EVN lo vướng mắc đất rừng làm chậm tiến độ dự án đường dây 500 kV

16/02/2024 18:01 GMT+7

Thủ tục liên quan đến công tác chuyển đổi đất rừng và đường thi công tạm có thể khiến Dự án đường dây 500 kV mạch 3 đoạn từ Quảng Trạch đến Phố Nối khó hoàn thành trước ngày 30.6.

Ngày 16.2, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng đã chủ trì cuộc họp đánh giá tiến độ Dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối.

Cuộc họp này có sự tham dự của đại diện các bộ, ngành, lãnh đạo EVN và 9 địa phương dự án đi qua.

EVN lo vướng mắc đất rừng làm chậm tiến độ dự án đường dây 500 kV- Ảnh 1.

Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Đặng Hoàng An phát biểu tại cuộc họp

S.D

Ông Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa quan trọng không chỉ cung cấp điện cho miền Bắc mà còn đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế xã hội.

Theo đó, Bộ Công thương sẽ tổ chức giao ban định kỳ 1 tháng 1 lần hoặc sớm hơn để đánh giá tiến độ công việc, những khó khăn vướng mắc, đề xuất kiến nghị, mục tiêu là phải hoàn thành dự án trước ngày 30.6, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, tại cuộc họp, lãnh đạo EVN chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc có thể làm chậm, ảnh hưởng đến mục tiêu hoàn thành dự án.

Thông tin tại cuộc họp, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc EVN, cho biết dự án đang gặp một số vướng mắc liên quan đến quy định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đường thi công; công tác bàn giao mặt bằng vị trí móng cột và hành lang tuyến chưa đạt yêu cầu đề ra.

Cụ thể, đường dây 500 kV Quỳnh Lưu – Thanh Hóa có diện tích rừng phần đường tạm là 3,49 ha, gồm 0,53 ha rừng tự nhiên và 2,95 ha rừng trồng; đường dây 500 kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu, diện tích rừng phần đường tạm là 6,01 ha, gồm 2,71 ha rừng tự nhiên và 3,29 ha rừng trồng. Trong khi hiện nay chưa có quy định, hướng dẫn về việc sử dụng diện tích rừng nêu trên để làm đường tạm thời, bãi tạm tập kết vật tư vật liệu phục vụ thi công.

Trước đó, ngày 2.2, Bộ NN-PTNT có văn bản số 996/BNN-KL báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 156/NĐ-CP ngày 16.11.2018 của Chính phủ để giải quyết các khó khăn vướng mắc về việc cho phép tác động vào rừng phục vụ thi công các dự án. Nhưng nếu chờ Nghị định 156/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung có hiệu lực (theo quy định là ít nhất 45 ngày sau khi ký ban hành) thì các dự án sẽ chậm tiến độ.

Cũng theo Tổng giám đốc EVN, diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên phần móng cột đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại các quyết định chủ trương đầu tư. Nhưng trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật, do cần chuẩn xác giải pháp thiết kế dẫn tới tọa độ các vị trí móng có thể sẽ có sai khác. Đây chính là khó khăn trong việc thẩm định phê duyệt hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng ở các địa phương có dự án đi qua.

Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Đặng Hoàng An cho rằng, khó khăn lớn nhất của dự án hiện nay là thủ tục liên quan đến công tác chuyển đổi đất rừng và đường thi công tạm. Để phấn đấu hoàn thành dự án theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng, EVN kiến nghị Ban Chỉ đạo báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh quyết định chủ trương về tác động vào rừng để làm đường tạm, các công trình tạm phục vụ thi công mà không chờ sửa đổi, bổ sung nghị định 156/NĐ-CP của Chính phủ.

Cụ thể, đối với diện tích rừng thuộc phạm vi móng cột đã được duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng trong giai đoạn chấp thuận chủ trương đầu tư, nếu phải điều chỉnh theo thiết kế kỹ thuật mà không vượt tổng diện tích đã phê duyệt, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND tỉnh chấp thuận mà không phải báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động rà soát nhiệm vụ và công việc được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao để tập trung giải quyết, tháo gỡ ngay vấn đề còn vướng mắc, đặc biệt là chuyển đổi đất rừng.

Trong đó, Bộ NN-PTNT, Văn phòng Chính phủ, báo cáo Thủ tướng sớm xem xét, trình ban hành Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 156. Trong lúc chờ ban hành nghị định này có hiệu lực theo quy định của pháp luật thì đồng thời có văn bản báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương để các địa phương và Bộ NN-PTNT có thể thực hiện việc cho phép chuyển đổi đất rừng, đất nông nghiệp để thi công.

Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đề nghị các địa phương chưa hoàn thành việc bàn giao mặt bằng cho các vị trí hố móng hoặc đã bàn giao nhưng còn vướng mắc chưa thể triển khai thi công thì cần gấp rút hoàn thiện trước ngày 20.2. Chậm nhất trước ngày 15.3 phải hoàn thành bàn giao mặt bằng hành lang tuyến cho chủ đầu tư.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.