Fintech ‘nín thở’ chờ chính sách để bứt tốc

30/03/2022 17:03 GMT+7

Chạy đua với xu thế không dùng tiền mặt ngày càng tăng, nhưng các Fintech tại Việt Nam vẫn đang "cầm chừng" để chờ một hành lang pháp lý cụ thể dành riêng cho họ.

Fintech (các công ty tài chính công nghệ) đang đứng trước cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ cùng với sự phát triển của xu hướng tiêu dùng không tiền mặt. Tuy nhiên, chia sẻ tại buổi tọa đàm "Để an toàn trong các giao dịch thanh toán không tiền mặt" do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 30.3, đại diện các Fintech cho biết đều đang chờ đợi một hành lang pháp lý cụ thể để bứt tốc trong cuộc đua 4.0, đồng thời gia tăng được các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho người dùng cũng như toàn bộ quá trình thanh toán trực tuyến.

Đại diện các Fintech hàng đầu Việt Nam cùng chia sẻ những nỗi niềm của mình tại buổi tọa đàm sáng 30.3

Đào ngọc thạch

Bà Trương Cẩm Thanh - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần ZION (đơn vị chủ quản ví điện tử ZaloPay) nói: "Cách mạng 4.0 đang diễn ra trên thế giới và Việt Nam không nằm ngoài điều đó. Để nói trước tương lai thay đổi thế nào trong vài năm tới sẽ rất khó vì lĩnh vực công nghệ chuyển biến vô cùng mạnh mẽ và nhanh chóng. Chính vì vậy, chúng tôi mong Nhà nước sớm có hành lang pháp lý và các văn bản luật vì ZaloPay làm 4.0 thì không thể đi sau, đi chậm hơn xu thế. Ngược lại cũng không thể chạy trước vì có thể 'chạm vạch' nếu chưa có những quy định cụ thể từ cơ quan điều hành".

Lãnh đạo ZaloPay cũng chia sẻ ở thời điểm này, đối với Fintech thì chưa thể nói cụ thể một hành lang pháp lý thế nào là đủ tốt. Điều này khác với ngân hàng - lĩnh vực đã có những cơ chế hết sức cụ thể để vận hành.

Bà Trương Cẩm Thanh - lãnh đạo của ZaloPay chờ đợi hành lang pháp lý cụ thể cho Fintech nói chung và ví điện tử nói riêng

Đào ngọc thạch

Chung quan điểm, ông Nguyễn Bá Diệp - Đồng sáng lập kiêm Phó chủ tịch Ví điện tử MoMo bày tỏ mong muốn có cơ sở pháp lý để có thể mở rộng dịch vụ, giúp phá bỏ những rào cản còn tồn tại. "Fintech là một lĩnh vực vô cùng phức tạp, không thể hoạt động nếu thiếu đi hành lang pháp lý", ông Diệp nhấn mạnh, đồng thời tin tưởng rằng sắp tới các cơ quan quản lý sẽ sớm có thay đổi về chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này.

Đại diện Ví điện tử MoMo đánh giá Fintech không thể hoạt động nếu thiếu khung pháp lý

đào ngọc thạch

Còn theo quan điểm của Phó giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số HDBank - Nguyễn Đức Dũng, cả Fintech lẫn ngân hàng đang cần khung pháp lý để có thể kết nối các công ty lại với nhau, tạo ra một cộng đồng tin tưởng để từ đó cùng thảo luận, tập trung vào giải quyết các vấn đề chung, cùng nâng cao khả năng bảo mật, bảo vệ người dùng.

Đứng ở vị trí là một chuyên gia nhiều năm theo dõi công nghệ tại Việt Nam, đồng thời là người dùng sản phẩm của lĩnh vực này hằng ngày, nhà báo Phạm Hồng Phước tin rằng cả người tiêu dùng, Fintech, dịch vụ công, sàn TMĐT... đều cần phải hợp tác với nhau. "Nhà nước cũng nên có chính sách, quy định rõ ràng về trách nhiệm, đảm bảo an toàn", ông phát biểu tại buổi tọa đàm.

“Để an toàn trong các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt” là chủ đề tọa đàm do Báo Thanh Niên phối hợp cùng Ví điện tử MoMo, Ví điện tử ZaloPay, Ví điện tử ShopeePay, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank), Công ty cổ phần TNHH Tiki và Công ty TNHH Bảo mật Nam Trường Sơn tổ chức. Chương trình diễn ra tại tòa soạn Báo Thanh Niên (268 -270 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM) và được tường thuật trên các kênh của báo như thanhnien.vn, các nền tảng Facebook, YouTube của Báo Thanh Niên… Buổi tọa đàm xoay quanh xu hướng tiêu dùng không tiền mặt trên thế giới cũng như tại Việt Nam; những lợi ích - khó khăn mà hình thức giao dịch này mang lại cho cả người tiêu dùng lẫn đơn vị cung cấp dịch vụ, các nhà quản lý. Các chuyên gia cũng sẽ chia sẻ cái nhìn chi tiết hơn về những hình thức lừa đảo trực tuyến của giới tội phạm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.