EVN nỗ lực cao nhất đảm bảo cung ứng điện

06/01/2024 08:00 GMT+7

Ngay từ đầu năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ đạo các nhà máy điện chuẩn bị tốt công tác sản xuất điện, tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng thiếu nhiên liệu (than, khí, dầu) cho phát điện.

Cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội

Theo EVN, năm 2023 tuy đối mặt với nhiều khó khăn trong nước và thách thức về an ninh năng lượng toàn cầu, tập đoàn này vẫn đạt, vượt nhiều chỉ tiêu sản xuất kinh doanh. Cụ thể, sản lượng điện thương phẩm toàn tập đoàn ước đạt 251,25 tỉ kWh, tăng 3,52% so với năm 2022; doanh thu bán điện ước đạt 497.000 tỉ đồng, tăng 5,4% so với năm 2022; giá trị nộp ngân sách ước đạt 21.000 tỉ đồng

Năm 2023, tổn thất điện năng toàn EVN còn 6,15%, giảm 0,1% so với năm 2022. Độ tin cậy cung cấp điện tiếp tục được cải thiện, với chỉ số SAIDI (thời gian mất điện bình quân của một khách hàng trong năm) giảm còn 242 phút, 24% và giảm 25 phút so với năm 2022; số sự cố lưới điện giảm 6,7% so với năm 2022.

EVN nỗ lực cao nhất đảm bảo cung ứng điện- Ảnh 1.

EVN đang triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo cung ứng điện trong năm 2024

Ảnh: Ngọc Thắng

Cũng theo EVN, để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, tập đoàn đã xây dựng kế hoạch năm 2024 với yêu cầu đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5%; đồng thời đảm bảo cân bằng tài chính để các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển của EVN được phát triển bền vững.

EVN đặt ra các chỉ tiêu cụ thể: điện thương phẩm năm từ 262,26 - 269,3 tỉ kWh; tỷ lệ điện dùng cho truyền tải và phân phối không vượt quá 6,05%. Độ tin cậy cung cấp điện, chỉ số SAIDI là 304 phút; phấn đấu năng suất lao động tăng trên 8%; giải ngân đầu tư 101.911 tỉ đồng; đảm bảo cân bằng tài chính, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước.

Chủ động dự báo nhu cầu tiêu thụ

Chia sẻ tại lễ tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2024 diễn ra ngày 2.1, Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) EVN Đặng Hoàng An cho biết, đảm bảo cung cấp điện và cân bằng tài chính là nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.

Ông Đặng Hoàng An cho rằng đảm bảo cung ứng điện vẫn là "nhiệm vụ cam go" khi hiện nay công suất nguồn điện có thể chủ động được của EVN là hơn 37%, cộng với 8% của Tập đoàn Dầu khí VN (PVN), 2% của Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản VN (TKV) thì chưa đến 48%. Trong khi đó, 52% công suất còn lại đang phụ thuộc vào các doanh nghiệp bên ngoài, và đề nghị Bộ Công thương tiếp tục chỉ đạo sâu sát. Về phía EVN, ông Đặng Hoàng An khẳng định: "97.000 cán bộ, công nhân viên toàn EVN sẽ nỗ lực với trách nhiệm cao nhất cho nhiệm vụ đảm bảo cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội".

Cũng theo EVN, để đảm bảo nguồn cấp nhiên liệu cho sản xuất điện các năm tới, EVN và TKV, Tổng công ty Đông Bắc đã ký thỏa thuận hợp tác cung cấp than dài hạn cho các nhà máy nhiệt điện của EVN. Ngoài ra, EVN đang đàm phán với PVN/PVGas để ký thỏa thuận khung việc cung cấp khí cho các nhà máy điện của EVN và EVNGENCO3, đồng thời hoàn thiện các hợp đồng liên quan (GSA, PPA) cho việc bổ sung LNG, để trong trường hợp cần thiết có thể huy động ngay nhiên liệu LNG, đáp ứng đủ khí cho phát điện.

EVN cũng sẽ chủ động trong dự báo nhu cầu điện, theo dõi sát diễn biến nhu cầu điện năm nay để phối hợp xây dựng kế hoạch vận hành hệ thống điện quốc gia, vùng, miền, bảo đảm cung ứng điện tối ưu.

Với nhiệm vụ cân bằng tài chính, Chủ tịch HĐTV EVN lưu ý trong khi trông chờ tháo gỡ chính sách về giá bán lẻ điện bình quân, nội tại các đơn vị phải thực hành tiết kiệm. "Phải tiết kiệm từ lúc mua điện, từ chi phí vận hành hệ thống, thị trường điện cho đến quá trình đàm phán mua bán điện, tiết kiệm chi phí phân phối, tiết kiệm mua sắm, đầu tư xây dựng vay vốn… Đây là giải pháp bắt buộc phải làm. EVN đã thực hành tiết kiệm trong nhiều năm nhưng bây giờ phải đẩy lên mức mới", ông An nhấn mạnh.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.