế nhưng, theo quy định lúc đó, một vụ việc chỉ được xử phạt 1 lần, không được xử phạt 2 lần. Người dân muốn bồi thường chỉ còn nước ra tòa. Vụ Vedan về mặt quản lý chúng ta xử lý chưa sắc sảo, nên dẫn tới gây khó cho người dân. Ngay cả người nông dân kiện ra tòa không biết kiện tập thể hay kiện cá nhân, ai là người đứng đầu đơn tập thể…
Ở vụ việc này, chúng ta có kinh nghiệm, Bộ TN-MT đã đứng ra để giải quyết cái khung xử lý trách nhiệm của Formosa. Và lãnh đạo Tập đoàn đã cam kết bồi thường cho người dân bị thiệt hại là 500 triệu USD, đồng thời cam kết giải quyết vấn đề làm sạch biển. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, vấn đề khung chúng ta đã đạt được với chủ đầu tư. Còn việc áp dụng cách thức gì theo quy định của pháp luật chúng ta sẽ tiếp tục sau.
PV Báo Thanh Niên: Hậu quả của việc Formosa xả thải đã nhìn thấy rõ. Theo số liệu thống kê của Bộ NN-PTNT, tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, tình trạng cá chết bất thường đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động khai thác hải sản của ngư dân. Thống kê của Hà Tĩnh và Quảng Trị, 6 tháng đầu năm giảm 16.000 tấn, tại Quảng Bình giảm 23.600 tấn và tại Thừa Thiên Huế giảm 13.300 tấn. Hàng vạn ngư dân đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp, thiếu việc làm. Những tác động về môi trường vẫn chưa thể tính hết. Theo ông, chúng ta sẽ phải khắc phục hậu quả, bồi thường như thế nào cho người dân?
TS Lưu Bích Hồ: Formosa mới thừa nhận và cam kết, theo tôi việc không dừng lại ở ngày hôm nay, chúng ta phải theo dõi xem kết quả họ có thực hiện đúng như vậy không. Tôi cho rằng, 500 triệu USD không phải quá lớn. Tôi được biết, tại các nước phát triển, việc đầu tư một công trình 10 tỉ USD, thường thường người ta sử dụng 20% vốn, tức là 2 tỉ USD để xử lý môi trường an toàn. Formosa bồi thường 500 triệu USD chưa là cái gì, so với 2 tỉ mới chỉ bằng ¼. Thiệt hại của người dân mới chỉ thống kê như vậy, nhưng còn một vấn đề lớn nữa là làm sạch biển. Vấn đề này rất quan trọng, không phải ngày hôm nay đã xong. Kinh nghiệm của nhiều nước phải rất nhiều năm mới làm sạch được. Điều tôi muốn nói, nếu không kiên quyết thực hiện thì lĩnh vực như nhà máy thép là lĩnh vực rất khó để bảo vệ môi trường. Vấn đề xả thải là rất phức tạp, phát triển phụ thuộc vào việc có bảo vệ được môi trường hay không. Nếu nói bồi thường 500 triệu USD đã được chưa, thì tôi nghĩ là chưa đủ? Ngay cả việc di dời, chuyển đổi nghề nghiệp của ngư dân tôi thấy còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết đồng bộ.
PV Báo Thanh Niên: Từ thảm họa môi trường biển miền Trung, chúng ta cần làm gì để không còn những thảm họa môi trường tương tự sẽ có thể xảy ra trong tương lai?
GS Đặng Hùng Võ: Đây là câu hỏi lớn mà chúng ta phải làm rất cương quyết. Những nhà quản lý về môi trường đừng bao giờ tin rằng, những nhà đầu tư luôn luôn thể hiện trách nhiệm cao nhất với môi trường vì đây là bài toán lợi ích. Khi có thể ăn quỵt được môi trường, họ sẵn sàng ăn quỵt bởi cái chi phí cho môi trường rất lớn. Nếu xả thải trực tiếp ra môi trường, người ta có lợi về mức chi phí rất nhiều. Các nhà quản lý đừng tin rằng, các nhà đầu tư luôn luôn thể hiện sự tử tế nhất trong bảo vệ môi trường. Có thể thấy không chỉ Vedan, Fomosa, rất nhiều nơi tại VN đang kể cá chết trên sông, rất nhiều nơi bị ô nhiễm …
Quản lý môi trường là lĩnh vực hiện nay chúng ta cần phải rà soát lại một cách kỹ lưỡng, phải có cơ chế phù hợp, thậm chí là khắt khe nhất để giám sát việc thực hiện trách nhiệm môi trường của tất cả các nhà đầu tư. Đã đến lúc chúng ta cũng phải rà soát lại toàn bộ khung pháp luật, chính sách của vấn đề bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Tôi lấy ví dụ, về quy chuẩn môi trường đối với xả thải, nước thải ra nguồn nước, năm 2008 chúng ta có quy chuẩn, sau đó đến 2013 chúng ta có quy chuẩn mới. Theo quy chuẩn mới năm 2013, ngưỡng Phenol gấp 30 lần quy chuẩn năm 2008. Tại sao chúng ta lại nâng mức lên gấp 30 lần khi Phenol là chất cực độc, gây hại cho sức khỏe. Nguyên nhân cá chết cũng là do Cyanua và Phenol. Tôi cho rằng, đây là câu hỏi đặt ra chúng ta cần phải rà soát lại. Kể cả chúng ta phải rà soát lại báo cáo đánh giá tác động môi trường, việc thực hiện báo cáo đánh giá để kiện toàn hệ thống.
Xin chân thành cảm ơn các vị khách mời!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.